Trả cổ tức bằng… căn hộ
Khi thị trường địa ốc đóng băng kéo dài, không chỉ chủ đầu tư “bạc tóc” mà cổ đông cũng “thót tim”, bởi lẽ trên sàn chứng khoán cổ phiếu chỉ có một màu đỏ, lâu lâu mới điểm xuyến một vài sắc xanh. Nhà đất không bán được, đương nhiên việc tồn tại của các công ty cực kỳ khó khăn, dẫn đến tình cảnh không có lợi nhuận làm gì có cổ tức. Bức tranh về thị trường chứng khoán và bất động sản xám xịt là vậy, tuy nhiên trên thực tế có chủ đầu tư linh động trả cổ tức cho cổ đông bằng sản phẩm, cụ thể là đổi cổ tức lấy mét vuông căn hộ chung cư!
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) có phương án trả cổ tức cho cổ đông năm 2010 bằng căn hộ hoặc nền đất! Trong thư gửi đến cổ đông, ông Huỳnh Hữu Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị CIC8, giải thích: “Việc chi trả cổ tức năm 2010 chưa thể thực hiện được do thị trường bất động sản đang ảm đạm, nhiều sản phẩm của công ty chưa bán được. Hội đồng quản trị rất mong quý cổ đông thông cảm và chia sẻ khó khăn với CIC8”. Từ đó, CIC8 đề xuất trả cổ tức từng tháng bằng lãi 2%/tháng, trong 12 tháng, hoặc bằng sản phẩm địa ốc.
Đối với phương án trả cổ tức bằng sản phẩm, đó là căn hộ, nền đất tại các dự án do CIC8 đầu tư: cao ốc Xanh, phường Phước Long A, quận 9; cao ốc Metro tại huyện Dĩ An, Bình Dương; khu đô thị mới Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và Khu đô thị Đông Nam Thủy An, Huế.
Theo bà Huỳnh Kim Thủy, Phó Giám đốc Đầu tư kinh doanh CIC8, cách tính chia cổ tức như sau: cổ đông chọn lựa sản phẩm nào đó của CIC8, số cổ tức cổ đông sẽ nhận (quy bằng tiền) sẽ tương ứng với phần trăm trị giá sản phẩm, phần tiền thiếu, cổ đông đóng tiếp vào. Ví dụ tại dự án cao ốc Xanh, hiện một số lốc đã xây dựng xong phần khung, nếu cổ đông mua căn hộ này qua hình thức trên, nộp tiền theo tiến độ sẽ được giảm 15%. Với mức giảm giá này, trước đây chưa xuất hiện ở bất cứ dự án nào do CIC8 đầu tư!
Ngoài cách làm của CIC8, hàng loạt ông chủ của các công ty địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán đã tìm cách trấn an cổ đông trước áp lực cổ phiếu tụt dốc. Vào giữa tháng trước, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HOSE: HBC) đã viết thư gửi nhân viên, cổ đông với hy vọng ngăn đà giảm giá. Trong thư, ông Hải khẳng định lý do chính khiến HBC giảm sàn liên tục là do chính sách thắt chặt đầu tư vào bất động sản bằng cách nâng lãi suất và hạn chế cho vay. Điều này ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm. Ngoài ra, một số nhà đầu tư không đủ tiền mặt bù đắp thiệt hại khi giá HBC giảm đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp.
Thực tế, hoạt động kinh doanh công ty bình thường, thậm chí đáng khích lệ khi doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận. Vì thế ông kêu gọi cán bộ công nhân viên, những người giữ cổ phiếu HBC không nao núng bán cổ phiếu, “nếu có điều kiện, chúng ta cùng nhau đăng ký mua thỏa thuận, qua sàn để đỡ giá”.
Tương tự, khi cổ phiếu của Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) liên tục giảm sâu, cổ đông, thành viên hội đồng quản trị đăng ký bán ồ ạt, giá thấp hơn mệnh giá... ngay lập tức lãnh đạo công ty cũng lên tiếng trấn an. Theo đó, công ty không có chuyện phá sản, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường tại các sàn giao dịch, chi nhánh trong tất cả các lĩnh vực như môi giới, thiết kế, xây dựng, pháp lý, thẩm định giá...
Trước khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực địa ốc, rõ ràng sự cung cấp thông tin chính xác kịp thời, hoặc có phương án tháo gỡ khó khăn nhằm nhận được sự chia sẻ từ cổ đông cũng được xem giải pháp tích cực để vượt “bão”.
Lương Thi
Sài Gòn Giải phóng
|