Thứ Tư, 14/12/2011 15:31

Tín dụng cuối năm 2011 : Diễn biến trái chiều

Hiện thị trường tín dụng tại khu vực Đông Nam Bộ đang có hai diễn biến trái ngược là một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) lớn đã công bố hạ tiếp lãi suất vay, đặc biệt là các khoản vay xuất khẩu, sản xuất nhưng điều kiện vay vẫn “khó”. Còn ở một số ngân hàng nhỏ, tuy DN dễ tiếp cận nguồn vốn hơn nhưng lãi suất vẫn cao.

Theo thông lệ, DN sẽ có nhu cầu vốn cao hơn bình thường do phải dự trữ nguyên liệu trước cho đơn hàng năm sau và thanh toán các khoản tiền cuối năm âm lịch. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhu cầu vay vốn vẫn ít hơn hẳn so với cùng kỳ các năm trước.

Ngân hàng lớn hạ lãi suất

Tuy lãi suất huy động chưa giảm như nhiều “đồn đoán” gần đây, song vì nhiều lý do, lãi vay đã giảm. Đi đầu trong việc hạ lãi suất ở thời điểm này là một số ngân hàng lớn, như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank... với mức hạ từ 0,5 - 2,5%/năm, chủ yếu ở các khoản vay xuất khẩu, sản xuất. Cụ thể, Vietcombank chi nhánh Đồng Nai từ ngày 30/11 đã áp mức lãi suất 15%/năm cho một số đối tượng vay xuất khẩu, mức cho vay sản xuất - kinh doanh thông thường còn 16,2 - 17,6%/năm, giảm chút ít so với trước đó. Mức 17,6%/năm cũng là mức vay cao nhất đối với nhóm sản xuất - kinh doanh đang áp dụng tại ngân hàng này (không kể các khoản vay chứng khoán, BĐS, tiêu dùng... đang rất hạn chế cho vay).

Tương tự, Ngân hàng Đầu tư phát triển BIDV với gói hỗ trợ vay sản xuất - xuất khẩu khoảng 5 ngàn tỉ đồng hiện đang áp mức lãi gần như thấp nhất trên thị trường. Ông Võ Văn Tý - Giám đốc BIDV Đồng Nai nói, chi nhánh đang cho vay xuất khẩu thấp nhất ở mức 14,8 - 15,7%/năm cho các khách hàng tốt, sử dụng nhiều dịch vụ của BIDV, riêng nội dung vay sản xuất - kinh doanh thông thường áp dụng mức 16 - 17%/năm. Cũng theo ông Tý, ngoài mức lãi đã công bố như trên, khoảng 130 tỉ đồng cho vay xuất khẩu ở một nhóm ngành, nghề ưu đãi, như: may mặc, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến gỗ... thì  lãi suất sẽ giảm thêm 0,5% nữa. Tuy nhiên, BIDV cho biết, mức lãi trên chỉ áp dụng cho vay ngắn hạn bởi chỉ tiêu trung - dài hạn đã chạm trần. Vietinbank Đồng Nai cũng vừa giảm lãi suất thêm so với tháng trước, mức lãi vay sản xuất - kinh doanh ở ngân hàng này hiện còn khoàng 16,5 - 18%/năm tùy đối tượng.

Mặc dù lãi vay đã giảm khá mạnh, từ 0,5 - 2,5%/năm so với đầu tháng 10, song nhiều ngân hàng cho biết, rất khó tìm khách vay. Ông Võ Đức Thiện - Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Nai nhận xét năm nay khá “lạ” khi lãi giảm mà ít DN vay. “Dư nợ đang có xu hướng giảm dù lãi đã hạ, nhiều khách hàng tìm cách trả nợ chứ không vay thêm. Điều này khác với “không khí” của những năm trước, khi vào cuối năm, nhu cầu vay thường tăng mạnh. Theo tôi, những khó khăn tồn tại suốt mấy năm qua đã làm nhiều DN chạm ngưỡng chịu đựng và không có nhiều niềm tin để vay vốn làm ăn trong năm tới - ông Thiện nói.

Lãi vẫn cao ở ngân hàng nhỏ

Không có tiềm lực về vốn như các ngân hàng lớn, khối ngân hàng TMCP nhỏ hiện giảm lãi suất vay rất chậm so với tháng trước. Hiện nhóm ngân hàng này đang áp mức lãi suất cao hơn lãi của nhóm ngân hàng lớn từ 1 - 4%/năm tùy nội dung vay. Ở nội dung sản xuất - kinh doanh, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn giữ mức lãi suất 18 - 20%, riêng nhóm phi sản xuất vẫn từ 21 - 24%/năm. Lý giải vấn đề này, một số giám đốc chi nhánh ngân hàng TMCP quy mô nhỏ tại Đồng Nai cho biết, họ khó có thể tham gia cuộc đua hạ lãi suất để tìm khách hàng vay tốt vì nhiều lý do: vẫn phải sử dụng nguồn vốn huy động với lãi suất cao để cho vay, hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, huy động vốn giảm mạnh...

Các ngân hàng Vietcombank (VCB), BIDV, Vietinbank (CTG) đều đòi hỏi khách vay phải là các DN được xếp hạng tín dụng cao, và để được lãi suất vay ưu đãi, các DN này phải cam kết nhiều điều kiện như cam kết bán USD trả nợ, sử dụng nhiều dịch vụ tại nơi vay...

Thực tế cho thấy, các DNNVV khó “chạm” được nguồn vốn với lãi suất thấp ở các ngân hàng lớn vì nhiều lý do, mà một trong các lý do chính là mức duyệt vay thường ít hơn rất nhiều so với nhu cầu vốn của DN. Chính vì vậy, hầu như DN nhỏ thường tìm đến ngân hàng nhỏ. Ở nhóm ngân hàng này, đa số khách hàng là các DNNVV - đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong mấy năm vừa qua - do đó khi ngân hàng này giữ lãi suất vay cao thì DN nhỏ vẫn thiệt thòi nhất.

Giám đốc một DN nhỏ trong ngành may mặc tại TP Biên Hòa nhận xét: “Mức lãi suất cho vay khoảng 19%/năm ở thời điểm hiện tại vẫn làm khó DN, nhất là các DNNVV, bởi trong giai đoạn môi trường kinh doanh nhiều bất ổn như hiện nay, phải có lợi nhuận trên 20% mới có thể bù đắp các chi phí về vốn, đầu vào, tăng lương cho công nhân... Song, thị trường khó, doanh thu thấp nên rất ít đơn vị, ngành nghề nào thu được mức lợi nhuận trên. Hi vọng rằng đầu 2012, lãi suất vay giảm mạnh hơn nữa để DN có thể “chèo chống” tiếp”.

Vi Lâm

Diễn đàn DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Cần tiếp tục điều chỉnh khái niệm phi sản xuất (14/12/2011)

>   Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá? (14/12/2011)

>   Trần lãi suất giữ nguyên 14% hết tháng 12 (14/12/2011)

>   USD tăng đột ngột, vàng tiếp tục giảm (14/12/2011)

>   Lãi suất cho vay vẫn cao chót vót: Nghi vấn lớn (14/12/2011)

>   Ngân hàng: Ngột ngạt những ngày cuối năm (13/12/2011)

>   NHNN chuẩn bị họp về “quota” tín dụng 2012 (12/12/2011)

>   OCB lên tiếng về vụ “đuổi” 230 nhân viên (12/12/2011)

>   Góc nhìn khác về tái cấu trúc ngân hàng (12/12/2011)

>   Hạ lãi suất: Đừng mạo hiểm đánh đổi (12/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật