Thấy gì từ động thái nới lỏng yêu cầu dự trữ ngân hàng TQ?
Bắc Kinh nới lỏng các yêu cầu dự trữ ngân hàng khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng toàn cầu làm lu mờ những mối quan tâm về lạm phát.
Bắc Kinh - Trung Quốc hành động kiên quyết để kích thích nền kinh tế nước này bằng việc cắt giảm các yêu cầu dự trữ ngân hàng lần đầu tiên trong vòng 3 năm gần đây, trong cái mà các nhà phân tích cho rằng có thể là sự khởi đầu của một chiến dịch nới lỏng tiền tệ nhằm mục đích thúc đẩy Trung Quốc vào thời điểm mà các lĩnh vực thương mại và bất động sản của nước này đang xuống giá.
Động thái này báo hiệu Trung Quốc đã đặt tăng trưởng kinh tế chứ không phải mối quan tâm tới lạm phát lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình, thậm chí là với rủi ro của việc nhen lại ngọn lửa bong bóng bất động sản mà nước này đã mất nhiều tháng vật lộn để xì hơi.
Stephen Green, nhà kinh tế học Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered nói: "Đây là một động thái lớn. Nó cho thấy Trung quốc hiện đang trong tâm trạng nới lỏng."
Bắc Kinh cho biết sẽ thay đổi một vài trong những gia tăng gần đây trong các yêu cầu dự trữ ngân hàng. Mặc dù không phải là một sự ngạc nhiên nhưng nó cho thấy Trung Quốc hiện cũng đang lo lắng về tăng trưởng toàn cầu.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dữ trữ bắt buộc 0,5%, đưa tỷ lệ này xuống còn 21% với các ngân hàng lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12, lần cắt giảm như vậy đầu tiên kể từ tháng 12/2008.
Động thái này sẽ giải phóng khoảng 390 tỷ nhân dân tệ (khoảng 61 tỷ USD) trong các quỹ để các ngân hàng có thể cho vay. Standard Chartered cho biết ngân hàng này dự đoán Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ một lần nữa vào tháng Một do cuộc khủng hoảng thanh khoản tiềm năng trước dịp năm mới của Trung Quốc. HSBC cũng dự báo việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bổ sung và tăng tổng số lượng cho vay mà chính quyền Trung Quốc có thể sẽ phê duyệt.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng những thay đổi đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc hơn là với việc cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế bởi vì các nhà lãnh đạo nước này tin rằng họ có thể nhắm tới kết quả họ muốn bằng việc điều chỉnh các yêu cầu với các ngân hàng tốt hơn so với nới lỏng các điều kiện tiền tệ trên toàn nền kinh tế.
Chính quyền tại Trung Quốc hành động hôm thứ Tư vừa qua để kích thích tăng trưởng khi lợi nhuận trong các lĩnh vực thương mại và bất động sản chậm lại.
Động thái này được đưa ra vài giờ trước thông báo rằng sáu ngân hàng trung ương lớn tại các quốc gia giàu có cùng đồng ý cấp các khoản vay đô la rẻ hơn cho bất kỳ ngân hàng nào cần chúng. Những ngân hàng này gồm Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung Ương châu Âu, Ngân hàng Canada, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản. Quan chức một ngân hàng trung ương cho biết Trung Quốc tự mình hành động như vậy.
Trong quá khứ, PBOC đã không hợp tác hành động với các ngân hàng trung ương lớn khác. Ngân hàng trung ương Trung Quốc không có thẩm quyền đưa ra các quyết sách quan trọng về chính sách tiền tệ mà phải được sự chấp thuận của Hội đồng nhà nước, cơ quan chính phủ quyền lực nhất Trung Quốc. Các quan chức PBOC không trả lời thư yêu cầu bình luận.
Các hành động của PBOC phản ánh sự bi quan ngày càng tăng trong các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước về hướng đi của nền kinh tế toàn cầu. Trong tháng 11 vừa qua, phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn nói rằng "tình hình toàn cầu vẫn còn ảm đạm và đảm bảo phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu." Trước đó trong tháng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đặt ra "những thách thức nghiêm trọng cho sự phục hồi kinh tế thế giới."
Với việc châu Âu có thể vướng vào suy thoái, Mỹ vật lộn với một cuộc phục hồi mong manh và Nhật Bản bầm dập vì thiên tai, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm sút với những dự đoán tồi tệ hơn sẽ còn xảy ra. Chỉ số mua - nhà quản lý chính thức của Trung Quốc giảm xuống 49.0 trong tháng 11 so với 50.4 trong tháng 10. Sự sụt giảm xuống dưới mức 50 cho thấy sự co lại trong lĩnh vực sản xuất. Đây là sự sụt giảm đầu tiên của chỉ số này kể từ tháng 2 năm 2009.
Thêm vào đó là những phiền muộn trong thị trường bất động sản cư trú của Trung Quốc nơi chính phủ tăng mạnh những yêu cầu trả tiền ngay và hạn chế cấp vốn cho các nhà phát triển nhà ở trong nỗ lực nhằm hạ giá bất động sản cao ngất ngưởng. Các hành động chính sách có hiệu quả nhưng kèm với chi phí của việc giảm tăng trưởng kinh tế.
Mark Williams, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Capital Economics nói, "Các dữ liệu trong vài tuần vừa qua thực sự xấu. Tăng trưởng bằng không trong bất động sản, tăng trưởng sản lượng điện chậm lại, các con số xuất khẩu cho tháng 11 khủng khiếp và [chính phủ] có thể đã âm thầm duyệt trước những số liệu đó. Tất cả những điều này có thể kích hoạt sự thay đổi trong chính sách."
Mặc dù chính phủ tiếp tục nói rằng sẽ tạo áp lực để kiểm soát giá bất động sản thì việc này sẽ còn khó khăn hơn khi nới lỏng tính thanh khoản. Thách thức sau đó sẽ là chỉ đạo việc cho vay thêm tới tay các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngoài tầm tay của các nhà phát triển các tòa nhà căn hộ sang trọng. Trước động thái tỷ lệ dự trữ ngày thứ Tư vừa qua, một số nhà kinh tế đã dự đoán giá bất động sản cư trú giảm xuống giữa 10 và 20% trong các tháng tới. Đầu tư bất động sản tương đương với khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
Ảnh hưởng của động thái chính sách được tăng cường hơn bởi sự bất ngờ của nó. Rất ít nhà phân tích hy vọng vào sự cắt giảm các yêu cầu dự trữ bắt buộc ngay lập tức trước quý đầu tiên của năm tới.
Nới lỏng mục tiêu, hỗ trợ nhà sản xuất nhỏ
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là nới lỏng mục tiêu để hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ đang gặp khó khăn mà không phải nởi lỏng chính sách tiền tệ tổng thể. Ví dụ, Hội đồng Nhà nước đã tiết lộ một loạt các biện pháp trong tháng 10 nhằm mục đích tạo ra nhiều quỹ có sẵn hơn cho các doanh nghiệp nhỏ trong làn sóng các vụ phá sản của các nhà máy tại thành phố duyên hải Ôn Châu, một trung tâm kinh doanh của Trung Quốc. Gần đây hơn, chính phủ đã giảm các yêu cầu dự trữ với một số hợp tác xã nông thôn tại tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ hơn nữa như thế nào chắc chắn phản ánh quan điểm của các nhà lãnh đạo về việc nền kinh tế toàn cầu và Trung Quốc có thể chậm lại như thế nào. Chuyên gia Eswar Prasad của Viện Brookings Trung Quốc nói: "Động thái báo hiệu các chính quyền đang chuẩn bị hành động quyết liệt hơn để kích thêm nhu cầu trong nước nếu môi trường bên ngoài vẫn còn yếu."
Cơ hội của một gói kích thích cùng quy mô với gói kích thích được thực hiện để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là hạn chế. Nhưng một ít người hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra một gói kích thích tài khóa bất cứ lúc nào.
Sau cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008, Trung Quốc kích thích kinh tế nước mình chủ yếu bằng việc gia tăng cho vay từ các ngân hàng nhà nước tới các công ty thuộc sở hữu nhà nước và thị trường bất động sản. Trung Quốc rất có thể hành động thận trọng hơn trong thời điểm này vì nền kinh tế toàn cầu không yếu như năm 2008 và cũng vì lần bạo tay cho vay gần nhất đã thổi phồng bong bóng bất động sản và tạo ra một số không rõ các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Prasad nói: "Nếu có những làn sóng xung kích từ một cú sốc lớn như đồng euro tan rã, chúng sẽ cuốn trôi cả hai gói kích thích tài chính và tiền tệ."
Tuyến Nguyễn (Theo WSJ)
diễn đàn kinh tế việt nam
|