Chủ Nhật, 25/12/2011 16:23

Phân cấp quản lý tài chính còn chồng chéo, rối rắm

Phân cấp quản lý tài chính-ngân sách ở nước ta còn quá rối rắm, bất cập, dẫn đến kém hiệu quả. Các chuyên gia đã nhận định như vậy tại hội nghị do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tổ chức mới đây tại TPHCM.

Hội nghị diễn ra với chủ đề “Phân cấp quản lý kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước ở Việt Nam” là một phần của dự án “Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử ở Việt Nam” được tài trợ bởi tổ chức UNDP của Liên hợp quốc.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định về thẩm quyền quản lý linh tế, tài chính-ngân sách chưa rõ ràng, thậm chí trùng lắp.

Ví dụ, Hiến pháp 1992 quy định Chính phủ “thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân” (Điều 112) thì cũng có thể hiểu Chính phủ có toàn quyền quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi đó, Quốc hội cũng được quy định nhiệm vụ tương tự là “quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” (Điều 84).

Hơn nữa, việc giao cho Quốc hội thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ, quốc gia như quy định tại Điều 84, Hiến pháp là không khả thi và chồng chéo. Bởi vì liên quan đến chính sách tiền tệ có rất nhiều nội dung, trong đó có những vấn đề như loại tiền lưu hành, mệnh giá đồng tiền, tỷ giá chuyển đổi, in tiền, chỉ số lạm phát, quản lý thị trường tiền tệ, dự trữ ngoại hối v.v… Những vấn đề này không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà còn cả của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Thuận cũng cho rằng việc giao cho Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương như hiện nay là mang tính lồng ghép, rối rắm về thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề lập ngân sách, ông Võ Hồng, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết hầu hết các địa phương đang áp dụng một “mánh” lách cơ chế là xây dựng dự toán theo hướng tốc độ tăng vừa phải để vừa dễ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, vừa có số thu vượt càng nhiều càng có lợi cho địa phương.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ cơ chế quản lý ngân sách hiện hành. Theo đó, nếu địa phương thực hiện thu ngân sách vượt kế hoạch Trung ương giao thì số vượt địa phương được hưởng 50%, còn 50% dành để cải cách tiền lương.

Từ đây nảy sinh thêm một nghịch lý là hầu hết các địa phương đều vượt thu lớn (trung bình 20-30%/năm) so với chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao trong khi ngân sách quốc gia thì phải bội chi lớn. Liên quan đến nghịch lý trên còn do việc lập dự toán vẫn nặng hình thức, kém chính xác và thường không đưa vào cân đối ngay trong kế hoạch chi, do đó ngân sách phải đi vay để cân đối.

Ngoài ra, việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của các địa phương thường chú trọng nhiều đến những khoản thu được hưởng theo phân cấp, đồng thời tìm cách khai thác các nguồn thu có sẵn tại địa phương như khai thác quỹ đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, bán tài sản…

Theo ông Hồng, đấy là cách thu thiếu bền vững, dẫn đến hệ quả tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường suy thoái nghiêm trọng.

TS Nguyễn Văn Thuận đề nghị những bất cập nêu trên cần được nghiên cứu và có hướng xử lý khi sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp 1992.

Nguyên Tấn

TBKTSG

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật