“Phá rào” lãi suất và sự trả giá
Từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay khách hàng đến ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) để gửi tiền tiết kiệm lại được mặc cả lãi suất như mua rau ngoài chợ.
Nhân viên NH tùy cơ ứng biến, "trông mặt" khách hàng để ứng xử khi giao dịch… Việc "lách" luật, không thực hiện nghiêm lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định trong việc huy động vốn của các NHTM đã để lại những bài học đắt giá.
Từ khi NHNN có Thông tư 02/2011-TT-NHNN (ngày 3-3-2011), khống chế trần lãi suất huy động vốn bằng VND ở mức 14%/năm, các NHTM áp dụng nhiều "chiêu" nhằm vượt trần lãi suất thông qua việc khuyến mãi, chi hoa hồng môi giới... huy động vốn. Động thái "phá rào" này đã kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ trong lãi suất huy động vốn. Những việc làm trên tưởng chừng như tăng trưởng được nguồn vốn, nhưng thực tế lại không phải. Bởi, các chiêu "lách" trần lãi suất để giành giật khách hàng không thể tạo ra đột biến, vì nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội có hạn. Sự cạnh tranh bằng lãi suất không thể tạo ra sức mạnh cá biệt, vì nếu NHTM này cộng thêm lãi suất bao nhiêu, thì NHTM khác cũng cộng thêm như thế dưới những hình thức khác nhau. Việc làm này của các NHTM đã làm chi phí thực phải trả cho lãi suất tiền gửi lên đến 17-19%/năm, thậm chí cao hơn. Từ đó, chi phí tại các NH tăng lên và đương nhiên phải tăng lãi suất cho vay.
DN cần vốn thấy lãi suất cao không thể vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh được và như thế lợi nhuận của các NH sẽ giảm - đó là thiệt hại về kinh tế. Thiệt hại lớn hơn, khó cân đo được là môi trường làm việc ở các NHTM trở nên thiếu chuyên nghiệp, không còn là môi trường để rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Do "lách" luật nên phải vận dụng và vận dụng tùy tiện dẫn đến tình trạng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với những giao dịch không minh bạch. Với các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ có thể "tùy nghi" của từng NHTM, đội ngũ cán bộ NH phải thi hành theo kiểu tùy cơ, ứng biến, dẫn đến tình trạng "mặc cả" lãi suất.
Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, quan hệ giữa khách hàng gửi VND và có vay vốn chiếm tỷ lệ hơn 80%. Do đó, khi có "vấn đề" về lãi suất, với vai trò người đi vay, khách hàng phải chịu lãi suất cao hơn ít nhất là bằng mức lãi suất họ đã được cộng thêm khi gửi tiền và như thế lợi ích tổng thể là không có. Với những người chỉ gửi mà không vay vốn, họ không có được sự phục vụ một cách công khai minh bạch. Khách hàng nào biết NH "lách" trần lãi suất thì được trả giá cao hơn (17-19% hoặc hơn-tùy theo tiền gửi), người không biết thì chấp nhận lãi suất trần theo quy định (14%). Không ít khách hàng có nhiều tiền gửi trong giai đoạn lộn xộn này khi giao dịch gửi tiền đã yêu sách đòi tăng lãi suất lên quá mức, thậm chí có lời lẽ, thái độ xúc phạm nhân viên NH. Thiệt hại vô hình này thuộc phạm trù đạo đức, khó cân đo được.
Thực tế trên cũng cho thấy NHNN quản lý thiếu chặt chẽ, khi để xảy ra lộn xộn về lãi suất nói chung, lãi suất huy động vốn nói riêng trong năm 2011, mặc dù đã ban hành khá nhiều quy định để quản lý và kiểm soát lãi suất, nhưng chưa có biện pháp kiểm soát, điều chỉnh hoạt động "lách" luật của NHTM từ khi bắt đầu xuất hiện. Đây là nguyên nhân gián tiếp làm cho việc cộng thêm lãi suất huy động vốn vượt trần từ một vài NHTM lan nhanh, nở rộ dẫn đến không ít hệ lụy. Chỉ đến khi có chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, buộc Thống đốc NHNN vào cuộc khi đó sự lộn xộn trong huy động vốn mới tạm lắng xuống.
Gia Bình
hà nội mới
|