Ông Cao Sỹ Kiêm: Xử lý nghiêm việc chi sai ở Petrolimex
Trả lời PV Báo CAND, ông Cao Sĩ Kiêm khẳng định: Việc Petrolimex đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý vượt quá định mức là một việc làm sai quy định cần phải xử lý nghiêm. Nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo thành một tiền lệ xấu.
* Petrolimex chi sai sao nhà nước lại phải bù lỗ?
Báo CAND đăng bài về việc Petrolimex chi sai nguyên tắc hơn 516,1 tỷ đồng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, các chuyên gia tài chính. Hầu hết ý kiến tán thành quan điểm của bài báo, khẳng định việc Petrolimex chi trả vượt quy định hơn 516,1 tỷ đồng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát nguồn kinh phí lớn, cần phải được truy thu và xử lý trách nhiệm cá nhân.
Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước, việc thu chi, trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý phải tuân thủ quy định của Nhà nước. Cụ thể, việc chi trả đã được Bộ Tài chính quy định rõ tại Thông tư 234/2009/TT-BTC. Theo Thông tư này, chi phí kinh doanh định mức là chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ) trong nước của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý) để tính giá cơ sở theo mức tối đa, trong đó:
- Chi phí bán lẻ bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng, dầu diezen, dầu hỏa tối đa: 600 đồng/lít.
- Chi phí bán buôn bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu mazut tối đa: 400 đồng/kg.
Thông tư quy định, lợi nhuận định mức trước thuế là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là 300 đồng/lít, kg và sẽ được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ. Lợi nhuận thực tế thu được trong kinh doanh phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các thương nhân.
Việc Petrolimex đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý vượt quá định mức nói trên (quá 600 đồng/lít đối với chi phí bán lẻ xăng, dầu, diezen, dầu hỏa; quá 400 đồng/kg đối với bán buôn dầu mazut; quá 300 đồng/lít với lợi nhuận định mức), gây thất thoát hơn 516,1 tỷ đồng là hành vi chi trả sai nguyên tắc, sai quy định pháp luật, phải được làm rõ và xử lý trách nhiệm.
|
Ông Cao Sỹ Khiêm. |
Không thể làm theo cảm tính
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính, đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm cho biết: Bây giờ phải xem ai là người ra quyết định chi trả như vậy, liên quan đến ai thì người đó phải chịu trách nhiệm.
- Cần xem xét nguyên nhân, động cơ việc chi trả này ra sao, thưa ông?
Theo nguyên tắc, khi anh đã chi sai tiền của Nhà nước thì anh phải chịu trách nhiệm. Sau đó kiểm tra thứ tự, nấc bậc xem sai như thế nào, vì cái gì, động cơ người ký, tại sao lại làm như thế? Tức là căn cứ vào nguyên nhân cụ thể để chúng ta có cách nhìn nhận chính xác.
- Đối chiếu quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính thì việc chi trả này rõ ràng sai phạm?
Đấy, khoản vượt này lý do là vì máy móc, công nghệ hay điều hành, hao hụt hay vì giá cả tăng? Phải xem cụ thể như thế nào, làm rõ từng vấn đề một mới chính xác được, từ đó quy trách nhiệm trở lại. Vừa qua tôi cũng đã phát biểu vấn đề này tại phiên thảo luận Quốc hội ở tổ. Cái này phải có đường đi nước bước chứ nếu không sẽ không đi đến tận cùng sự việc.
- Ý ông là…?
Phải làm rõ ràng tận gốc chứ nói chi quá, chi vượt rồi bù vào phân bổ lần sau là người ta (người dân - PV) không chấp nhận đâu, dư luận đòi hỏi phải minh bạch, công khai ra, tất nhiên với trường hợp bất khả kháng thì phải chấp nhận. Còn sai phạm thuộc về cá nhân thì dứt khoát phải xử lý chứ không thể để như vậy, sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu.
- Nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo tiền lệ chi trả tùy tiện?
Đúng rồi, hơn nữa đây là tiền Nhà nước chứ không phải anh muốn "bốc" là "bốc" được đâu, không thể làm theo cảm tính. Cảm tính vô pháp luật thì anh phải chịu trách nhiệm.
- Đây là hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước?
Đúng như vậy.
Phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể, như thế vừa chặt chẽ, đồng thời chính sách cũng rõ ràng. Đây là việc làm sai quy định, phải xử lý nghiêm. Nguyên tắc là anh làm sai thì không thể bắt dân phải chịu trách nhiệm về cái sai của anh được.
- Khoản này được tính vào khoản lỗ, Nhà nước lại phải rót ngân sách bù lỗ?
Họ chi vào giá thành, bắt người dân phải chịu.
- Nhưng lâu nay khoản lỗ do ngân sách bù?
Đúng thế, ngân sách bù cũng là lấy của dân ra cả, chi sai không thể bù lỗ được.
- Liệu có hoa hồng quay ngược?
Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề: "Tại sao doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ nhưng lại chi hoa hồng cho các đại lý quá cao và bắt người tiêu dùng phải gánh khoản lỗ đó qua giá xăng dầu?”.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây là một mâu thuẫn và là hệ quả của việc kinh doanh mập mờ, thiếu công khai, minh bạch của Petrolimex. Để minh bạch các mặt hàng xăng dầu, ông Doanh cho rằng, phải cơ cấu lại, tách Petrolimex thành 3 doanh nghiệp khác nhau, độc lập. Nếu làm được điều đó, việc lỗ, lãi từ nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, trong đó có cả chi phí hoa hồng cho các đại lý cũng sẽ rõ ràng và không cần phải tranh luận lỗ hay lãi như hiện nay. Đối với con số 516,1 tỷ đồng mà Petrolimex trả hoa hồng cho đại lý vượt quy định, TS Lê Đăng Doanh đề nghị phải điều tra và làm rõ. "Rất có thể Petrolimex trả cao như vậy rồi các đại lý lại trả hoa hồng về cho Petrolimex" - ông Doanh nghi ngờ |
Đăng Trường
công an nhân dân
|