Thứ Tư, 21/12/2011 14:12

Kinh tế châu Âu 2011: U ám vì khủng hoảng nợ công

Trong năm qua, cụm từ được người ta nhắc đến nhiều nhất có lẽ là “khủng hoảng nợ công châu Âu”. Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm nay đã lan từ các nước ngoại vi như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha vào trung tâm châu Âu, đe dọa các nền kinh tế lớn hơn là Tây Ban Nha và Italy, thậm chí cả Pháp.

Với mức độ nghiêm trọng của nó, cuộc khủng hoảng đã để lại nhiều hệ lụy khi kèm theo đó là cuộc khủng hoảng ngân hàng và tình trạng trì trệ trong tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước.

Khủng hoảng tiến gần đến trung tâm châu Âu

Ngày 2/8, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tại hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư khu vực đồng euro (Eurozone) là Italy và Tây Ban Nha tăng lên các mức kỷ lục kể từ khi đồng euro ra đời là 6,18% và 6,45%.

Các nhà kinh tế cảnh báo những khó khăn tài chính có thể khiến hai nước trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone.

Đầu tháng 10, Moody's đã hạ ba bậc tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ dài hạn của Italy, còn Standard & Poor’s (S&P) thì hạ một bậc tín nhiệm nợ công của quốc gia này. Nợ công của Italy lên tới 1.900 tỷ euro, tương đương 120% GDP.

Đến ngày 21/11, các nhà phân tích kinh tế quốc tế ở châu Âu cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công đã tiến gần hơn tới trung tâm châu Âu. S&P ngày 12/12 đã gây thêm sức ép lên Eurozone với tuyên bố thời gian để khối đồng tiền chung này giải quyết các vấn đề nợ nần đã sắp hết và có lẽ cần một "cú sốc tài chính" nữa để thúc giục khối này có những hành động nhanh chóng cả về tài chính lẫn tiền tệ.

Chỉ vài ngày trước khi năm 2011 kết thúc, giới phân tích kinh tế tại Anh rộ lên tin đồn Pháp sắp bị S&P đánh tụt bậc tín nhiệm, đồng nghĩa với việc thành viên lớn thứ hai của Eurozone bị cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa và đồng tiền chung euro bị đẩy gần hơn tới bờ vực tan rã. Trong khi đó, Fitch cũng cho biết sẽ xem xét khả năng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Pháp.

Khủng hoảng ngân hàng

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, ngành ngân hàng châu Âu cũng đã gặp không ít khó khăn. Dexia, ngân hàng liên doanh Pháp-Bỉ-Luxembourg, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công.

Việc chính phủ Pháp, Bỉ và Luxembourg phải ra tay cứu Dexia trong khi ngân hàng này đã vượt qua cuộc sát hạch của Cơ quan giám sát ngành ngân hàng châu Âu (EBA) hồi tháng 7 đã làm dấy lên quan ngại rằng ngay cả những ngân hàng đã vượt qua sát hạch cũng có thể trở thành nạn nhân của khủng hoảng nợ.

Trong tháng 10, Moody's đã đánh tụt hạng tín nhiệm của 12 tập đoàn tài chính Anh, S&P hạ bậc tín nhiệm của 10 ngân hàng Tây Ban Nha, còn Fitch hạ bậc tín nhiệm của 6 ngân hàng cũng của nước này.

Ngày 14/12, Fitch đã hạ bậc xếp hạng nợ đối với 5 ngân hàng thương mại châu Âu và các tập đoàn ngân hàng hợp tác lớn. Một ngày sau đó, cơ quan này lại đưa thêm 6 ngân hàng toàn cầu khác, trong đó có các ngân hàng của Anh, Pháp, Đức và Thụy Sỹ, vào diện đánh tụt bậc xếp hạng tín dụng dài hạn.

Đầu tháng 12, EBA nhận định các ngân hàng châu Âu phải bổ sung vốn thêm 114,7 tỷ euro (152 tỷ USD) để có thể đứng vững trong cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone và khôi phục niềm tin của thị trường.

Yêu cầu của EBA về việc tăng vốn đối với các ngân hàng được đưa ra giữa lúc ngày càng có nhiều lo ngại về những thiệt hại đối với các ngân hàng nắm giữ trái phiếu của các nước đang có vấn đề lớn về tài chính.

Còn theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, trong những đợt sát hạch ngân hàng mới mà EBA dự kiến tiến hành trong thời gian tới, có thể có tới 68 trong số 91 ngân hàng không thể vượt qua và sẽ phải tăng thêm vốn gần 300 tỷ euro.

Tăng trưởng trì trệ

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng GDP của Eurozone chỉ đạt 0,2% trong quý 2, kém xa con số 0,8% của quý 1, chủ yếu là do kinh tế của hai đầu tàu Pháp và Đức sa sút, khi chỉ đạt các mức tăng tương ứng 0% và 0,1%.

Kinh tế của EU được dự báo chỉ tăng trưởng 0,2% trong 2 quý cuối năm và Eurozone sẽ tăng 0,2% trong quý 3 và 0,1% trong quý 4.

Trong quý 3, kinh tế Đức tăng trưởng 0,5%, còn Pháp tăng trưởng 0,4%. Trong khi đó, kinh tế Hy Lạp giảm 5,2% và dự kiến giảm 5,5% cả năm.

Những số liệu mới nhất cho thấy GDP của Ireland giảm tới 1,9% trong quý 3/2011, do kinh tế toàn cầu khó khăn ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu.

Với mức này, tăng trưởng GDP của Ireland là thấp nhất trong số các thành viên Eurozone, trừ Hy Lạp, ngược hẳn xu hướng tăng khá cao 1,6% trong quý 2 và 1,9% trong quý 1.

Con số về tăng trưởng GDP đáng thất vọng của Ireland khiến giới quan sát lo ngại về khả năng nước này sẽ không thể là nền kinh tế đầu tiên đứng dậy nhờ nhận được gói cứu trợ khẩn cấp của quốc tế.

Trong năm 2012, Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone xuống còn 0,3%, so với dự báo trước đó là 0,8%.

Trong khi đó, Giám đốc Chương trình châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Antonio Borges, thậm chí còn cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2012 ở các nước thành viên Eurozone.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19/12 cũng nhận định Eurozone sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính “lớn chưa từng có” trong năm 2012, có thể dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế mới.

Biện pháp đối phó

Để bàn biện pháp đối phó với khủng hoảng nợ công, EU đã tiến hành nhiều hội nghị thượng đỉnh “maratong.”

Tại các hội nghị này, nhiều biện pháp đã được đưa ra, từ những biện pháp mang tính đối phó tạm thời như cứu trợ Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân hàng, cung cấp tín dụng cho IMF đến các biện pháp dài hạn hơn như nâng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), tiến tới thành lập quỹ cứu trợ dài hạn thay thế quỹ này là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và dài hơi hơn nữa là siết chặt kỷ luật ngân sách, tránh để xảy ra một thảm họa nợ công tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, sau tất cả những hội nghị này, lời giải cho bài toán nợ công vẫn được cho là còn xa mới đạt được.

Về kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU gần đây nhất vào ngày 9/12, giới phân tích cho rằng quá chú trọng vào những biện pháp mang tính dài hạn, các nhà lãnh đạo dường như đã không chú ý đúng mức tới cuộc khủng hoảng ngay trước mắt.

Năng lực cho vay của quỹ cứu trợ EU đã không được xem xét như một vài nước thành viên mong muốn. Một điều nữa dường như gây thất vọng là đề xuất phát hành trái phiếu chung cũng đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã không đưa ra được câu trả lời về vai trò của ECB trong việc hỗ trợ các nước ngoại vi ở Nam Âu như mong đợi của các thị trường.

Rõ ràng là muốn đẩy lùi khủng hoảng, điều quan trọng là các nước cần có quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện một chính sách kinh tế tốt hơn, dưới những kỷ luật tài chính nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, các chính phủ cần phải từng bước thắt chặt chi tiêu để cân bằng ngân sách, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và cải cách nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Mọi chiến lược giải quyết khủng hoảng nợ công đều phụ thuộc vào một sự phục hồi kinh tế tương đối mạnh. Nếu không làm được điều này, cuộc khủng hoảng tại Eurozone sẽ kết thúc trong thảm họa bởi mọi giải pháp đều có nguy cơ thất bại./.

Lê Minh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tương lai Hy Lạp sẽ được định hình trong tháng tới (21/12/2011)

>   BCBS: Ngân hàng phải tăng vốn, tính thanh khoản từ 2013 (21/12/2011)

>   Moody's cảnh báo về xếp hạng tín nhiệm Anh (21/12/2011)

>   Nhân dân tệ ngày càng hấp dẫn (21/12/2011)

>   Anh thông qua đề xuất cải cách ngành ngân hàng (20/12/2011)

>   ECB cảnh báo năm mới đầy sóng gió với Eurozone (20/12/2011)

>   AT&T từ bỏ giấc mơ thâu tóm T- Mobile (20/12/2011)

>   EU phải kêu gọi cả thế giới cứu khu vực Eurozone (20/12/2011)

>   Những con số khó tin về kinh tế Mỹ năm 2011 (20/12/2011)

>   Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ tụt dốc năm 2012 (19/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật