IPO giờ đã khác
Từ phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đến Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), thị trường, giá và sức mua đã khác xa nhau, sự khác biệt có tiếp tục xảy ra ở đợt IPO của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)?
Phát động thi đua tham gia IPO!
Trước ngày IPO cổ phiếu BIDV 28-12, Ban thường vụ Công đoàn BIDV phát động phong trào cán bộ công nhân viên tích cực tham gia IPO và đề nghị mỗi cán bộ trực tiếp tham gia đấu giá để mua tối thiểu 3.000 cổ phần, và cần vận động được tối thiểu một người thân, bạn bè đăng ký tham gia đấu giá tối thiểu 3.000 cổ phần.
Cùng với cam kết hoàn thành tốt nội dung phát động thi đua trên của Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát động phong trào thanh niên BIDV với IPO mà theo đó mỗi cán bộ trong độ tuổi Đoàn chủ động đăng ký đấu giá trực tiếp tối thiểu 2.000 cổ phần và 3.000 cổ phần (với đoàn viên thanh niên chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên). Ban thường vụ Công đoàn BIDV đề nghị các cán bộ “đặc biệt lưu ý không bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm” (18.500 đồng/cổ phần), mua hết số cổ phần trúng giá. Ban lãnh đạo cũng sẽ chi tiền thưởng (kết quả kinh doanh/tết) sớm hơn mọi năm để hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho nhân viên của ngân hàng.
Tính đến ngày 26-12, sau khi kết thúc thời gian đăng ký, đặt cọc mua cổ phần BIDV, số lượng cổ phần được đăng ký đã đạt 166% số cổ phần chào bán, với 16.238 nhà đầu tư đăng ký đặt cọc đấu giá (số cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng của BIDV là 84.754.146 cổ phần). Theo thông cáo báo chí từ BIDV, điều này “đã thể hiện sự tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với BIDV và đưa đợt IPO này trở thành đợt IPO số lượng nhà đầu tư đăng ký lớn thứ 2 tại Việt Nam từ trước đến nay”.
Những gì đang xảy ra ở BIDV đã khác xa so với thời điểm hai ngân hàng bạn Vietcombank và Vietinbank IPO. Còn nhớ, cũng vào những ngày này, 26-12-2007, tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), xấp xỉ 10.000 nhà đầu tư đổ về bỏ phiếu đấu giá 975 tỉ đồng mệnh giá (bằng 6,5% vốn điều lệ cổ phiếu của Vietcombank) với giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phần.
Để phục vụ cho phiên đấu giá lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam vào lúc đó, HOSE đã phải bố trí 8 bàn đặt các thùng phiếu dưới sảnh, 22 máy nhập lệnh và 22 máy giám sát việc nhập lệnh. Kết thúc, tổng số 97,5 triệu cổ phần Vietcombank chào bán đã được bán hết. Giá đấu thành công thấp nhất 102.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công cao nhất là 250.000 đồng/cổ phần.
Mặc dù với các thông tin hỗ trợ như cổ phiếu Vietcombank có thể sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore hay Ngân hàng chuẩn bị công bố cổ đông chiến lược nước ngoài, so với giá khởi điểm gấp 10 lần mệnh giá, cổ phiếu Vietcombank “đậu” khi ấy còn bị chê là quá thấp so với những kỳ vọng.
Bởi trước đó, con số trên chỉ bằng một nửa so với kỷ lục mà Bảo Việt xác lập trong đợt IPO cuối tháng 5 cùng năm (hơn 20.000 nhà đầu tư đăng ký), và chỉ nhỉnh hơn kỷ lục trước đó của Bảo hiểm Dầu khí (hơn 8.000 nhà đầu tư tham gia). Vietcombank tuy bị coi là thua thiệt so với các doanh nghiệp trước đó do giá chứng khoán trên đã bị điều chỉnh sâu so với thời kỳ hoàng kim trước đó một năm nhưng vẫn được nhìn nhận như tiền đề cho các đợt IPO của ngân hàng khác như Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), BIDV và Vietinbank với hy vọng đạt kết quả khả quan hơn.
Nhưng sau đó thì diễn biến càng khác xa kỳ vọng, IPO Vietinbank diễn ra 25-12-2008 với mức giá khởi điểm chỉ bằng 1/5 so với Vietcombank. Số lượng đặt mua chỉ cao hơn số bán 4,29%. Chỉ có 3 tổ chức và 29 cá nhân nước ngoài mua với số lượng 910.500 cổ phần so với mức được mua tối đa 16.080.000 cổ phần. Tuy toàn bộ 53.600.000 cổ phần (tương đương 4% vốn điều lệ) của Vietinbank đều được bán hết nhưng giá đấu thành công bình quân chỉ là 20.265 đồng/cổ phần, so với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phần. Mức giá trên còn khiến thị trường “hụt hẫng” hơn so với Vietcombank.
Giá đấu khởi điểm của cổ phiếu BIDV bây giờ chưa gấp tới hai lần mệnh giá, mà Ngân hàng cũng phải tổng động viên tất cả các nguồn lực cho đợt IPO này. Thế mới biết, không thể có giá đúng cho cổ phần bởi thị trường luôn luôn là ẩn số.
Đổi thay?
Vietinbank và Vietcombank sau cổ phần hóa đều diễn ra những xáo trộn lớn về nhân sự, thay đổi về mức lương thưởng cũng như các thay đổi về cơ cấu nội bộ, nhưng được ghi nhận nhiều điểm tích cực hơn. Các diễn biến tương tự liệu có xảy ra ở BIDV?
BIDV khác với hai ngân hàng bạn rõ nhất ở điểm, BIDV hoạt động nhiều theo chỉ định của Chính phủ. Nếu như các ngân hàng khác đang hoạt động dựa trên nguồn vốn ngắn hạn thì BIDV có lợi thế ở những nguồn vốn công dài hạn từ các tổ chức quốc tế, các nguồn vốn chỉ định từ Chính phủ, vốn ủy thác nên Ngân hàng này luôn đứng đầu trong tài trợ vốn dài hạn cho các dự án lớn. BIDV có mối quan hệ từ lâu với các doanh nghiệp nhà nước lớn. BIDV hiện là ngân hàng quốc doanh chiếm ưu thế nhất về tài khoản tiền gửi của khối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đồng thời cũng đảm đương các dự án cho vay theo chỉ định của Chính phủ, như việc đứng ra hỗ trợ một số ngân hàng nhỏ trong việc đảm bảo thanh khoản là một ví dụ. BIDV còn đã và đang mua nợ có kỳ hạn của các tổ chức tín dụng khác.
Đó là lợi thế, song các chuyên gia cho rằng đó cũng là điểm yếu nếu công tác quản trị ở tổ chức này không được cải thiện sớm. Cho vay theo chỉ định, ở một khía cạnh khác, luôn có những yếu tố phi thị trường. Trong quan hệ tài chính với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), BIDV là một trong các ngân hàng “ngậm” tín dụng của Vinashin nhiều nhất. Trả lời nhà đầu tư tại road show hôm 11-12-2011 tại TPHCM, Phó tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú thừa nhận: Trong những năm vừa qua chúng tôi có cơ chế cho vay riêng với Vinashin. Hiện nay, tổng dư nợ của Vinashin tại BIDV là 6.600 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 1.600 tỉ đồng sẽ được chuyển qua cho Vinalines. Sau khi chuyển nợ, dư nợ Vinashin tại BIDV còn lại khoảng 5.000 tỉ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ của BIDV. BIDV dự kiến trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin hết năm nay là khoảng 1.500 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm sau dự kiến là 3.000 tỉ đồng. “Trong tổng dư nợ của Vinashin tại BIDV, có khoảng hơn 2.000 tỉ đồng là dư nợ cho vay, còn lại cho vay dưới dạng bảo lãnh theo chỉ định. 97% dự nợ cho vay là theo chỉ định của nhà nước”, theo lời ông Trần Bắc Hà tại road show.
Thách thức BIDV đang phải đối mặt là xu hướng sụt giảm huy động vốn từ tháng 10 vẫn tiếp tục trong tháng 11 đã ảnh hưởng không thuận lợi đến cân đối nguồn vốn- sử dụng vốn của hệ thống. Bên cạnh đó chất lượng tín dụng đang có xu hướng suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được BIDV công bố 2,6% ngày 30-9-2011, theo bản công bố thông tin IPO.
BIDV công bố rằng sau IPO, Ngân hàng sẽ lựa chọn ngay nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Song, bao giờ BIDV bán được 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài? Còn nhớ, Vietcombank sau cổ phần hóa 4 năm mới bắt tay được với Mizuho và Vietinbank cũng sau hơn hai năm mới có đối tác chiến lược nước ngoài đầu tiên dù trước đó họ cũng công bố những lộ trình rất gần.
Hồng Phúc
TBKTSG Online
|