Giãn thuế, doanh nghiệp bớt áp lực về dòng tiền
Động thái giãn thuế TNDN 1 năm của Bộ Tài chính đã giúp các DN giảm bớt áp lực đáng kể về dòng tiền, nhất là trong bối cảnh DN gặp quá nhiều khó khăn về sản xuất - kinh doanh, tiếp cận vốn…
Nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thuộc đối tượng được giãn thuế TNDN 1 năm theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Tài chính tại Thông tư 170/2011/TT-BTC ngày 25/11/2011 cho biết, động thái hỗ trợ thiết thực này sẽ giúp họ giảm bớt áp lực đáng kể về dòng tiền, nhất là trong bối cảnh DN gặp quá nhiều khó khăn về sản xuất - kinh doanh, tiếp cận vốn…
Sự khó khăn của DNNY thể hiện không chỉ ở số DN lỗ liên tục tăng, mà ngay cả những DN có lãi, thì mức lợi nhuận đang tiếp tục sụt giảm đáng lo ngại.
Theo số liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nếu trong quý I/2011 có 60 DNNY thua lỗ, thì con số này trong quý II tăng lên 80 và quý III là gần 100 DN. Trong số những DN có lãi, có tới 60% DN có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số này đang có xu hướng tiếp tục tăng lên vào cuối năm nay, khi hết tháng 11, xuất hiện thêm những DN thua lỗ và những DN đã lỗ, thì càng lỗ hơn do gặp quá nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là gần như "hết cửa" tiếp cận vốn bởi lãi suất quá cao, tiêu thụ sản phẩm khó khăn…
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư 170/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 54/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế TNDN năm 2011 của DN sử dụng nhiều lao động trong một số ngành như: nông, lâm, thuỷ sản, DN có doanh thu từ hoạt động xây lắp nhà máy điện, bệnh viện, trường học…
Với bước đi này, Chính phủ đang thể hiện cam kết đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn hiện tại, sau khi đã giãn thuế cho DN vừa và nhỏ theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg.
Theo ông Dương Văn Khen, Người công bố thông tin của CTCP Cao su Phước Hoà (PHR), tuy các DN sản xuất - kinh doanh mủ cao su hoạt động khá thuận lợi tính đến hết quý III/2011 nhưng hiện tại gặp không ít khó khăn do đang vào vụ thu hoạch cao điểm, nhưng giá giảm khá mạnh so với đầu quý III/2011. Với PHR, khó khăn càng lớn khi Công ty có số lao động lên đến 5.000 người.
"Tổ chức triển khai sớm để hỗ trợ DN"
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Để tạo hiệu ứng hỗ trợ DN, Tổng cục Thuế chuẩn bị gửi công văn đôn đốc tới Cục Thuế các địa phương, nhằm nhanh chóng triển khai Thông tư 170/2011. Theo đó, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thuế nhanh chóng rà soát số DN thuộc lĩnh vực và có số lao động trên 300 người theo quy định trên địa bàn.
Việc rà soát này vừa tránh tình trạng DN lợi dụng để được giãn thuế, đồng thời đảm bảo tất cả các DN thoả mãn các điều kiện của Quyết định 54/2011 và Thông tư 170/2011 đều được giãn thuế. Tổng cục Thuế sẽ giám sát chặt chẽ quá trình triển khai tại các địa phương, nhằm đảm bảo quy định giãn thuế được thực hiện khẩn trương, công bằng và minh bạch. |
Với hướng dẫn của Thông tư 170, PHR hy vọng sẽ được giãn nộp thuế TNDN một năm. "Với hiệu quả kinh doanh từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi quý, Công ty phải đóng thuế TNDN vài chục tỷ đồng. Số thuế chậm nộp này sẽ giúp Công ty giảm bớt áp lực vay vốn, trả lãi vay trong ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là triển khai một số dự án đầu tư lớn…", ông Khen nói.
Cũng là DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trao đổi với ĐTCK, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), cho biết, với 960 công nhân hiện đang làm việc, LSS đáp ứng được yêu cầu của đối tượng được giãn thuế.
Trong bối cảnh kinh doanh quá khó khăn hiện tại, việc giãn thuế không chỉ áp dụng với DNVVN mà cả với DN có quy mô trung bình, nhưng hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động như LSS là điều DN chờ đợi từ lâu.
Với số tiền thuế phải nộp hàng quý lên đến vài chục tỷ đồng, khi được chậm nộp thuế TNDN một năm, sẽ góp phần giúp LSS cắt giảm chi phí tài chính, nhất là lãi vay ngân hàng, đồng thời tạo thêm thuận lợi cho bố trí vốn phục vụ hoạt động đầu tư các dự án (nâng cấp nhà máy đường, phát triển vùng trồng mía công nghệ cao...) mà LSS đang triển khai.
Tuy nhiên, ông Tam cũng như lãnh đạo nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, giãn thuế chỉ là biện pháp tạm thời đối với khu vực DN này, giải pháp căn cơ hơn là cần xem xét giảm thuế TNDN cho các DN nông nghiệp xuống 10%, giống như chính sách ưu đãi cho các DN nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như hiện tại. Mức thuế suất này sẽ tạo ra động lực thu hút các DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển hiệu quả và bền vững.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ cam kết, theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét kéo dài thời hạn thực hiện việc giãn thuế TNDN cho các DNVVN, DN sử dụng nhiều lao động trong các lĩnh vực: nông, lâm, thuỷ sản; dệt may, da giày...; đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét miễn, giảm thuế cho DN, cá nhân ở mức phù hợp, trong đó có các đối tượng của Nghị quyết 08/2011/QH13 về việc giảm 30% thuế TNDN, giảm thuế thu nhập cá nhân.
Về dài hạn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giảm tỷ lệ huy động vào NSNN, nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và tăng sức đầu tư của khu vực dân doanh... Các DN kỳ vọng những định hướng này sớm được triển khai mạnh mẽ hơn trên thực tế, để giúp họ vượt quá khó khăn hiện tại.
Hữu Đạo
Đầu tư chứng khoán
|