Thứ Hai, 12/12/2011 15:22

Giám sát M&A có yếu tố nước ngoài

Đứng trước khuynh hướng bùng nổ M&A, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành xây dựng và ban hành hành lang pháp lý mở cửa cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với những quy định giám sát nghiêm ngặt. Bộ luật M&A của Trung Quốc có thể là một nguồn tư liệu hữu ích cho việc xây dựng Dự luật M&A sẽ ban hành năm 2012 của Việt Nam.

Xác định khu vực nhạy cảm

Theo Hệ thống giám sát an ninh (SRS) được Chính phủ Trung Quốc ban hành đối với các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài, những thương vụ M&A liên quan đến các ngành nhạy cảm phải được giám sát chặt chẽ bởi các cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, nhóm ngành nghề bị chi phối bởi luật này bao gồm: quốc phòng, vận tải, các ngành công nghệ chủ chốt, các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, năng lượng - tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và ngành sản xuất thiết bị công nghiệp nặng.

Đặc biệt, trong các thương vụ M&A tại các DN liên quan đến quốc phòng, nhà đầu tư nước ngoài phải đệ trình đánh giá mức độ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia bất chấp nhóm nhà đầu tư có giành được quyền kiểm soát DN sau khi M&A hay không. Đối với các nhóm ngành nhạy cảm khác, việc áp dụng SRS chỉ tiến hành nếu bên thâu tóm có khả năng tiếp quản quyền kiểm soát tại DN mục tiêu.

Trong phạm vi các ngành nghề nhạy cảm, SRS tập trung vào một số loại hình giao dịch M&A nhất định: Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài mua lợi ích vốn chủ sở hữu của DN nội địa Trung Quốc hoặc tiến hành tăng vốn 100% DN nội địa sau đó chuyển đổi sang hình thức DN có vốn đầu tư nước ngoài (FIE).

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài thành lập một FIE mới và sử dụng FIE này để mua và sử dụng các tài sản của một DN Trung Quốc, hoặc sử dụng FIE để mua lại vốn cổ phần tại một DN Trung Quốc.

Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp mua lại tài sản của một FIE mới để sử dụng và khai thác những tài sản này.

Thứ tư, nhà đầu tư nước ngoài mua lợi ích vốn chủ sở hữu từ cổ đông người Trung Quốc tại các FIE hoặc mua phần vốn tăng thêm tại các FIE. Ngoài ra, các giao dịch M&A tại Trung Quốc còn bị chi phối bởi luật chống độc quyền. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Trung Quốc cũng là đối tượng cần xem xét đánh giá tác động bởi SRS nếu cần thiết.

Quy trình giám sát

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cùng Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) đứng đầu Hội đồng Liên bộ để xem xét hồ sơ M&A được đệ trình trên cơ sở các quy định của SRS. Hội đồng Liên bộ có nhiệm vụ phân tích và đánh giá tác động của thương vụ M&A đến an ninh quốc gia và nêu phương án giải quyết những vấn đề này, đồng thời thực thi giám sát và ra quyết định cuối cùng đối với các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài.

“Đường đi” của một hồ sơ M&A có yếu tố nước ngoài như sau: Đầu tiên, cơ quan đánh giá cạnh tranh tại địa phương sẽ tiếp nhận hồ sơ, xem xét và đánh giá sơ bộ liệu thương vụ M&A có nằm trong diện bị giám sát hay không. Nếu có, hồ sơ sẽ được chuyển đến MOFCOM và ra văn bản thông báo bên mua cần chuẩn bị hồ sơ bổ sung liên quan.

Để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, luật khuyến khích bên đi mua trao đổi sơ bộ với MOFCOM về giao dịch trước khi nộp hồ sơ chính thức, nhằm nhận được những hướng dẫn, đánh giá ban đầu về những khía cạnh mà MOFCOM quan tâm nhất.

Nhằm hạn chế các đánh giá sai sót, đồng thời gia tăng khả năng bảo vệ DN nội địa, Luật Trung Quốc cho phép SRS được áp dụng hồi tố theo phán xét của MOFCOM, trên cơ sở yêu cầu giám sát quá trình tiến hành thương vụ M&A được đệ trình bởi các hiệp hội ngành nghề có liên quan và các DN chịu tác động bởi thương vụ M&A, dù trước đó thương vụ M&A không nằm trong phạm vi bị giám sát theo quy định bởi SRS (xem Lược đồ quy trình áp dụng cơ chế giám sát an ninh quốc gia tại Trung Quốc).

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy Trung Quốc cực kỳ quan tâm đến tác động của yếu tố nhà đầu tư nước ngoài đến các nhóm ngành trọng yếu, nhạy cảm đối với quốc gia trên các khía cạnh an ninh quốc phòng, bình ổn kinh tế và xã hội.

Tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng việc giới hạn sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực đang gây trở ngại cho M&A. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho đó là sự thận trọng cần thiết khi hệ thống luật và cơ chế giám sát của chúng ta chưa hoàn chỉnh, chưa phát triển kịp với tính chất phức tạp của hoạt động M&A.

Lược đồ quy trình áp dụng cơ chế giám sát an ninh quốc gia tại Trung Quốc

Việc mở rộng quá nhanh tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt ở các lĩnh vực nhạy cảm như thức ăn chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản, truyền thông giải trí, sản xuất dược phẩm, công nghiệp nặng… có thể tiềm ẩn rủi ro lợi bất cập hại.

Vì vậy, việc sớm ban hành Luật M&A với các hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ là cực kỳ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm vừa bảo đảm cơ chế giám sát chặt chẽ vừa tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch thu hút các DN nước ngoài tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, M&A là hoạt động phức tạp với rất nhiều vấn đề liên quan, do đó việc dự kiến Luật M&A chỉ là một phần trong nội dung chỉnh sửa và bổ sung của Luật DN e rằng sẽ không đủ bao hàm hết những vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn. Do đó, cần xem xét xây dựng Luật M&A trên góc độ một luật đầy đủ, độc lập thay vì chỉ là một phần trong Luật DN sửa đổi.

Từ kinh nghiệm triển khai Luật M&A ở Trung Quốc, do thiếu những định nghĩa rõ ràng liên quan đến việc xác định thế nào là sản phẩm nông nghiệp quan trọng, nguồn năng lượng và tài nguyên quan trọng, cơ sở hạ tầng quan trọng, phương tiện vận tải quan trọng và công nghệ chủ chốt, nên phạm vi áp dụng luật vẫn còn khá mơ hồ và gây nhiều khó khăn.

Từ những nhược điểm này của luật Trung Quốc, Bộ Kế hoạch-Đầu tư (đơn vị chủ quản soạn thảo Luật M&A) nên có những quy định cụ thể, chi tiết hướng dẫn các nhà đầu tư cách thức thực hiện tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời nên có thời gian nhất định lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, công ty tư vấn trong và ngoài nước nhằm giảm thiểu những bất cập, lỗ hổng trước khi Luật được chính thức ban hành và đi vào áp dụng.

Nguyễn Quốc Huân

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   VIC được phát hành 158 triệu cổ phiếu để hoán đổi với VPL (09/12/2011)

>   Jetstar Group: 'Jetstar Pacific không sáp nhập với Vietnam Airlines' (09/12/2011)

>   CII đã chuyển nhượng 49% vốn tại Công ty BOO Nước Thủ Đức (08/12/2011)

>   VC9: Xin gia hạn thời gian phát hành cổ phiếu thêm 30 ngày (08/12/2011)

>   SHC nộp hồ sơ phát hành 1.2 triệu cp cho Chủ tịch Sunhouse (08/12/2011)

>   Traphaco CNC chào bán 1.75 triệu cp, giá 10,000 đồng/cp (07/12/2011)

>   SBT ngưng hợp tác phát hành trái phiếu với đối tác (07/12/2011)

>   Phạt DIG 60 triệu đồng do vi phạm quy định tài khoản phong tỏa  (07/12/2011)

>   DHC hủy bỏ kết quả đợt phát hành 4.5 triệu cổ phiếu (07/12/2011)

>   Mạnh hơn sau hợp nhất (06/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật