Thứ Sáu, 02/12/2011 14:55

Doanh nghiệp hoãn tăng vốn: Khó chồng lên khó

Vì lý do thị trường, nhiều DN đang buộc phải hoãn kế hoạch tăng vốn. Với cổ đông, đây là bước lùi hợp lý. Nhưng với doanh nghiệp, bước lùi này đồng nghĩa với việc nhiều kế hoạch kinh doanh cũng bị lùi lại.

Cuối tháng 11, HĐQT của CTCP Đầu tư xây dựng Tiền Giang (THG) ra nghị quyết hoãn, hủy các kế hoạch tăng vốn. Cụ thể, THG sẽ tạm hoãn với phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1, tăng vốn từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng. Riêng kế hoạch tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và CBCNV, THG tuyên bố hủy bỏ. Ông Lê Vinh Hiển, thành viên HĐQT THG chia sẻ: "Diễn biến của TTCK đang quá xấu. Nếu THG cứ triển khai kế hoạch tăng vốn đã thông qua tại ĐHCĐ thì sẽ gây thiệt hại cho cổ đông".

Thực tế, giá cổ phiếu THG đã xuống thấp dưới mệnh giá và thấp hơn mức tối thiểu 11.000 đồng/CP mà THG định chào bán. Vì thế, các chuyên gia khẳng định, nếu THG không hoãn, hủy các kế hoạch tăng vốn, thì việc triển khai các kế hoạch tăng vốn của THG cũng khó thành công. Quyết định của THG, suy cho cùng cũng vì tình thế bắt buộc.

Không riêng THG mà nhiều đơn vị như CTCP Việt An (AVF), Vạn Phát Hưng (VPH), CTCP Du lịch Golf Việt Nam (VNG)… cũng đã phải gác lại các kế hoạch huy động vốn qua TTCK trong năm 2011. Thay đổi này, dưới góc nhìn của NĐT là phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhưng với bản thân doanh nghiệp, đây không chỉ là một bước lùi.

Theo phương án tăng vốn trình ĐHCĐ của THG thì mục đích của kế hoạch tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng là để Công ty có nguồn để triển khai một loạt dự án ở Tiền Giang như Khu dân cư Trương Định, Khu dân cư Phước Thạnh Hưng, Khu dân cư Tân Thạnh Hưng, Khu dân cư Sông Đốc… Nghĩa là, Công ty thực sự cần vốn để triển khai các kế hoạch kinh doanh bất động sản, mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu lợi nhuận của THG. Do đó, sắp tới, nếu không thể tận dụng được nguồn vốn từ TTCK, THG đành tính tới phương án liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, ông Hiển thừa nhận, TTCK vẫn là kênh huy động vốn được THG ưu tiên và trông đợi hơn cả.

THG mới chào sàn HOSE cách đây 4 tháng. Căn cứ vào kế hoạch chia thưởng bằng cổ phiếu ở tỷ lệ 50% cũng như nhìn vào phương án tăng vốn lên gấp đôi, có thể thấy mục tiêu niêm yết của THG không gì khác ngoài muốn tận dụng được nguồn vốn rẻ từ TTCK. Vì thế, các chuyên gia tin rằng, việc hoãn, hủy kế hoạch tăng vốn này của THG ít nhiều thể hiện một sự thật khác với những gì mà lãnh đạo THG mong đợi. Dẫu cho đại diện THG khẳng định việc giãn kế hoạch tăng vốn hầu như không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh hiện tại của Công ty, nhưng có thể khẳng định, THG hoàn toàn có thể gặp rủi ro từ việc không huy động được nguồn vốn qua TTCK, các dự án có thể phải trì hoãn lâu hơn vì thiếu vốn, bởi thời điểm này các kênh huy động vốn như ngân hàng, vay nợ trái chủ không còn đơn giản với các DN như trước kia.

Không riêng THG, VPH cũng là doanh nghiệp thấm thía nổi khổ của sự thoái lui. Giữa tháng 9, trước diễn biến TTCK không thuận lợi, HĐQT VPH đành quyết định hủy phương án tăng vốn (phát hành thêm 15,2 triệu cổ phiếu, với giá trị 152 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và CBCNV, nhằm bổ sung cho vốn lưu động). Không huy động được 152 tỷ đồng như dự tính, "Công ty đành thực hiện những cách thức huy động vốn khác để đảm bảo hoạt động bình thường", ông Vũ Ngọc Nam, Giám đốc tài chính của VPH chia sẻ. Cụ thể, Công ty đã tìm kiếm thêm những nguồn tín dụng mới, chấp nhận bán hàng ở mức giá thấp hơn kỳ vọng miễn có thể thu được dòng tiền về. Tuy nhiên, khi sử dụng đến những phương án này, như ông Nam thừa nhận, "có những hạn chế so với việc có thể gọi được vốn từ TTCK".

Dòng vốn vay thêm từ ngân hàng chắc chắn sẽ tạo thêm sức ép cho VPH vốn đã chịu nhiều áp lực từ lãi vay. Trong khi đó, theo BCTC quý III/2011 của VPH, chính chi phí tài chính tăng mạnh, gấp 3 lần cùng kỳ đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ 10,61 tỷ đồng. Với diễn biến không thể huy động được vốn từ TTCK, nhiều khả năng, lợi nhuận kinh doanh của VPH tiếp tục bị lãi vay ăn mòn.

Trên thực tế, trong phương án giải quyết các khoản nợ vay, ngoài các kế hoạch phát hành trái phiếu, cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động vốn, Ban lãnh đạo VPH còn dự trù đến việc thanh lý đất ngoài ranh các dự án, bán hàng tồn kho của Khu chung cư Phú Mỹ, bán nền đất của dự án Phú Mỹ, bán các căn hộ Chung cư Sài Gòn Mới, Chung cư Phú Mỹ Thuận. Ngoài ra, VPH cũng sẽ tìm đối tác chuyển nhượng đất tại dự án quận 9, quận 2, TP.HCM… Tuy nhiên, trở ngại trong huy động vốn từ TTCK sẽ khiến bài toán tăng dòng tiền ở VPH trở nên đau đầu hơn.

Các doanh nghiệp chỉ trong tình huống bất đắc dĩ mới quyết định hoãn, hủy kế hoạch tăng vốn. Và khi đó, doanh nghiệp biết rõ, bước lùi này đồng nghĩa với việc chồng thêm những khó khăn mới.

Ngọc Thủy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Petrolimex chi sai hơn 516 tỷ đồng sao Nhà nước lại bù lỗ? (02/12/2011)

>   SBS đóng cửa chi nhánh Sài Gòn (02/12/2011)

>   NOS: Lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh (02/12/2011)

>   PXS ước hoàn thành kế hoạch 144 tỷ đồng lãi trước thuế (02/12/2011)

>   10 tháng, BMI đạt 85% kế hoạch doanh thu năm (02/12/2011)

>   Năm 2011, HHC ước đạt 27 tỷ đồng lợi nhuận (02/12/2011)

>   Năm 2012, IDV đặt mục tiêu 14 tỷ đồng LNST (02/12/2011)

>   Kiện công ty thủy sản Bình An (BAF), đòi 20 tỉ đồng (02/12/2011)

>   PXS: 1.300 tỷ đồng xây bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại (01/12/2011)

>   SBC: Quý 3 lỗ hợp nhất 264 triệu đồng (02/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật