Thứ Tư, 14/12/2011 09:17

Đề án cấp chứng chỉ vàng: Hoài nghi tính khả thi

Liên quan đến thị trường vàng, lại đang dấy lên những tranh cãi trong dư luận về đề án phát hành chứng chỉ vàng của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề án này thành công sẽ giúp huy động được một lượng vàng lớn đang nằm trong dân. Song, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn cần có một thời gian khá dài để biết được chính xác câu trả lời: Liệu đề án có khả thi hay không?

Thay vì giữ vàng thật, người dân sẽ giữ... "vàng giấy”

Còn nhớ, cách đây chừng 3,4 tháng, thời điểm thị trường vàng đang ở mức biến động mạnh nhất, giá vàng có lúc lên đỉnh điểm chạm ngưỡng 50 triệu/lượng, cũng là lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu vào cuộc tìm kiếm và đưa ra các kế sách nhằm bình ổn thị trường vàng. Và từ đó đến nay, liên tiếp các dự thảo chính sách cho việc quản lý, ổn định thị trường này được đưa ra bàn thảo và đề tài "làm sao để bình ổn thị trường vàng” luôn làm nóng dư luận.

Mới đây nhất, NHNN tiếp tục đưa ra đề án về việc sẽ phát hành chứng chỉ vàng. Đây được coi là một trong những giải pháp thiết thực nhằm huy động nguồn vàng lớn đang nằm trong dân. Như vậy, tới đây nếu đề án này được thực thi thì một số những thói quen cố hữu về tích trữ vàng của người dân sẽ thay đổi. Cụ thể, khi có chứng chỉ vàng, thay vì phải bảo quản một số lượng vàng vật chất, người dân chỉ cần cầm một tờ giấy có giá trị tương ứng với số vàng mà họ có để kinh doanh, dự trữ. Không phải giữ vàng trong nhà, rõ ràng độ an toàn sẽ cao hơn nhiều lần. Song, không phải người dân nào cũng mặn mà với chứng chỉ vàng chỉ làm bằng... giấy, phần vì do thói quen giữ vàng phòng thân đã ăn sâu vào tâm lý, phần khác, do họ chưa đủ niềm tin để trao số của cải lớn cho một người khác giữ. Nói như ông Nguyễn Mạnh Hà, phố Pháo Đài Láng, Hà Nội: Có một vài cây vàng giờ lại đổi thành tờ giấy, nhỡ không may bị rách hay cháy mất, thì bỗng dưng mất vàng. Lúc đó biết kêu ai? Nhiều người dân, nhất là những người cao tuổi đều có chung tâm lý như ông Hà khi được hỏi về đề án cấp chứng chỉ vàng của NHNN. Rõ ràng, để thay đổi thói quen tích trữ vàng của người dân không phải là điều đơn giản. Đặc biệt hơn, đây lại là thời điểm hệ thống ngân hàng đang ở "thời khắc giao mùa” – bước những bước đầu tiên trong lộ trình tái cơ cấu. Do đó, những thông tin liên quan đến tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng và tình hình thiếu thanh khoản lại càng khiến niềm tin trong nhân dân sụt giảm về ngân hàng – người sẽ giữ vàng giúp họ trong tương lai.

Khả thi hay không - cần phải có thời gian

Tất nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tất cả mọi vấn đề đều cần phải có lộ trình của nó. "Mọi thói quen đều có thể thay đổi, khi chúng ta chứng minh cho người dân thấy những chính sách đó chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà thôi” – một chuyên gia trong ngành khẳng định.

Ủng hộ chính sách này của NHNN, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: NHNN nên thành lập một quỹ vàng thay thế cho người giữ, rồi cấp chứng chỉ để khi cần có thể quy ra vàng. Khi có chứng chỉ, người dân có đầy đủ tư cách pháp lý để thực hiện mọi hoạt động giao dịch vàng trên thị trường như: mua bán, trao đổi, thế chấp. Và cùng với đó là sự ra đời của sàn giao dịch vàng nhằm quy định hóa tất cả những giao dịch diễn ra trên thị trường vàng, đây sẽ là công cụ để Nhà nước kiểm soát thị trường vàng một cách hữu hiệu. Song ông Hiếu thừa nhận, "cần có thời gian để doanh nghiệp, người dân thích nghi ít nhất là 3 năm”.

Như vậy, có thể nói, dù đề án mới đang ở giai đoạn "thai nghén” nhưng trước những phản ứng của dư luận, cũng cần phải đặt câu hỏi về tính khả thi của đề án này. Trả lời cho câu hỏi này, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam đưa ra những nhận định đáng chú ý khi cho rằng, việc cấp chứng chỉ vàng có thể nói là phương pháp huy động vàng trong dân hữu hiệu nhất. Khi đó, Nhà nước sẽ là người giữ vàng hộ dân. Và người dân có quyền sử dụng chứng chỉ vàng để cầm cố, mua bán, trao đổi trên thị trường và khi cần có thể rút vàng bất cứ lúc nào. Với cách làm này, sẽ loại bỏ những tồn tại đã ăn sâu hàng thế kỷ nay của người dân, đó là giữ vàng nằm im một chỗ mà không phát huy được tác dụng gì.

Với những nhận định nói trên của các chuyên gia kinh tế, thì việc cấp chứng chỉ vàng là điều rất nên làm bởi nó mang lợi ích lại cho cả người dân, Nhà nước và cả doanh nghiệp. Song, vấn đề còn lại là liệu chính sách này khi đi vào cuộc sống có thực sự đem lại những ổn định cho thị trường vàng hay không? Hay lại chỉ là những giải pháp tình thế?

Duy Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Vàng sụt 30 USD/oz sau quyết định của Fed (14/12/2011)

>   Canh bán vàng khi giá xuống dưới 44 triệu đồng (13/12/2011)

>   Trung Quốc liên tiếp lập kỷ lục nhập vàng vì... lạm phát (13/12/2011)

>   Giá vàng nội nới rộng với thế giới 1,7 triệu đồng (13/12/2011)

>   Vàng lao dốc gần 50 USD/oz xuống dưới 1,670 USD/oz (13/12/2011)

>   Giá vàng dưới 45 triệu đồng (12/12/2011)

>   Bù hàng triệu đồng để đổi sang vàng SJC (11/12/2011)

>   Vàng chốt tuần mất 400.000 đồng (10/12/2011)

>   Vàng hạ 2%/tuần nhưng palađi vọt 6.3% sau 5 phiên (10/12/2011)

>   Giá vàng giảm gần 300.000 đồng/lượng (09/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật