Thứ Năm, 15/12/2011 08:41

CTCK 49% vốn ngoại hướng tới giờ "G"

Dù có sự lưỡng lự nhất định, nhưng các cổ đông nước ngoài của CTCK 49% vốn ngoại đang hướng về thời điểm TTCK Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các công ty môi giới chứng khoán ngoại với các toan tính cụ thể.

3 nhóm "ngoại binh"

Vài tháng trước, CTCK Gia Quyền chính thức đổi tên thành CTCK KIS Việt Nam và dời trụ sở về một cao ốc mới xây trên phố Nguyễn Công Trứ (TP. HCM). Tiếp phóng viên ĐTCK trong văn phòng mới, ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc KIS tiết lộ: "Thị phần của KIS hiện giờ còn ở mức khiêm tốn, nhưng mục tiêu năm tới của chúng tôi là 1 - 1,5% toàn thị trường".

Korea Investment & Securities (KIS) hiện là 1 trong 5 CTCK lớn nhất tại Hàn Quốc. Cuối năm ngoái, KIS bỏ ra gần 130 tỷ đồng, mua 49% cổ phần chào bán riêng lẻ của đối tác Việt Nam tại Gia Quyền.

Trước KIS, CTCK Woori cũng nằm trong Top 5 tại Hàn Quốc và đã hiện diện tại Việt Nam khi mua 49% cổ phần của CTCK Biển Việt. Thậm chí, tập đoàn quản lý tài sản lớn của Hàn Quốc Mirea Asset Management còn có mặt sớm hơn khi cuối năm 2007, mới chân ướt chân ráo vào TTCK Việt Nam, Mirea đã trực tiếp góp vốn thành lập CTCK Mirae Asset (MAS).

Vài tháng sau sau đó, đồng hương của Mirae Asset, Tập đoàn tài chính Golden Bridge chọn đi đường vòng khi mua lại 49% vốn của CTCK Click & Phone, khoác thương hiệu mới Golden Bridge Việt Nam (GBVS) cho đối tác nội địa.

Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam chứng khiến nhiều cuộc se duyên giữa CTCK nội địa với đối tác nước ngoài.

Một số đối tác ngoại đã hướng đến tỷ lệ sở hữu tối đa mà pháp luật cho phép. Đó là nhóm CTCK "ngoại binh"- nước ngoài chiếm 49% vốn, nhưng mang sang theo mô hình và kinh nghiệm quản lý từ tập đoàn mẹ.

Nhìn bên ngoài, các CTCK này có nhiều nét tương đồng: trụ sở chính tọa lạc ở các cao ốc lớn, mạnh tay đầu tư cho hạ tầng và công nghệ, hướng khách hàng giao dịch online, đưa nhân sự cao cấp từ tập đoàn mẹ sang, tuyển dụng giám đốc phân tích người nước ngoài… và cũng mới xác lập vị thế khiêm tốn trên thị trường nội địa.

Căn cứ vào đối tác nước ngoài góp vốn, có thể phân chia các "ngoại binh" này làm 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất, các CTCK như Kim Eng Việt Nam (KEVS), KIS, Woori, Thành Công…, cổ đông lớn nước ngoài lấy môi giới chứng khoán và các hoạt động liên quan làm hoạt động kinh doanh "lõi".

Nhóm thứ hai là các CTCK có cổ đông lớn là các tập đoàn quản lý tài sản hay quỹ đầu tư, môi giới chứng khoán là mảng đóng vai trò phụ trợ. Số này có thể kể tới MAS, GBVS, VinaSecurities (cổ đông lớn là quỹ Vina Capital), Horizon Securities (cổ đông lớn là quỹ Tầm nhìn), Morgan Staley Hướng Việt (cổ đông lớn Morgan Staley)…

Nhóm thứ ba là các CTCK có phần vốn của đối tác nước ngoài xuất phát từ các tập đoàn lớn hoạt động đa ngành, chứng khoán chỉ là một nhánh khá nhỏ của tập đoàn mẹ, ví dụ CTCK SaigonBank Berjaya - SBBS (cổ đông lớn phía sau là Tập đoàn Berjaya của Malaysia), CTCK Phú Hưng - PHS (cổ đông lớn Tập đoàn Đài Loan Central Trading & Development- đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng)…

Những tầm nhìn khác biệt

Theo khảo sát của ĐTCK, dù có xuất xứ đa dạng nhưng trong hoạt động của các CTCK ngoại binh có điểm khác biệt lớn nhất với các CTCK nội địa, đó là: chiến lược hoạt động tập trung vào môi giới và nhấn mạnh nguyên tắc quản trị rủi ro.

Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc SBBS nói với ĐTCK, dù Công ty đủ điều kiện tiến hành tự doanh nhưng vẫn chỉ thực hiện nghiệp vụ chính là môi giới và tư vấn. Bà Josephine Yei giải thích, theo kinh nghiệm của cổ đông lớn tại TTCK Malaysia, việc SBBS tiến hành hai nghiệp vụ song song có thể tiềm ẩn các nguy cơ xung đột lợi ích.

Tương tự, ông Oh Kyung Hee cho biết, theo kinh nghiệm tại Hàn Quốc, KIS Việt Nam không tự doanh và lấy trọng tâm là hoạt động môi giới, trong đó hướng vào 3 nhóm NĐT: khách hàng cá nhân nội địa, các NĐT tổ chức và NĐT tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, ông David Jensen, Giám đốc Phụ trách khối khách hàng tổ chức của PHS cho biết, Công ty dành mọi nguồn lực hiện nay cho việc phát triển môi giới, số tiền dành cho tự doanh khá nhỏ, chỉ ở mức vài tỷ đồng.

Giải thích hình ảnh có phần mờ nhạt 4 năm qua của MAS tại TTCK Việt Nam, ông Woo Young Ki, Giám đốc điều hành Công ty cho biết, thế mạnh của Tập đoàn tại các thị trường mới nổi là quản lý tài sản. Năm 2006 - 2007, khi cái tên Việt Nam rất nổi tại các hội thảo đầu tư quốc tế, MAS thành lập tại Việt Nam để hỗ trợ cho hoạt động của công ty quản lý quỹ đã vào từ trước.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc KEVS nhận xét, cổ đông lớn nước ngoài góp vốn vào CTCK Việt Nam nhìn TTCK nội địa bằng con mắt trải nghiệm của người đi trước. Họ tiếp cận thị trường giai đoạn ban đầu đặc biệt thận trọng. Tuy nhiên, ngay với mảng nghiệp vụ môi giới, các CTCK 49% vốn ngoại cũng thể hiện những toan tính khác biệt. Chẳng hạn, khi KEVS hướng mục tiêu phát triển thị phần vào nhóm khách hàng cá nhân thì nhiều CTCK nhóm 2 lại hướng vào khối khách hàng tổ chức. Và tại một thị trường cận biên như TTCK Việt Nam - nơi 90% giá trị giao dịch thuộc về NĐT nhỏ, các tầm nhìn khác biệt đã cho những kết quả khác nhau.

Hướng tới giờ "G"

Theo quan sát của ĐTCK, một số CTCK vốn ngoại chiếm 49% vốn hoạt động không nổi trội hơn các CTCK nội địa. Nhưng vị thế khiêm tốn của nhiều "ngoại binh" hiện nay chắc chắn chưa phản ánh đúng tiềm lực của họ, đặc biệt khi khị trường nội địa nghèo nàn các sản phẩm tài chính và đi xuống liên tục 4 năm qua.

Ông Woo Young Ki cho biết, sau ngày 12/1/2012 sẽ tham khảo các thông tin hướng dẫn từ cơ quan quản lý Việt Nam và tập đoàn mẹ tại để có phương án hành động cụ thể. Trong khi đó, người đồng hương Hàn Quốc Oh Kyung Hee tiết lộ, để đạt được mục tiêu về thị phần, năm tới KIS cần mở rộng mạng lưới, tăng cường sức mạnh về tài chính. Khi được pháp luật cho phép, đối tác Hàn Quốc sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại KIS lên 65%.

Còn năm tới, KEVS đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vài trăm tỷ đồng, đồng thời để ngỏ khả năng mở rộng nghiệp vụ tự doanh hay lập công ty quản lý quỹ cho đến khi cuộc chuyển giao quyền lực Kim Eng Holding - Maybank hoàn tất.

Khi được hỏi về thế mạnh của PHS trong giai đoạn hiện nay, ông David Jensen nói rằng, đó là "khả năng chịu đựng và khả năng sống sót". Lý giải của ông David là phía sau PHS còn có tập đoàn hùng mạnh đến từ Đài Loan.

Ông này không tiết lộ về tham vọng tăng tỷ lệ sở hữu tại PHS của tập đoàn mẹ, nhưng cho biết, chắc chắn tập đoàn mẹ sẽ thành lập công ty quản lý quỹ.

Phát biểu một cách thận trọng, bà Josephine Yei cho biết, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn nước ngoài tại SBBS sẽ được xem xét căn cứ vào kịch bản phục hồi của TTCK.

Dù có sự lưỡng lự nhất định, nhưng các cổ đông nước ngoài của CTCK 49% vốn ngoại đang hướng về thời điểm TTCK Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các công ty môi giới chứng khoán ngoại với các toan tính cụ thể.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Hoãn phiên xử TGĐ DVD thao túng giá chứng khoán (14/12/2011)

>   25.000 tỷ đồng vốn ngoại sẽ thoái trong năm 2012? (14/12/2011)

>   HOSE sẽ nghỉ giao dịch ngày 02/01/2012 (13/12/2011)

>   Vô hiệu hóa quyền lực của cổ đông lớn (13/12/2011)

>   Sáng 17/12, Vietstock Communications tổ chức Hội thảo về Nhận diện Cơ hội và Rủi ro trong năm 2012 (16/12/2011)

>   Sẽ có "vụ nổ BigBang" tại TTCK Việt Nam? (13/12/2011)

>   Quản lý quỹ Đầu tư SGI bị phạt 160 triệu đồng (12/12/2011)

>   TLT, TAS: Phải giải trình cổ phiếu tăng trần, giảm sàn (12/12/2011)

>   KDC tăng room nước ngoài từ 34.66% lên 40.47% (12/12/2011)

>   Một người lạc quan… (12/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật