Thứ Năm, 29/12/2011 23:10

Chênh lệch giá “kích” vàng lậu

Tình hình buôn lậu vàng có xu hướng gia tăng thời gian qua khi giá vàng trong nước quá cách biệt với thế giới

Mới đây, ngày 21-12, lực lượng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đã thu giữ 25 kg vàng dạng miếng do hai đối tượng vận chuyển từ Lào Cai về Hà Hội bằng tàu hỏa. Số vàng này tương đương 655 lượng, trị giá khoảng 28,5 tỉ đồng.

Có “cửa” tiêu thụ, buôn lậu gia tăng

Trước đó, ngày 16-12, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phối hợp với Công an tỉnh An Giang cũng bắt quả tang 2 người đang vận chuyển 15 kg vàng bằng xe khách. Số vàng này đã bị xóa bỏ nguồn gốc, xuất xứ in trên các miếng vàng và được chuyển từ An Giang lên TPHCM cho một doanh nghiệp (DN) vàng tư nhân…

Đây chỉ là vài vụ buôn lậu vàng bị phát hiện. Theo giới kinh doanh vàng, hoạt động buôn lậu đang diễn ra khá phổ biến bởi giá vàng trong nước suốt thời gian dài luôn cao hơn giá thế giới trên 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có ngày chênh lệch trên 3 triệu đồng/lượng. Trong 2 tuần liên tiếp vừa qua, giá vàng trong nước điều chỉnh chậm và dao động quanh vùng 43 triệu đồng/lượng; trong khi đó, giá thế giới lại giảm sâu về dưới mốc 1.600 USD/ounce, tương đương khoảng 40 triệu đồng/lượng. Ngày 29-12, dù giảm mạnh nhưng giá vàng SJC do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 41,58 triệu đồng/lượng, bán ra 41,98 triệu đồng/lượng, vẫn cao hơn giá thế giới 2,5 triệu đồng/lượng...

Ngày 29-12, giá vàng trong nước giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn thế giới 2,5 triệu đồng/lượng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới thời điểm đầu tháng 10-2011, khi Ngân hàng (NH) Nhà nước ngưng cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng cho các DN vàng, đã giảm mạnh. Khi đó, vàng lậu ít còn “cửa” tuồn vào các đơn vị để gia công thành vàng miếng. Tuy nhiên gần đây, thị trường bắt đầu tiêu thụ mạnh loại vàng nhẫn trơn và chênh lệch giá tăng cao đã “kích” vàng lậu rầm rộ trở lại.

Với mức chênh lệch giá hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí, các đối tượng buôn lậu có thể lời hơn 1 triệu đồng/lượng. “Mức lời quá hấp dẫn nên kích thích buôn lậu vàng qua biên giới” - một người trong ngành kinh doanh vàng tại TPHCM nhận xét. Lãnh đạo NH Nhà nước cũng từng thừa nhận hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với quy mô ngày càng lớn, riêng vàng nhập lậu trung bình một năm từ 20 - 40 tấn.

Chất lượng thả nổi

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tiệm vàng trên địa bàn TPHCM đã ngừng mua vào các thương hiệu vàng phi SJC từ nhiều tuần qua. Ngay sau khi dự thảo nghị định quản lý vàng đưa ra với thông tin chỉ vàng miếng SJC được lưu thông, người dân không còn mặn mà với vàng miếng phi SJC. Ngược lại, nhẫn trơn trở nên hút khách bởi cũng là vàng 99,99.

Nhẫn trơn hút hàng khiến vàng lậu được dịp “tung hoành”. Thế nhưng, chất lượng nhẫn trơn rất khó kiểm soát bởi DN nào cũng làm được (cả nước có hơn 12.000 DN kinh doanh vàng và thợ kim hoàn nào cũng dễ dàng gia công nhẫn trơn). Nếu như vàng miếng do NH Nhà nước quản lý về chất lượng và cấp hạn ngạch cho các DN thì nhẫn trơn được coi là vàng trang sức mỹ nghệ.

Theo quy định, hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ… được kinh doanh bình thường như các loại hàng hóa khác. DN muốn kinh doanh chỉ cần đăng ký theo Luật DN, Luật Thương mại... Thực tế, chất lượng của nhẫn trơn đang bị thả nổi nên cũng đã tái diễn cảnh “mua đâu bán đó”, bởi bán chỗ khác sẽ bị ép giá.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng vàng lậu tiêu thụ qua “cửa” nhẫn trơn không chỉ thiệt hại cho người mua mà còn gây rối loạn thị trường, tạo sức ép lên thị trường ngoại hối. Bằng chứng là những ngày chênh lệch giá vàng nội - ngoại tăng cao, giá USD trên thị trường tự do cũng liên tục “nhảy múa”.

Nhanh chóng đưa giá trong nước về sát thế giới

Theo giới chuyên môn, muốn triệt vàng lậu, biện pháp tốt nhất là đưa giá trong nước về sát thế giới.

Thực tế, việc tăng cường lực lượng chống vận chuyển vàng trái phép ở biên giới vừa tốn kém mà hiệu quả không cao. Số vàng lậu phát hiện trong gần 10 năm qua chỉ đạt chưa tới 200 kg. Giải pháp căn cơ là cho liên thông hai thị trường vàng theo cơ chế thị trường.

Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, phân tích: Nếu xem vàng là ngoại hối, Nhà nước nên để vàng về lại thị trường theo quy luật cung cầu. Khi nhập khẩu vàng để bình ổn giá, buộc phải tiêu tốn USD, mất ngoại tệ nhưng đổi lại là có vàng thu vào. Với chức năng bảo toàn giá trị của vàng, việc nhập khẩu vàng chỉ là sự chuyển hóa hình thái tạm thời từ giữ ngoại tệ thành giữ vàng để khi cần thiết sẽ tái xuất vàng thu hồi lại ngoại tệ.

Thái Phương

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Vàng xuống dưới 42 triệu đồng/lượng, dân ồ ạt mua vào (29/12/2011)

>   Rủ nhau đi bán vàng (29/12/2011)

>   Vàng giảm sâu xuống dưới 42 triệu (29/12/2011)

>   Bí mật kho vàng của nước Đức   (29/12/2011)

>   Vàng sụt hơn 30 USD/oz xuống 1,564 USD/oz, bạc lao dốc 5.2% (29/12/2011)

>   Vàng mất mốc 43 triệu đồng, thấp nhất trong 2 tháng (28/12/2011)

>   Trung Quốc cấm mở thêm sàn vàng mới  (28/12/2011)

>   Vàng giảm sâu, thấp nhất trong 2 tháng qua (28/12/2011)

>   Ai làm giá cho vàng?!  (28/12/2011)

>   Vàng mất hơn 1.4% sau 4 phiên rút lui liên tiếp (28/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật