Thứ Hai, 05/12/2011 13:52

Bất động sản thấp thỏm đợi tiền kiều hối

Mùa kiều hối cuối năm dường như đang được xem như là tia hy vọng duy nhất còn lại của giới đầu tư bất động sản, khi mọi kênh huy động vốn cho dự án đang gần như bế tắc.

Giới đầu tư bất động sản đang sống trong những khoảnh khắc phấp phỏng đợi chờ một dòng vốn mới, tiếp thêm sinh khí cho các dự án gần như đang ngắc ngoải vì đói vốn.

Kỳ vọng đó không phải là không có cơ sở khi Việt Nam được xếp vào top các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường tài chính, chứng khoán đang quá trầm lắng, khó sinh lời, những đồng vốn gửi về Việt Nam rất nhiều khả năng lại được trích một phần “gửi gắm” vào đất cát.

Chút “khí trời” quý giá

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng lượng tiền được kiều bào chuyển về nước trong năm nay tiếp tục tăng mạnh. Riêng lượng kiều hối chuyển về trong 3 quý đầu năm 2011 đều đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD/quý.

Dự kiến cả năm nay, lượng kiều hối chuyển về có thể đạt khoảng 8,5 tỷ USD, cao hơn khoảng 500 triệu USD so với năm 2010.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố cuối tháng 11 vừa qua cũng cho thấy, với khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sông, học tập và lao động tại 101 quốc gia, trong đó khoảng 400.000 là lao động xuất khẩu, Việt Nam đã lọt vào top 10 các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Với những thống kê tích cực nói trên, giới đầu tư bất động sản đang sống trong những khoảnh khắc phấp phỏng đợi chờ một dòng vốn mới, tiếp thêm sinh khí cho các dự án gần như đang ngắc ngoải vì đói vốn.

Kỳ vọng đó lại càng có cơ sở khi một khảo sát mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, kết quả điều tra 4.000 hộ nhận kiều hối có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng. Thống kê của cơ quan này cũng cho thấy, lượng kiều hối đổ vào bất động sản trong thời gian qua đang tăng nhanh.

Các chuyên gia cho rằng, trong khi thị trường vàng và USD không còn được ưa chuộng, thị trường chứng khoán suy giảm. Đặc biệt, sau khi ngân hàng có chính sách áp trần lãi suất 14% thì một lượng tiền khá lớn trong dân đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Và dù chưa thể khẳng định được xu hướng mà dòng tiền này sẽ chảy, nhưng giới đầu tư bất động sản vẫn kỳ vọng rằng, không ít trong số đó sẽ quay trở về với địa ốc.

Hơn nữa, dường như đã trở thành thông lệ, trước và sau Tết là thời điểm nhu cầu mua mới, nâng cấp nhà cửa của người dân lại tăng lên. Đối với những người nhận kiều hối, đây cũng là dịp họ công khai hóa những đồng tiền mà người thân của mình gửi về bằng những căn nhà mới khang trang hơn, bề thế hơn.

“Không riêng gì năm nay, nhiều năm trước chúng tôi luôn kỳ vọng vào mùa kiều hối cuối năm bởi đó là thời điểm bán được hàng nhất. Hiện thị trường đang đóng băng, các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn thì lượng tiền kiều hối lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, nó được ví như một bình oxy giúp hà hơi thổi ngạt lúc này”, đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Phong Sắc chia sẻ.

Chưa vội mừng

Dù vậy, cũng thống kê của WB lại cho thấy, có đến 90% lượng kiều hối lại chảy về khu vực nông thôn, nơi phần lớn những người lao động ra đi từ đó.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty Xây dựng Thịnh Phát, dù là mùa kiều hối thật, song chủ đầu tư các dự án chung cư ở các đô thị lớn cũng khó mà được hưởng lợi từ nguồn này.

Bởi, theo phân tích của ông, phần lớn kiều hối đều là tiền của người đi xuất khẩu lao động ở nông thông gửi về. Chắc chắn một tỷ lệ không nhỏ trong đó sẽ được dành để trả nợ ngân hàng, vay mượn của họ trước đây. Số còn lại cũng chỉ đủ để sửa sang nhà cửa, mua sắm những tài sản nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, chỉ có một lượng kiều hối nhất định của những kiều bào, người đi lao động từ lâu khi gửi về sẽ được người thân mang đi gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào kênh nào đó. Và khi mà phần lớn người nhân kiều hối ở nông thôn thì việc họ đầu tư vào phân khúc chung cư ở các đô thị lớn là điều khó xảy ra.

Duy chỉ có phân khúc đất thổ cư, hoặc cùng lắm là các khu nghỉ dưỡng, biệt thự sinh thái lân cận các vùng xung quanh khu vực họ sống là may ra mới được hưởng lợi từ những đồng kiều hối này.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khác với các năm trước, từ năm 2010 đến nay, số Việt kiều về nước đăng ký mua nhà đã giảm khá nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người nhờ người thân, họ hàng đứng tên mua nhà tại Việt Nam lại có xu hướng tăng đáng kể.

Giám đốc tập đoàn Archi Invest Nguyễn Thành Nam cho hay, doanh nghiệp này đang đặt nhiều kỳ vọng vào mùa kiều hối cuối năm nay. Và để chuẩn bị đón “làn gió mới” này, Archi Invest đã quyết định mở bán một dự án bất động sản nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu của những người có nhu cầu đầu tư vào bất động sản sau khi nhận kiều hối.

“Thay vì đầu tư vào các phân khúc khác như nhà chung cư, đất liền kề, chúng tôi quyết định tập trung vốn cho một dự án nghỉ dưỡng Nine Ivory tại Ba Vì để đón mùa kiều hối. Hiện giờ nhà đầu tư trong nước vừa đang khó khăn, vừa đang chờ tín hiệu thị trường, chỉ có những người có tiền nhàn rỗi mới là đối tượng chúng tôi hướng đến để cùng họ đầu tư lâu dài”, ông Nam cho biết.

Từ Nguyên

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Mua nhà Capital Garden coi chừng thủ tục pháp lý (05/12/2011)

>   BĐS ở Bình Dương: Nghịch lý “không gian ba chiều” (04/12/2011)

>   Đất nền phía Nam thu hút các khách hàng phía Bắc (04/12/2011)

>   Một giải pháp cho hai vấn đề ngân hàng và địa ốc (03/12/2011)

>   Địa ốc ven Sài Gòn ồ ạt ăn theo hạ tầng (03/12/2011)

>   Bất động sản: Nhà sang hết thời, bình dân bán được (02/12/2011)

>   Thị trường bất động sản: Nhà đầu tư ngoại đòi mở cửa hơn! (02/12/2011)

>   Cho thuê căn hộ chờ thị trường tan băng (02/12/2011)

>   Nhà “giá rẻ” ế vì giá cao (02/12/2011)

>   Khánh thành khu phức hợp 33 tầng tại quận 7 (02/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật