Vụ SZL tiếp tục xả thải - Lợi nhuận vào túi ai?
LTS: Sau khi vụ việc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (SZL) tiếp tục xả thải ra môi trường được Báo SGGP phản ánh trên số báo ra ngày 3-11, chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin, tài liệu nói về các kiểu làm ăn gian dối của doanh nghiệp (DN) này trong nhiều năm qua. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP tiếp tục đăng tải một số thông tin mà dư luận quan tâm.
“Ăn chia” tiền xử lý nước thải?
Theo tài liệu, năm 2010, doanh thu phí xử lý nước thải mà SZL thu được từ các DN trong KCN Long Thành là 20.424.344.960 đồng. Phần chi cho các hoạt động xử lý nước thải bao gồm: phí bảo vệ môi trường, nước sạch cung cấp cho hệ thống xử lý, tiền điện, hóa chất, sửa chữa, bảo dưỡng và tiền lương công nhân là 7.362.244.017 đồng. Lấy doanh thu trừ đi chi phí, SZL báo cáo số tiền lời là 13.062.100.943 đồng.
Tương tự, doanh thu của 6 tháng đầu năm 2011 mà SZL thu được của các DN là 10.569.988.101 đồng. Trừ tổng chi phí cho các hoạt động xử lý môi trường (3.407.998.635 đồng), lợi nhuận thu về là 7.161.989.466 đồng. Như vậy, lợi nhuận của năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 mà Sonadezi báo cáo là 20.224.090.409 đồng.
Khoản siêu lợi nhuận trên (lãi 2/3 trên tổng doanh thu), Sonadezi không hưởng một mình mà phải chia cho Công ty CP DV Sonadezi (thuộc Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi) 15.646.340.476 đồng. Số tiền này chi cho ai và chi vào mục đích gì thì chưa được cơ quan chức năng làm rõ, chỉ được biết SZL báo cáo là trả nợ.
Thế nhưng, các khoản nợ khác như thuế thu nhập DN, phí bảo vệ môi trường… thì không thấy SZL nhắc đến.
Trong một tài liệu khác có thể chứng minh được, chỉ riêng khoản phí bảo vệ môi trường mà SZL còn nợ Nhà nước là 421.650.007 đồng. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai đang thẩm định lại số liệu trên và có nhiều khả năng khoản nợ về phí bảo vệ môi trường đối với SZL còn rất lớn do một số báo cáo những năm qua thể hiện không đúng sự thật, hiện chưa được làm rõ.
Đó là số liệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của SZL trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011. Hiện SZL và cả Công ty CP DV Sonadezi còn “nợ”, chưa trả lời các cơ quan chức năng về hồ sơ, chứng từ, hợp đồng, hóa đơn và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năm 2007 đến năm 2009. Như vậy, nhiều khuất tất của 2 DN này có liên quan đến hoạt động xử lý môi trường hiện chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.
Gian dối với các DN
KCN Long Thành hiện có 57/59 DN ký hợp đồng đấu nối và xử lý nước thải với SZL theo phương thức tính 80% trên tổng số nước sạch cung cấp đầu vào cho sản xuất và sinh hoạt. Phí xử lý nước thải được tính theo đơn giá 0,32 USD/m³ với cam kết Sonadezi phải xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A mới được xả ra môi trường.
Trên thực tế, như kết luận điều tra của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an: “SZL đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần, trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000m³ đến dưới 10.000m³/ngày đêm…”.
Với kết luận trên, rõ ràng SZL đã cố ý gian dối, không thực hiện đúng với cam kết trong hợp đồng ký kết với các DN, thu lợi hàng chục tỷ đồng và làm thất thu các khoản khác của Nhà nước, bất chấp hậu quả về môi trường và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Tam An, huyện Long Thành.
Với những việc làm trên, theo thông tin chúng tôi có được, hiện một số DN trong KCN Long Thành đang chuẩn bị hồ sơ để kiện SZL và Công ty CP DV Sonadezi yêu cầu trả lại số tiền chênh lệch về thu phí xử lý nước thải trong nhiều năm qua.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện Sở Tài nguyên - Môi trường và Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) đang tiến hành công tác đánh giá tác động về môi trường do hành vi xả thải của Sonadezi Long Thành. Kết quả đánh giá sẽ làm cơ sở để xem xét bồi thường thiệt hại theo đơn kiện của hơn 200 hộ dân xã Tam An. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là xem xét giải quyết thấu đáo từng trường hợp, nhằm sớm khắc phục hậu quả và tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, đời sống và sinh hoạt…” |
Theo Hoài Nam
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|