Sóng ngầm thay chủ ở các ngân hàng thương mại
Cổ phiếu NH èo uột do ảnh hưởng chung của TTCK. Tuy nhiên, thị trường chuyển nhượng cổ phiếu ngành này vẫn âm thầm sôi động những tháng qua. Tại một số NHTM nhỏ đã thực sự “thay ngôi đổi chủ” ở thế bị động lẫn chủ động.
Chốt lời lẫn thâu tóm
Đầu năm nay ông T., Chủ tịch HĐQT của NH A. (đại diện vốn góp của một doanh nghiệp kinh doanh vàng) vẫn được cổ đông tín nhiệm bỏ phiếu giữ cương vị HĐQT trong nhiệm kỳ 2011.
Đến giữa năm NH này tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng bằng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư mới là một công ty đầu tư tài chính trong nước sau thời gian chào bán cho cổ đông hiện hữu thất bại.
Việc thành lập mới NH hiện nay không đơn giản nhưng không ít nhà đầu tư coi đây là cơ hội làm ăn. Những nhà đầu tư này bỏ tiền mua cổ phần nhằm thôn tính một NH nào đó để bán lại. Tình trạng này đã từng xảy ra với NH cổ phần nông thôn rồi chuyển hóa thành NH cổ phần đô thị. Những hoạt động này về pháp luật không sai nhưng đã biến NH như một món hàng hóa chứ không phải đầu tư, xây dựng thương hiệu, chăm chút để có được những NH mạnh cả về quy mô và chất lượng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia |
Không lâu sau đó ông N. đại diện vốn góp mới đã yêu cầu họp ĐHCĐ bất thường và “soán ngôi” ông T. thông qua việc gia tăng nhóm cổ đông liên quan ủy quyền cho mình. Ngay sau khi lên chức HĐQT, ông N. chứng tỏ ngay quyền lực thông qua việc thay đổi “dàn khung” lãnh đạo điều hành.
Trao đổi với ĐTTC, ông T. cho biết dù đã lường trước tình huống này nhưng vẫn “sốc” vì ông đã gắn bó và gầy dựng NH A. từ ngày đầu, dù trong quá trình hoạt động, áp lực hoàn thành mục tiêu tăng vốn theo quy định của NHNN đã làm biến động nhân sự, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của NH.
Khác với NH A. trường hợp thay chủ ở NH L. lại ở thế chủ động. Ông K. chủ thực sự của NH L. sau một thời gian dài đầu tư, nắm cổ phần chi phối gần như tuyệt đối ở L. mới quyết định chuyển nhượng gần hết cổ phần cho đối tác khác.
Mặc dù TTCK èo uột nhưng giá chuyển nhượng không hề rẻ. Giới tài chính còn kháo nhau ông K. sẽ còn chốt lời bằng việc bán bớt cổ phần của NH B. và NH D. mà ông đầu tư trước đây. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không ít đến hoạt động quản trị của các NHTM này.
Ở một diễn biến khác, NH S. vốn trước đây là tâm điểm của thị trường về những tin đồn đang bị một “đại gia” bất động sản âm thầm thâu tóm thông qua việc gom cổ phiếu S. giá rẻ trên sàn chứng khoán, nay thông tin NH này tiếp tục có khả năng bị thâu tóm lại rộ lên. Nguồn tin lần này cho rằng hoạt động gom mua cổ phiếu S. trên thị trường khá quyết liệt.
Minh chứng cho điều này giao dịch thỏa thuận trên sàn chứng khoán của NHTM này gần đây diễn ra với khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, mới đây trao đổi với ĐTTC, Chủ tịch HĐQT NH S. bác bỏ khả năng này và cho biết nhóm cổ đông đại diện của ông vẫn nắm giữ trên 35% cổ phần NH và đang tiếp tục củng cố nên khó bị thâu tóm.
Trước đó, NH G. vì áp lực thoái vốn của các cổ đông doanh nghiệp nhà nước cũng đã phải bán cổ phần cho quỹ đầu tư V. Ngày 3-11 NH này tổ chức ĐHCĐ để đổi tên giống tên của quỹ đầu tư trên. Có thể thấy việc mua bán cổ phần NH là bình thường, nhưng với một số trường hợp mua bán với khối lượng lớn đã dẫn đến thay đổi người quản trị NH.
Nhiều chuyên gia dự đoán sự “thay ngôi đổi chủ” ở lĩnh vực NHTM sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hơn không chỉ vì xu hướng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước ở NH sẽ mạnh hơn, mà còn vì nhiều ông chủ NH bị “dính” vào bất động sản, chịu áp lực nợ nần lớn buộc phải bán bớt cổ phần để xử lý nợ.
Rủi ro quản trị
Theo một chuyên gia NH, các hoạt động mua bán cổ phần được diễn ra theo quy định của pháp luật, trong đó có hai dạng. Một là những nhóm cổ đông muốn sở hữu NH đã tự thâu tóm cổ phần để sau đó điều hành NH. Hai là một nhóm người chuyên đi mua, sau đó bán lại cho những người muốn sở hữu NH.
Tuy nhiên, hoạt động này có thể dẫn đến những tiêu cực cho cả người mua để bán lại và người mua lại NH. Về phía người đầu tư, họ mua chỉ nhằm mục đích bán lại giấy phép NH vì thế không thể có những chiến lược phát triển lâu dài cho NH.
Vì lợi nhuận nên chấp nhận bán cổ phần cho những ai trả giá cao nhất, thanh toán tốt nhất, vì thế ở một số trường hợp đã không chọn được những người chủ mới có trình độ quản trị chuyên nghiệp để có thể quản lý tốt NH.
Còn những ông chủ mới của NH cổ phần cũng bị sức ép phải có lợi nhuận để thu hồi vốn đã bỏ ra, từ đó đã đưa ra những định hướng hoạt động vượt quá khả năng của NH.
Việc một số NH tăng trưởng tín dụng nóng bằng nguồn vốn vay của NH bạn thay vì từ nguồn vốn huy động trong dân cư là một trong những thí dụ điển hình về quản trị thiếu chuyên nghiệp của một số ông chủ NH.
Hoạt động NH khác với doanh nghiệp, có yêu cầu cao hơn nên phải cần những cổ đông, nhà đầu tư không chỉ có tiềm lực tài chính, tâm huyết mà cả kinh nghiệm quản trị để phát triển NH. Trong quá trình mua/bán cổ phần, thay đổi chủ sở hữu tại NH vừa qua ít được chú ý đến.
Vì vậy, khi đặt vấn đề tái cơ cấu NH, cũng cần mạnh dạn sắp xếp lại hệ thống NHTM bằng việc loại bỏ các nhóm lợi ích, kiên quyết không chấp nhận những ông chủ NH thiếu kinh nghiệm hoặc đầu tư vào NH vì những tính toán riêng.
Luật pháp nên trao cho NHNN những quyền hạn lớn để thực hiện được các mục tiêu, có được những người quản trị NH tâm huyết, kinh nghiệm, đưa hệ thống NHTM tăng trưởng bền vững an toàn, tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường tiền tệ.
Theo Thanh Như
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|