Nhà Phú Mỹ Hưng “kẹt thuế”
Nếu xác định thời điểm công chứng để tính tiền sử dụng đất thì số tiền người dân phải nộp cao gấp 2 đến 8 lần so với thời điểm mua bán giữa hai bên
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc nộp tiền sử dụng đất của người dân ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7 – TPHCM hoàn thành trước ngày 30-6-2011 sẽ được hưởng ưu đãi theo khung giá đất cũ. Sau đó, UBND TP đã xin gia hạn đến ngày 9-12-2011, dù hạn chót đã cận kề song vẫn còn gần 1.000 trường hợp bị kẹt hồ sơ tại cơ quan thuế và các cơ quan khác.
Lỗi do chậm công chứng
Mới đây, nhiều hộ dân tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng khi đi làm thủ tục nộp tiền sử dụng đất tại cơ quan thuế đã hết sức bất ngờ khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về số tiền phải nộp cao gấp nhiều lần số tiền mà họ ước chừng phải nộp theo những chính sách mà Nhà nước đã ban hành. Theo đó, số tiền mà họ phải nộp cao từ 2 đến 8 lần so với khung giá đất tại thời điểm họ mua nhà trước đây.
Hiện có 955 trường hợp đang nằm tại Chi cục Thuế quận 7 và các cơ quan chức năng khác, chưa thể nộp tiền sử dụng đất. Nguyên nhân là do hầu hết các hộ dân này làm hợp đồng mua bán với chủ đầu tư trước thời điểm tháng 1-2006, nhưng mãi đến 2 - 3 năm sau mới đi công chứng. Chính vì thế, nếu áp dụng bảng giá đất tại thời điểm công chứng hợp đồng mua bán nhà đất thì các hộ dân này phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần so với giá ở thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Theo thông báo mới nhất của Chi cục Thuế quận 7, căn cứ bảng giá đất năm 2009 (thời điểm công chứng hợp đồng mua bán căn hộ) để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất và giá đất đường Nguyễn Văn Linh ở thời điểm này là 13,2 triệu đồng/m2 và số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 183 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tính tại thời điểm hai bên ký hợp đồng mua bán căn hộ thì giá đất đường Nguyễn Văn Linh chỉ 5,3 triệu đồng/m2, số tiền phải nộp chỉ có 73 triệu đồng.
Sẽ xem xét lại?
Qua tìm hiểu tại cơ quan thuế, cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc đóng tiền sử dụng đất tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, trong công văn này chưa nói rõ những trường hợp mua bán nhà đất trước ngày 1-7-2006 (thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực) thì căn cứ theo hợp đồng công chứng hay hợp đồng mua bán với chủ đầu tư để tính tiền sử dụng đất. Trong khi theo hướng dẫn của UBND TP, đối với các hợp đồng mua bán ký trước ngày 1-7-2006 phải có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan thẩm quyền. Điều này có nghĩa dù khách hàng và chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà đất trước ngày 1-7-2006 nhưng việc công chứng hợp đồng diễn ra sau thời gian trên thì căn cứ theo thời gian công chứng hợp đồng để tính tiền sử dụng đất. Chính điều này đã dẫn đến việc kẹt hồ sơ tại cơ quan thuế.
Vào đầu tháng 11-2011, Cục Thuế TPHCM đã có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về việc xác định thời điểm để tính tiền sử dụng đất đối với các trường hợp trên và đang chờ ý kiến của bộ. Trong thời gian chờ ý kiến của Bộ Tài chính, Chi cục Thuế quận 7 cho biết đã tạm dừng thông báo hoặc thu tiền sử dụng đất đối với người ký hợp đồng trước ngày 1-7-2006. Như vậy, với gần 1.000 trường hợp trên có được xem xét lại bởi thời gian hết hạn giải quyết tính tiền theo bảng giá đất cũ đang đến gần là câu hỏi còn treo lửng lơ.
Bộ Tư pháp ủng hộ đóng theo thời điểm ký hợp đồng
Bộ Tư pháp trong công văn gửi Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng vào ngày 14-9-2011 cho rằng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn trên là tạo điều kiện thuận lợi và hợp lý cho khách hàng của Phú Mỹ Hưng đóng tiền sử dụng đất theo thời điểm khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư. Do vậy, thời điểm tính tiền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được hiểu là thời điểm ký hợp đồng ban đầu giữa chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, hướng dẫn ở trên chỉ mang tính tham khảo, bởi quyền tháo gỡ khúc mắc này thuộc về Bộ Tài chính.
T.Hợp |
Hoàng Lan
người lao động
|