Thứ Ba, 29/11/2011 07:45

Ngược - xuôi lo xuất khẩu

Với tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 87,16 tỷ USD, năm nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa kế hoạch. Nhưng nhìn ngược, nhìn xuôi, thì cũng chưa phải đã hết lo.

Nỗi lo đầu tiên ở chính đơn hàng cho năm tới, mà hiện thời, nhiều doanh nghiệp cho là “rất khó”. ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty Giày Gia Định cho biết, bằng thời gian này năm ngoái, phần lớn các doanh nghiệp ngành da giày đã có đơn hàng cho quý I năm sau. Song năm nay, mới chỉ có vài đơn hàng lẻ tẻ của các khách hàng châu Âu, dù đã rất tích cực tiếp thị ở các thị trường mới.

đây không chỉ là câu chuyện của riêng Giày Gia Định, mà của khá nhiều doanh nghiệp Việt. Điều đó cho thấy, xuất khẩu năm tới không hẳn sẽ thuận buồm xuôi gió như năm nay. Chính ông Paul Gruenwald, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, khi đề cập tình hình xuất khẩu của các nước châu Á năm 2012, cũng đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan. Theo ông này, tốc độ hồi phục chậm chạp của nền kinh tế Mỹ, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn diễn biến phức tạp là lý do chính ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu trong năm tới và các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á sẽ gặp nhiều rủi ro.

“Hai thị trường lớn là Mỹ và EU vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nên lượng hàng dệt may xuất khẩu sang những thị trường này dự báo sẽ khó tăng”, ông Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên thừa nhận khi lý giải cho việc ký đơn hàng năm 2012 khá chậm chạp.

Nỗi lo của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) còn là xu hướng giảm giá đơn hàng. “Điều này có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản giảm 10-15% so với năm 2011”, ông Giang lo lắng.

Sẽ chưa thể nói trước điều gì cho năm 2012, bởi cuối năm ngoái, khi xây dựng kế hoạch năm 2011, Quốc hội chỉ “quyết” tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 11%. Nhưng thực tế, sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 87 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và dự báo cả năm sẽ đạt 95 tỷ USD, tăng 31,6% so với năm 2010, vượt xa kế hoạch (tăng 10%). Dệt may, da giày, gạo… và năm nay, đặc biệt có điện thoại di động, là những mặt hàng có đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, thì đầu tháng 12 tới, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh sẽ tổ chức lễ kỷ niệm đạt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD. Đây là động lực chính góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại di động trở thành điểm sáng trong xuất khẩu Việt Nam năm 2011.

Không thể phủ nhận sức cộng hưởng rất lớn của yếu tố tăng giá, song rõ ràng, nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam rất đáng ghi nhận. Đáng ghi nhận hơn, khi cán cân thương mại năm nay đã được thu hẹp đáng kể giữa hai đầu nhập - xuất.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 11 tháng, nhập siêu của Việt Nam đang ở mức 8,9 tỷ USD, bằng hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo cả năm, con số này sẽ vào khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xét về mặt cân bằng cán cân thương mại, đây là những con số khá lý tưởng, phản ánh nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong kiềm chế nhập siêu. Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi bình luận về điều này lại đặt câu hỏi ngược lại rằng, thành tích giảm nhập siêu do sản xuất suy giảm hay do chính sách?

Trên thực tế, ông Thiên không phải là chuyên gia đầu tiên đặt dấu hỏi về việc liệu giảm nhập siêu có phải do suy giảm sản xuất. Những khó khăn trong sản xuất công nghiệp những tháng gần đây khiến dư luận dường như thêm căn cứ để tin vào nhận định này. Bởi thế, dù nhìn xuôi về năm 2012, hay nhìn ngược về 2011, thì vẫn có căn cứ để quan ngại về xuất nhập khẩu, cũng như cán cân thương mại của Việt Nam.

“Chúng tôi không kỳ vọng rằng, thâm hụt thương mại sẽ giảm xuống đáng kể vì Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc vào máy móc, xăng dầu và các đầu vào nhập khẩu khác phục vụ xuất khẩu”, ông Paul Gruenwald nói.

Xét trên khía cạnh này, khi nỗ lực kiềm chế nhập siêu của Việt Nam chưa động được đến vấn đề cốt lõi nhất, khi “thành tích” nhập siêu vẫn còn khá bấp bênh, thì TS. Trần Đình Thiên hoàn toàn có lý, khi một lần nữa đặt ngược câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới mà Quốc hội vừa thông qua: “Mục tiêu là tăng trưởng xuất khẩu 13%, nhưng thâm hụt thương mại chỉ tương đương năm 2011, nghĩa là tăng trưởng nhập khẩu sẽ chậm hơn nhiều. Đầu vào nhập khẩu mà tăng chậm, thì sẽ tác động đến tăng trưởng GDP theo hướng nào?”.

Câu hỏi này, rõ ràng rất đáng lưu tâm.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Đặt tên doanh nghiệp theo kiểu ngược (29/11/2011)

>   "Cầu cứu" nước ngoài mua lại dự án BĐS (29/11/2011)

>   Khoản lỗ 1.800 tỷ và 'vở kịch' tại Petrolimex (29/11/2011)

>   30 DN xứng đáng gia nhập Câu lạc bộ 1 tỷ USD (29/11/2011)

>   Gần dân! (29/11/2011)

>   Đón “sóng” từ hầm Thủ Thiêm (29/11/2011)

>   Doanh nghiệp khẳng định hàng Tết dồi dào (28/11/2011)

>   Kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt tới 1, 6 tỷ USD (28/11/2011)

>   Bộ Tài chính: Chưa tăng giá xăng dầu, chỉ trích quỹ bình ổn giá (28/11/2011)

>   Petro Vietnam thu gần 160 tỷ USD trong 50 năm (28/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật