Lãnh đạo doanh nghiệp sợ cổ đông
Sự suy giảm quá mạnh của giá cổ phiếu đang khoét những cái hố rất sâu, rất rộng giữa ban điều hành DN và các cổ đông lớn. Vì vậy, với lãnh đạo các DN, khi môi trường kinh doanh gặp nhiều trắc trở, giữ cho "ngoài êm" đã khó, để cho "trong ấm" cũng là phần việc đòi hỏi nhiều tâm sức và không ít áp lực.
Cổ đông CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS) đã không thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2011 theo tờ trình được DN này lấy kiến bằng văn bản. Lý do là số phiếu thu về chỉ đạt 51,05% tổng số phiếu biểu quyết, không đủ số lượng theo quy định. Trước đó, Công ty xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 1.233 tỷ đồng xuống 1.001 tỷ đồng, tương ứng giảm 19%. Lợi nhuận trước thuế điều chỉnh xuống 142,5 tỷ đồng, giảm 49 tỷ đồng so với kế hoạch.
Một trường hợp khác, cổ đông CTCP Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu (VRC) cũng không thông qua việc điều chỉnh doanh thu xuống còn 153 tỷ đồng, giảm 46,3% so với kế hoạch; 33,75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 59,3% so với kế hoạch. Theo kết quả lấy ý kiến cổ đông của công ty này, tỷ lệ tán thành chỉ đạt 19,94%.
Việc xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đã được nhiều công ty thực hiện, thậm chí có DN như CTCP Bất động sản Phát Đạt mới đây còn thông báo điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận chỉ còn 2% so với chỉ tiêu ban đầu.
Không khó để hiểu được việc xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là bất đắc dĩ, bởi tình cảnh của các DN đang rất khó khăn. Song nhiều cổ đông không tán thành cách làm đó và băn khoăn với động cơ xin giảm kế hoạch năm của HĐQT các công ty.
Một số ý kiến còn cho rằng, việc xin điều chỉnh giảm kế hoạch là nhằm đảm bảo chế độ lương thưởng cho các chức danh lãnh đạo trong công ty và để tránh những cuộc chất vấn nảy lửa trong các kỳ ĐHCĐ đầu năm tới.
Sự suy giảm quá mạnh của giá cổ phiếu đang khoét những cái hố rất sâu, rất rộng giữa ban điều hành DN và các cổ đông lớn. Đã có DN khi HĐQT ra nghị quyết xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cổ đông lớn viết thư bày tỏ sự bực dọc, đồng thời tuyên bố thẳng rằng, sẽ không bỏ phiếu thông qua. Thậm chí, từ sự bực dọc vì kết quả hoạt động của DN không như ý, có cổ đông lớn chuyển sang sách nhiễu, làm ảnh hưởng tới sự tập trung của ban điều hành vốn đang vất vả chèo lái con thuyền DN vượt qua khó khăn.
Cũng có DN mà ở đó, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn được đẩy lên đỉnh điểm. Sự tranh giành quyền lợi và quyền lực này đã đẩy DN đến bờ vực suy yếu, trực tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ khác. Câu chuyện chưa có hồi kết tại Sudico là một ví dụ.
Từ những trường hợp cụ thể của DN hiện nay để thấy rằng, nếu như trước đây, công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) là một khái niệm khá xa lạ với nhiều DN, thì nay, càng trong giai đoạn khó khăn, nó càng phải được coi trọng.
Quan hệ với cổ đông, đặc biệt, với các nhà đầu tư tổ chức, đóng vai trò cốt lõi và lâu dài tại DN đang trở nên ngày càng phức tạp, nhất là khi hầu hết cổ đông đều đang mang trên vai gánh nặng của sự thua lỗ.
Trong khi đó, tiếng nói của các tổ chức đầu tư, nhất là những tổ chức sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần tại DN có vai trò quan trọng đối với các vấn đề cần sự biểu quyết của cổ đông. Vì vậy, với lãnh đạo các DN, khi môi trường kinh doanh gặp nhiều trắc trở, giữ cho "ngoài êm" đã khó, để cho "trong ấm" cũng là phần việc đòi hỏi nhiều tâm sức và không ít áp lực.
Phong Lan
đầu tư chứng khoán
|