Hụt nguồn cung, gạo thơm cao giá
Thị trường gạo thơm đang có đợt tăng giá khá mạnh. Khảo sát thị trường bán lẻ tại TP.HCM cho thấy, nguồn cung gạo thơm không còn dồi dào như một vài tháng trước, giá tăng ít nhất 2.000 – 4.000 đồng/kg. Hiện nay, để mua được loại gạo cơm dẻo, mềm, thơm, ngon thì các bà nội trợ phải trả ít nhất từ 20.000 đồng/kg trở lên...
Sáng 13.11, vựa gạo Hải Long trước cổng chợ Bắc Ninh, Thủ Đức bán loại gạo thơm Lài Sữa, Tài Nguyên, Đài Loan với giá từ 18.000 – 26.000 đồng/kg. Ông Long, chủ cửa hàng bảo rằng đây là gạo từ vụ đông xuân, để lâu ngày cơm không thơm, dẻo, mềm như gạo mới. Vì vậy, bà nội trợ nào muốn ăn cơm dẻo, mềm, thơm thì nên mua gạo vừa xay từ lúa thơm sản xuất vụ thu đông. Kéo ra một bao gạo Lài sữa, ông Long vọc tay bốc lên một vốc giải thích: gạo mới có hạt trắng, đều, ít gãy và đặc biệt là vẫn còn thoang thoảng mùi thơm, nhưng là giá 20.000 đồng/kg, cao hơn gạo cũ 2.000 đồng…
Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh gạo tại khu vực quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh…, hầu hết các loại gạo thơm đang có giá khá cao. Người bán cho biết gạo thơm trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, tăng giá từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Nhìn vào bảng giá niêm yết các loại gạo thơm ở tất cả cửa hàng, sạp kinh doanh không còn loại nào có giá dưới 16.000 đồng/kg như cách nay một tháng, tất cả đều tăng lên trên 17.000 đồng. Theo người bán, nếu có chỗ nào bán gạo thơm dưới 16.000 đồng thì gạo đó đã bị trộn lẫn thêm gạo ngang (5% tấm), cơm nấu ra thường cứng, phải đổ nhiều nước và không ngon, ít mùi thơm. Bà Hải Khuyên, chủ vựa gạo trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, cho biết thời gian gần đây giá gạo thơm tăng nhanh, hiện giờ người tiêu dùng phải mua từ 18.000 – 26.000 đồng/kg mới có gạo ngon để ăn.
Tình trạng lúa thơm khan hiếm còn xuất phát từ nguyên nhân năm nay doanh nghiệp sử dụng vào mục đích xuất khẩu nhiều hơn các năm trước. Theo thống kê từ hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng gạo thơm xuất khẩu mười tháng đầu năm 2011 tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, đạt xấp xỉ 400.000 tấn. Thị trường có nhu cầu, giá bán trên 700 USD/tấn, cao hơn trung bình khoảng 150 – 200 USD so với gạo thường đã khuyến khích doanh nghiệp gom gạo thơm đem xuất khẩu. |
Qua tìm hiểu, giới kinh doanh gạo phân tích nguyên nhân gạo thơm tăng giá là do đang vào mùa giáp hạt, nguồn cung không dồi dào như trong vụ đông xuân. Thông thường, theo người bán, từ quý 4 năm trước đến hết quý 1 năm sau, thị trường bán lẻ tại TP.HCM nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung sử dụng gạo thơm từ các giống lúa (Jasmine, VD Jasmine, KDM (hương lài, thơm lài, lài sữa), Hommali (giống lúa nhập từ Thái – thơm Thái), giống lúa Đài Loan (VD – Việt Đài – gạo thơm Đài Loan) và một vài giống dòng ST, OM trồng ở Sóc Trăng được sản xuất từ vụ đông xuân dự trữ lại. Ngoài ra, cũng trong thời điểm này, còn có một số ít địa phương sản xuất lúa thơm vụ ba (Tài nguyên, Lài sữa, Jasmine), thu hoạch từ tháng 10 đến hết tháng 12. Trong trường hợp nguồn cung nội địa bị hụt thì có thêm nguồn lúa nhập khẩu từ Campuchia, sản lượng khoảng 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, không như quy luật, năm nay do lãi suất quá cao, giới kinh doanh gạo không dám dự trữ nhiều gạo thơm. Hơn nữa, dù đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng nguồn lúa từ Campuchia lại về khá ít. Chính vì vậy, lúc này thị trường đang có dấu hiệu khan hiếm lúa thơm. Ông Đoàn Hữu Gặp, thương lái ở Chợ Gạo, Tiền Giang cho hay hiện nay chỉ còn một số huyện ở An Giang có lúa jasmine đang thu hoạch. Dự kiến từ nay đến khoảng cuối tháng 11 và hết tháng 12 có thêm một ít diện tích lúa thơm ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An. Nếu không có sự bổ sung thêm nguồn lúa thơm Campuchia thì nguồn cung sẽ hụt nhẹ, kéo theo giá tăng.
Tại các tỉnh miền Tây, giá lúa thơm đang đứng ở mức khá cao, trên 10.000 đồng/kg; quy ra giá thành gạo bán sỉ tại nhà máy xay xát vào khoảng 16.000 – 17.000 đồng/kg. Một số thương lái khác cũng thông tin năm nay họ phải túc trực ở biên giới để mua vét từng tấn lúa thơm Lài Sữa từ Campuchia, với giá lúa tươi từ 7.500 – 8.000 đồng/kg để bán cho các nhà máy xay xát cung cấp thị trường nội địa. Lũ lụt là nguyên nhân khiến lúa nhập từ Campuchia trở nên khan hiếm. Mọi năm từ tháng 10 đến tháng 12, theo giới thương lái, lúa thơm có thời gian sinh trưởng sáu tháng ở Campuchia nhập về bộn bề. Phần dùng để tiêu thụ nội địa lúc giáp hạt, phần còn lại bổ sung vào xuất khẩu.
Hoàng Bảy
sài gòn tiếp thị
|