George Soros kêu gọi ECB dừng chương trình trái phiếu và thiết lập trần lợi suất
Soros tin rằng ECB là tổ chức duy nhất có thể giải quyết được khủng hoảng nợ
(Vietstock) – Nhà đầu tư tỷ phú George Soros cho rằng thị trường trái phiếu Eurozone đang đối mặt với tình huống tương tự như hệ thống ngân hàng trong năm 2008. Ông muốn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin.
|
Nhà đầu tư tỷ phú George Soros |
“Vì các nhà điều hành vẫn còn xem trái phiếu Chính phủ là nòng cốt an toàn của hệ thống tài chính nên vòng luẩn quẩn này đang đe dọa đến sự ổn định của các tổ chức tài chính không chỉ tại Eurozone mà còn tại các khu vực khác trên thế giới”, ông Soros nhận định trong một bài báo với tác giả Peter Bofinger thuộc Trường Đại học Würzburg trên tờ Financial Times.
Theo ông Soros nếu ECB không can thiệp, áp lực suy thoái sẽ tăng cao và khiến tình hình trên thị trường trái phiếu ngày càng tồi tệ.
Với việc Đức và Thủ tướng Angela Merkel không sẵn lòng chấp nhận việc phát hành trái phiếu chung (Eurobond) và thị trường không xem Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) là một cơ chế đáng tin cậy để vực dậy niềm tin trên thị trường trái phiếu, Soros tin rằng ECB là tổ chức duy nhất có thể giải quyết được khủng hoảng nợ.
Ông viết: “Hệ thống tài chính đang thử thách ECB và muốn biết những gì được phép thực hiện”. Theo ông, điều bắt buộc lúc này là ECB không được thất bại trong cuộc thử thách tiếp theo.
Ông cho biết thêm: “ECB phải ngừng chương trình trái phiếu bằng bất cứ giá nào vì điều này đang đe dọa đến sự ổn định của đồng tiền chung. Cách tốt nhất trong ngắn hạn là áp đặt mức trần lợi suất đối với số trái phiếu được phát hành bởi các Chính phủ có chính sách tài khóa đáng tin cậy và không phụ thuộc vào các chương trình điều chỉnh”.
Nếu muốn cố định lợi suất trần ở mức 5% và sau đó dần hạ thấp chi phí vay mượn khi các điều kiện cho phép, ECB phải chuẩn bị mua vào một lượng trái phiếu không xác định cho đến khi thị trường ý thức được rằng ECB sẽ bảo vệ các mức lợi suất quan trọng.
Ông cho biết: “Thông thường, các ngân hàng trung ương chỉ cố định lãi suất ngắn hạn nhưng lúc này không phải là giai đoạn bình thường. Vốn được xem là không rủi ro và vẫn được các nhà điều hành coi là an toàn nhưng trái phiếu Chính phủ đã trở thành tài sản rủi ro nhất”.
“Trái phiếu Chính phủ Ý và Tây Ban Nha được đánh giá là rủi ro đến mức không thể mua vào với lợi suất 7% vì số trái phiếu này được xem như tài sản độc hại và lợi suất có thể dễ dàng tăng lên 10%. Tuy nhiên, các trái phiếu tương tự sẽ trở thành một kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn trong môi trường giảm phát với lợi suất 4% khi rủi ro quá mức bị loại bỏ thông qua việc áp dụng mức trần lợi suất 5%”, Soros viết.
Khó khăn đối với những người ủng hộ kế hoạch trên là việc Ngân hàng trung ương Đức và Chính phủ Đức vẫn còn khăng khăng phản đối việc ECB mua vào một lượng trái phiếu không xác định.
Soros cho biết: “Nên xem trần lãi suất là một biện pháp khẩn cấp. Trong trung hạn, điều này khuyến khích các nhà chính trị bãi bỏ các kỷ luật tài chính”.
Phạm Thị Phước (Theo CNBC)
|