Doanh nghiệp thép: Khó khăn chồng chất
Với thực trạng tồn kho khoảng 500.000 tấn và việc tiêu thụ liên tục “xuống dốc không phanh”, từ mức 480.000 tấn trong tháng 8, đã giảm 100.000 tấn vào tháng 9 và trong tháng 10 chỉ đạt xấp xỉ 300.000 tấn, ngành thép đang trong tình trạng “chợ chiều”.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) cho biết tăng trưởng ngành thép đang ở mức... âm 7,69%, 20% DN thép đang rất khó khăn, cần phải tái cơ cấu nếu không muốn bị phá sản vào năm 2012.
“Bán mình” để... trả nợ
Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại chưa có DN nào chính thức công bố phá sản, song với những khó khăn hiện tại, cộng với khoản lãi ngân hàng đã khiến nhiều DN lâm vào cảnh “đường cùng” là phải rao bán tài sản để trả nợ. Điển hình trong số này là Cty thép Vạn Lợi, mới đây ngày 18/10/2011, tại Đại hội cổ đông bất thường, DN này đã thông qua việc bán tài sản Cty để thực hiện việc trả các khoản nợ cho ngân hàng và các chủ nợ.
Theo ông Cường, với tình hình giá thép liên tiếp giảm như hiện nay cộng với “bài ca” muôn thủa: “Đầu năm lãi lớn, cuối năm âm vào” của ngành trước sau gì các DN cũng sẽ phải “ra đi”. Cụ thể hiện nay, ngành thép đang đối mặt với lượng hàng tồn kho ở mức cao, hiện khoảng 500.000 tấn, gấp đôi lúc bình thường. Tình trạng này đang diễn ra ở những DN thép mới ra đời, đang chịu chi phí lãi vay lớn, trong khi hàng làm ra không tiêu thụ được. Giá thép bán tại nhà máy không kể thuế giá trị gia tăng khoảng 15 triệu đồng/tấn; giá phôi trên 14 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, để hòa vốn, DN phải bán được 15,5 triệu đồng/tấn. “Điều đó có nghĩa là DN đang chịu lỗ. Nếu 3 tháng nữa, tình hình vẫn không đổi, toàn bộ số lãi từ đầu năm sẽ trở về 0 hoặc âm” - Ông Cường khẳng định.
Lẽ thường tình, khi làm ăn kinh doanh có lãi thì không sao, nhưng hễ kinh doanh khó khăn thì các DN thường tìm đủ mọi cách để bán cho bằng được hàng hoá của mình. Đã vậy “hoạ vô đơn chí”, khi thép trong nước đang gặp khó thì phía xuất khẩu, 2 sản phẩm chính là thép cuộn cán nguội xuất sang Indonesia đã bị kiện bán phá giá, ống thép mới đây nhất cũng bị kiện bán phá giá tại Mỹ. Không dừng lại ở đó, có thể sản phẩm tráng tôn, mạ kẽm cũng bị kiện.
DN phải tự cứu mình
Trước những khó khăn của ngành thép, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, thời gian tới chắc chắn ngành thép sẽ vẫn còn gặp khó khăn, cần hướng tháo gỡ, song DN phải chủ động tháo gỡ chứ không chờ ai khác. Dĩ nhiên, Chính phủ và Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp đỡ về mặt chính sách, nhưng bản thân các DN phải tự thân vận động là chính.
Đồng tình với quan điểm này của Bộ Công Thương, nhiều DN cho biết bản thân họ cũng đang “gồng mình” để vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Bằng chứng là nhiều DN đã phải tự tiết giám sản lượng và tự tìm các giải pháp đối phó với tình thế. Ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, DN đứng thứ hai về sản lượng thép trong nước cho biết, DN này đã phải cắt giảm 20% công suất do khó khăn thị trường.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Văn Tòng - Chủ tịch Cty Gang thép Thái Nguyên cũng cho hay, tiêu thụ thời gian qua của đơn vị chỉ bằng 70-71%. DN buộc phải giảm giá thành, từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được tới 150 tỉ đồng so với giá thành kế hoạch.
Bên cạnh những việc tự thân vận động của mình, các DN cũng mong muốn Chính phủ cần có những biện pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để giảm lượng nhập khẩu, chống gian lận thương mại từ Trung Quốc và hạn chế xuất quặng sang nước này.
Các chuyên gia cho rằng, ngành thép cần tính tới việc lập hàng rào kỹ thuật phù hợp với đặc thù trong nước, để cạnh tranh được với thép nhập khẩu. Điều này ở nhiều nước cũng đã thực hiện. Ngoài ra, trước những khó khăn về tiêu thụ cũng như sự đầu tư ồ ạt, ngành thép cần tính tới giải pháp tái cơ cấu, trong đó giải pháp mua bán, sáp nhập là một giải pháp tốt vì chỉ có những nhà đầu tư có năng lực mới có đủ khả năng tài chính vực dậy các DN làm ăn kém hiệu quả, chẳng hạn như thương vụ Thép Đình Vũ bán 70% nợ cho nhà đầu tư của Australia là một ví dụ.
Quốc Anh
diễn đàn doanh nghiệp
|