Thứ Năm, 24/11/2011 09:22

Doanh nghiệp đau đầu lập kế hoạch 2012

Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp đang trở nên khó khăn hơn lúc nào hết do tình hình khó khăn và sự thay đổi quá nhanh của môi trường kinh doanh.

Năm 2011 sắp qua đi, nhưng vẫn có những DN xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó, không ít DN từ kế hoạch lãi lớn chuyển sang kế hoạch kinh doanh… không lỗ. Sự thay đổi quá nhanh của môi trường kinh doanh so với những gì đã được hoạch định khiến DN trở tay không kịp. Và đó cũng là lý do khiến việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2012 trở nên khó khăn hơn lúc nào hết.

Bất động sản bế tắc

Nổi bật trong nhóm các DN bất động sản là CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí (PV Power land, mã PVL) với kế hoạch bán lại căn hộ đầu tư thứ cấp tại dự án Petro Vietnam Landmark gây “sốc”. Với việc giảm giá bán "sốc", PVL ước tính có thể lỗ khoảng 70 tỷ đồng. Những tưởng, việc bán căn hộ với giá hạ như vậy có thể sẽ giúp PVL thu hồi vốn nhanh, nhưng không, đến thời điểm này, PVL vẫn chưa bán hết số căn hộ tại dự án Petro Vietnam Landmark.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đàm Văn Hiền, Kế toán trưởng của PVL cho biết, đến thời điểm này, việc định hình kế hoạch kinh doanh trong năm 2012 vẫn còn khó khăn. Bất động sản gặp khó, trong khi PVL đã đầu tư khá nhiều vào BĐS, nên các dự án sẽ không dễ dàng để thực hiện tiến độ bán như đã lập kế hoạch ban đầu. "Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm tới, nhưng mọi việc vẫn phải phụ thuộc vào diễn biến của lãi suất và khả năng ấm lên của thị trường bất động sản", ông Hiền cho hay. Theo ông Hiền, điểm sáng mà PVL có thể kỳ vọng cho năm 2012 là dự án Nam Đàn, còn dự án PetroVietnam Green House ở Thủ Đức, TP. HCM có thể cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ bán hàng.

Bất động sản có lẽ là nhóm DN gặp khó khăn nhiều nhất trong việc hoạch định kế hoạch năm 2012. Tổng giám đốc một công ty niêm yết chia sẻ rằng, nếu đặt kế hoạch lỗ thì e ngại cổ đông không đồng ý, còn đặt kế hoạch lãi thì rủi ro, bởi công ty không biết có bán được hàng không, trong khi lãi vay thì vẫn phải trả đều đều. "Chỉ khi nào lãi vay giảm thì chúng tôi mới có hy vọng có doanh thu, chứ đừng nói đến lợi nhuận. Nhưng nói thế nào để cổ đông đồng ý đây, khi nhiều người chỉ thích nghe con số đẹp. Bây giờ, tìm được NĐT bên ngoài có tâm huyết theo cùng DN khó lắm", vị tổng giám đốc trên chia sẻ.

Không đầu tư bất động sản nhiều, nhưng lại có đặc thù gần giống các DN nhóm này, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (mã CII) cũng đang trong tình trạng nghe ngóng chính sách vĩ mô trước khi đưa kế hoạch năm sau. Ông Lê Quốc Bình, Phó TGĐ phụ trách tài chính của Công ty cho biết, ẩn số lớn nhất đối với hoạt động của CII chính là lãi suất. "Khi lãi suất lên cao, chi phí vốn sẽ lớn lên. Chưa kể, NĐT thứ cấp cũng đòi hỏi tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của họ khi đầu tư vào dự án cao lên tương ứng, nên giá bán của CII phải giảm đi. Và vì thế, lợi nhuận của Công ty sẽ bị giảm kép", ông Bình nói. Về quan điểm cá nhân, ông Bình hy vọng kinh tế vĩ mô năm 2012 sẽ tốt lên, nhưng không ai dám chắc được điều này. Và vì thế, phía CII dự kiến phải chờ thêm khoảng 2 - 3 tháng nữa, khi những chỉ báo vĩ mô rõ ràng hơn, thì mới có thể hoạch định kế hoạch cho năm tài chính 2012. "Mọi kế hoạch đưa ra lúc này đều có thể bị lạc hậu trong vòng mấy tháng nữa", ông Bình nhận xét.

DN sản xuất cũng băn khoăn

Năm 2011 là năm được mùa với các DN ngành cao su tự nhiên. Với mức giá cao su có lúc lên tới hơn 100 triệu đồng/tấn, lợi nhuận ngành cao su đã tăng lên đột biến. Nhưng năm 2012 lại là câu chuyện khác.

Để xây dựng kế hoạch cho năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã có công văn hướng dẫn các DN trực thuộc tính toán trên cơ sở ước tính mức giá bán năm tới khoảng 75 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường mủ cao su tự nhiên luôn là một ẩn số khó lường. Đợt lũ kéo dài ở Thái Lan khiến nhiều DN kỳ vọng giá cao su sẽ tiếp tục tăng cao, nhưng thực tế, đến ngày 21/11, giá bán mủ cao su đã giảm về mức 67 triệu đồng/tấn, xuất phát từ nguyên nhân khủng hoảng nợ công ở Thái Lan.

Với diễn biến này, cơ sở để lập kế hoạch cho năm 2012 chưa kịp định hình đã có nguy cơ trở nên lạc hậu. Và vì thế, các DN cao su cũng chưa biết nên đưa kế hoạch kinh doanh năm sau như thế nào cho hợp lý.

Ông Bùi Phước Tiên, Phó giám đốc tài chính, CTCP Cao su Hòa Bình (mã HRC) cho biết, do năm 2012, Công ty có kế hoạch trồng mới một phần diện tích cao su, nên ước sản lượng khai thác khoảng 2.300 tấn, thay vì 2.800 tấn của năm 2011. Nhưng kế hoạch kinh doanh của HRC thì vẫn phải chờ hướng dẫn từ Tập đoàn. "Kinh nghiệm các năm trước cho thấy, diễn biến giá mủ cao su sẽ rất khó lường và mọi kế hoạch đều có thể có sai số rất lớn", ông Tiên nhận xét.    

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   THV: Quý 3 lỗ hơn 26 tỷ đồng (24/11/2011)

>   SHI giải tỏa các thắc mắc của cổ đông (23/11/2011)

>   MCC được khai thác 5.34 ha cát tại Bình Dương (23/11/2011)

>   PGS: Giải thể 2 công ty và 4 chi nhánh (23/11/2011)

>   Chứng khoán APEC đóng cửa Chi nhánh Đà Nẵng (23/11/2011)

>   VinaCapital công bố danh mục đầu tư Tháng 10 (23/11/2011)

>   SBS bị nhắc nhở chậm nộp BCTC hợp nhất quý 3/2011 (23/11/2011)

>   HVG: 10 tháng lãi trước thuế vượt 10% kế hoạch (23/11/2011)

>   TIX: Lợi nhuận niên độ 2010-2011 vượt 6% kế hoạch (24/11/2011)

>   OCH: 9 tháng lãi trước thuế 108 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch (23/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật