Thứ Bảy, 19/11/2011 14:32

Đầu tư chéo ở các công ty: Dễ chi phối bởi lợi ích nhóm

Những cuộc đầu tư tài chính lẫn nhau trên thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp, mà chính cổ đông của công ty cũng khó theo dõi kịp quyền lợi của mình trong đó.

“Thành Thành Công tuy rút khỏi BHS nhưng quyền kiểm soát chi phối công ty vẫn còn đó”, một lãnh đạo BHS cho hay.

Hoạt động đầu tư qua lại phức tạp của nhóm công ty có liên quan đến Thành Thành Công 

Đầu tư chồng chéo

Sau chín tháng nắm giữ, công ty Thành Thành Công vừa bán 22,21% cổ phần tại công ty cổ phần Đường Biên Hoà (BHS), thoái vốn hoàn toàn ra khỏi công ty này. Tuy nhiên, tại đây, Thành Thành Công vẫn còn hai đại diện nằm trong HĐQT, bởi họ vẫn còn cổ phần thông qua công ty con là Bourbon Tây Ninh nắm giữ 22,72% vốn BHS. Hơn nữa, Sacombank, ngân hàng có liên quan đến Thành Thành Công, cũng nắm giữ 3 triệu cổ phiếu BHS, chiếm 10,01% vốn ở công ty này.

Bourbon Tây Ninh là công ty con của Thành Thành Công, hai công ty có liên quan đến Thành Thành Công là Đặng Huỳnh và công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng sở hữu cổ phiếu tại đây, lần lượt là 26,71% và 9,91%.

Hiện có bảy công ty thuộc ngành mía đường trên sàn giao dịch gồm BHS, SBT, NHS, SEC, KTS, LSS và S33 ở sàn UpCom thì sáu công ty thuộc sở hữu của Thành Thành Công và các công ty có liên quan.

Đồng thời, những công ty con này cũng đầu tư chéo nhau. Chẳng hạn, báo cáo tài chính quý 3 của BHS ghi nhận khoản đầu tư 41,2 tỉ đồng vào cổ phiếu Sacombank, 9 tỉ đồng vào công ty cổ phần giao dịch hàng hoá Sài Gòn Thương Tín.

Tương tự, công ty cổ phần đường Ninh Hoà (NHS) cũng bỏ tiền vào cổ phiếu Sacombank, giá trị tính đến 30.9 tổng cộng 78 tỉ đồng, vào Địa ốc Sacombank (SCR) 15,5 tỉ đồng, công ty cổ phần giao dịch hàng hoá Sài Gòn Thương Tín 19,5 tỉ đồng…

Rồi Đường Ninh Hoà chiếm 41,12% vốn ở S33, công ty chứng khoán Sacombank vừa mới bán 13 triệu cổ phiếu Bourbon Tây Ninh thu về khoảng 160 tỉ đồng…

Cổ đông có chịu thiệt?

Trước đó, thị trường chứng khoán cũng từng chứng kiến những cuộc đầu tư chéo tại Kinh Đô – Tribeco, CII và các công ty con, nhóm công ty “họ” Sông Đà… Tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại mỗi công ty cao thấp khác nhau, nhưng thông qua việc sở hữu chéo lẫn nhau, công ty mẹ giành được sự kiểm soát chi phối tại tất cả các công ty trong hệ thống.

“Đầu tư tài chính chồng chéo, công ty có thể bị chi phối bởi lợi ích của nhóm cổ đông chứ không phải là vì quyền lợi của toàn công ty. Cổ đông không rõ khi nào là quyết định phục vụ lợi ích công ty, lúc nào là lợi ích nhóm”.

Trong thương vụ thoái vốn BHS, bà Đặng Huỳnh Ức My, thành viên HĐQT, tổng giám đốc Thành Thành Công, không cho biết cụ thể lý do thoái vốn. “Việc bán cổ phần BHS là để tái cấu trúc danh mục, chiến lược đầu tư thay đổi theo từng thời kỳ”, bà cho hay. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo công ty BHS, ông chỉ biết việc thoái vốn thông qua thông tin từ sở Giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, liệu các cổ đông nhỏ lẻ có chịu thiệt khi tiền của công ty được đưa đi đầu tư lòng vòng. Báo cáo tài chính cho thấy, dự phòng giảm giá cho cổ phiếu Sacombank lấy mất 20 tỉ đồng của BHS, lấy đi 14,5 tỉ đồng của NHS. Hoặc tại CII, giảm giá đầu tư ngắn hạn tổng cộng gần 83,43 tỉ đồng, tăng mạnh so với đầu năm (9,4 tỉ đồng). Theo đó, tiền dự phòng giảm giá cổ phiếu là tiền lẽ ra thuộc về lợi nhuận mà cổ đông được hưởng.

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đầu tư tài chính chồng chéo có thể khiến sự minh bạch trong công ty không rõ ràng: “Đầu tư tài chính chồng chéo, công ty có thể bị chi phối bởi lợi ích của nhóm cổ đông chứ không phải là vì quyền lợi của toàn công ty. Cổ đông không rõ khi nào là quyết định phục vụ lợi ích công ty, lúc nào là lợi ích nhóm”.

Bên cạnh đó, nếu không được kiểm soát và quản trị chặt chẽ, các mối quan hệ đầu tư – vay mượn chéo dễ đổ vỡ dây chuyền. Chẳng hạn, CII là cổ đông của công ty chứng khoán HSC, lại được chính công ty chứng khoán này cho vay lại tiền, theo báo cáo quý 2 ghi nhận là 60 tỉ đồng.

Trong khi đã có quy định hạn chế đầu tư chéo giữa các công ty trong cùng tập đoàn nhà nước, thì giữa các công ty tư nhân, quy định này vẫn còn lỏng lẻo. Theo các chuyên gia, việc đầu tư chồng chéo không những khiến bong bóng tài sản, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn khiến quyền lợi cổ đông không được đảm bảo.

Hồng Sương

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   SBS: Giảm sàn 10 phiên liên tiếp do đang tái cấu trúc (18/11/2011)

>   “Đòi” Đại hội cổ đông khi chưa “trả lời” Chính phủ (18/11/2011)

>   Chưa xem xét trách nhiệm của kiểm toán vụ DVD (18/11/2011)

>   SJS có còn động lực? (17/11/2011)

>   ORS tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào 30/11 (16/11/2011)

>   XMC: Lên tiếng vụ bị cấm đấu thầu tại Quảng Ninh (16/11/2011)

>   XMC bị cấm đấu thầu tại Quảng Ninh (16/11/2011)

>   VPL có thể hoạt động theo hình thức Công ty TNHH MTV (15/11/2011)

>   SCL: 22/11 chốt quyền lấy ý kiến ngừng phát hành thêm (14/11/2011)

>   PTI chi 121 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm chảy nổ cho Dệt Hà Nam (14/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật