Cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp đường bộ
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng phương án CPH nốt toàn bộ các doanh nghiệp QLSC đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ VN. Các doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn này, cần phải kịp thời chuyển đổi để có thể tham gia đấu thầu công tác bảo trì đường bộ mà Tổng cục ĐBVN sẽ áp dụng rộng rãi.
|
Sẽ đấu thầu toàn bộ hoạt động quản lý bảo trì đường bộ |
Cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp đường bộ
Theo phương án vừa được trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ tiến hành CPH 21/22 doanh nghiệp đường bộ còn lại, trong đó có 1 doanh nghiệp nhà nước và 20 doanh nghiệp đang hoạt động với mô hình Công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước, hiện trực thuộc Tổng cục ĐBVN.
Đây là 21 doanh nghiệp có đủ điều kiện để tiến hành CPH. 1 doanh nghiệp nhà nước còn lại là Công ty Đường bộ 230, hiện không đủ điều kiện để CPH theo quy định của pháp luật, sẽ xử lý theo hình thức khác phù hợp. Tiến độ CPH được báo cáo là đến năm 2015 hoàn thành.
Trong đó ngay năm 2011 này sẽ CPH 1 doanh nghiệp, 2012 - 2013 CPH 7 doanh nghiệp, 2014 CPH 13 doanh nghiệp. Lộ trình trên đây là thời điểm cuối cùng phải hoàn thành CPH. Tổng cục ĐBVN đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy nhanh hơn.
Mạnh hơn sau khi cổ phần hóa
Một trong những kết quả quan trọng nhất của việc CPH, là đã giải quyết được một số lượng lớn lao động dôi dư bằng nguồn tài chính được trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, với 33 doanh nghiệp khi chuyển sang CP, tổng số lao động dôi dư được giải quyết lên tới 20%, gồm 2.193 người, tổng kinh phí được nhà nước cấp giải quyết chế độ là 51,022 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp CPH trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp đã sắp xếp một bước về tài sản: các thiết bị không cần sử dụng, các nhà hạt, công nợ... đã được tách bạch, tài chính được lành mạnh hóa.
Mặc dù còn khiêm tốn nhưng các doanh nghiệp CPH đã huy động được khối lượng vốn đáng kể thông qua việc bán cổ phần, đáp ứng năng lực tài chính cho công ty để mở rộng sản xuất.
Chuyển sang mô hình công ty Cổ phần, các doanh nghiệp đã dần từ bỏ thói quen bao cấp, chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, bước đầu chấp nhận cạnh tranh, tìm kiếm công việc từ các chủ đầu tư khác ngoài Tổng cục ĐBVN thông qua đấu thầu các dự án phù hợp với năng lực. Một số doanh nghiệp mở mang thêm ngành nghề kinh doanh... doanh thu tăng, thu nhập của người lao động tăng đáng kể so với trước khi CPH.
Thay đổi cách thức quản lý, bảo trì đường
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN: đến năm 2015, theo tiến độ chung, tất cả các doanh nghiệp QLSCĐB sẽ là công ty cổ phần (có phần vốn nhà nước giữ chi phối hoặc không chi phối) và đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Tổng Cục ĐBVN sẽ chuyên trách làm nhiệm vụ của một cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ trên phạm vi cả nước. Tổng cục đang hướng tới hiện đại hóa công tác duy tu đường bộ - có cạnh tranh. Quản lý nhà nước đối với công tác quản lý bảo trì đường sẽ chuyển đổi mạnh phù hợp với cơ chế thị trường. Đây sẽ là điều kiện khách quan cần thiết đem đến sự thay đổi mạnh mẽ và hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tăng cường chất lượng quản trị doanh nghiệp đường bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN: hiện tại các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý để vận hành sử dụng vốn cho công tác quản lý bảo trì đường bộ theo cơ chế thị trường đã cơ bản đầy đủ.
Với chủ trương của Bộ GTVT và Tổng cục hướng mạnh công tác bảo trì đường theo mục tiêu và việc Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ ra đời cung cấp nguồn tài chính đủ đảm bảo cho nhu cầu quản lý bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp đường bộ của Tổng cục cần khẩn trương tiến hành công tác chuyển đổi, CPH càng sớm càng tốt để có thể tham gia tích cực vào “sân chơi” mới này.
Phương Anh
Giao thông vận tải
|