Chưa đại hội cổ đông VPF
Người khởi xướng đề án thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) để quản lý V-League - ông bầu Nguyễn Đức Kiên - đã không có mặt ở cuộc họp chốt lại những vấn đề cuối cùng.
Tưởng như cuộc họp chiều 29-11 với sự có mặt của lãnh đạo VFF cùng đại diện 25 CLB chuyên nghiệp (V-League và Giải Hạng nhất) sẽ là buổi họp có ý nghĩa như đại hội cổ đông của VPF, tuy nhiên thực chất đây mới là buổi họp để thống nhất thời điểm tiến hành đại hội cổ đông. Ít nhất phải đến giữa tháng 12, VPF mới chính thức ra đời nhưng bộ máy của công ty này có thể sẽ đi vào hoạt động trước.
Ông Viễn làm CEO tạm quyền
Buổi họp vắng mặt Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, tuy nhiên hai nhân vật được cho là không thể thiếu với sự ra đời của VPF là Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phạm Ngọc Viễn có mặt. Ông Dũng, chủ trì cuộc họp thay ông Hỷ, cũng đã trực tiếp đề cử ông Viễn sẽ đứng ra phụ trách mọi công tác chuẩn bị cho mùa giải mới, từ trọng tài cho đến tập huấn giám sát, công tác an ninh…
Ông Viễn cũng chính là người được các ông bầu đề cử vào vị trí giám đốc điều hành (CEO) VPF khi công ty này ra đời. Bầu Kiên cho biết: “Anh Viễn là người thích hợp không chỉ ở khả năng, kinh nghiệm. Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn cần sự thông qua của HĐQT khi công ty ra đời”.
Ông Viễn đã thông báo việc nhà bảo hiểm Thái Sơn rút khỏi CLB Quảng Nam, trong khi đó Xổ số Kiến thiết Cần Thơ đã kịp cổ phần hóa nên số CLB chuyên nghiệp hiện nay vẫn là 25 đội. Số lượng đội chuyên nghiệp liên quan đến việc góp vốn vào VPF. Số vốn điều lệ của công ty vẫn là 21 tỉ đồng, với tỉ lệ góp vốn của VFF - cổ đông chính - là 36,5%. Các CLB V-League sẽ phải góp vốn gấp đôi CLB Hạng nhất và đương nhiên khi công ty có lợi nhuận, họ cũng được hưởng gấp đôi.
Đề án đã gần hoàn thiện
Bầu Kiên lý giải cho sự vắng mặt của mình ở buổi họp quan trọng liên quan đến sự ra đời của VPF là vì ông “bận một cuộc họp quan trọng với đối tác làm ăn”. Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng sự vắng mặt của ông cũng không ảnh hưởng gì tới tiến trình ra đời của VPF. Theo thông báo trước các cổ đông tương lai của VPF gồm 25 CLB chuyên nghiệp, 5 ngày sau khi nộp giấy phép kinh doanh thì công ty sẽ có quyết định thành lập và 12 ngày sau, đại hội cổ đông của VPF có thể diễn ra.
Ông Kiên cho rằng thời điểm giữa tháng 12 công ty ra đời là hợp lý, tuy có gấp gáp nhưng sẽ không ảnh hưởng tới mùa giải 2012. Suốt thời gian hơn 2 tháng qua, từ khi ông Kiên đưa ra đề án thành lập VPF, ông bầu này cho biết đã liên tục cùng với các bộ phận chức năng của VFF họp bàn và thảo luận để tìm ra mô hình hợp lý nhất. Ông nói: “Đề án của tôi đã gần như hoàn thiện rồi, việc bổ sung một số chi tiết để phù hợp với tình hình thực tế là không tránh khỏi. Về mô hình và cơ cấu tổ chức, công ty gần như không có gì thay đổi so với bản đề án ban đầu của tôi”.
Bầu Kiên và VFF cùng khẳng định sự ra đời VPF tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định của FIFA, AFC. Ông Kiên nói: “Hành lang pháp lý để VPF hoạt động chính là Luật TDTT và Luật Doanh nghiệp. Đây là công ty có hai chức năng nên sẽ bám sát vào hai luật này mà hoạt động”.
Mạnh Duy
người lao động
|