Chủ tịch Sacombank: “Không ai có thể chi phối HĐQT”
|
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank |
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank (HOSE: STB): “Chúng tôi hoan nghênh các nhân tố mới, nhưng nếu các nhân tố mới tạo ra sự xáo trộn và bất ổn, tới để chi phối và thay nhân sự cấp cao trong HĐQT, thì tôi khẳng định là không có cơ sở để xảy ra”.
Gần đây, Sacombank là tâm điểm chú ý của thị trường với một loạt sự kiện nóng: vụ đăng ký mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ - một kỷ lục của TTCK Việt Nam, tin đồn các cổ đông lớn đang tìm cách thoái vốn, thông tin về khả năng bị một nhóm NĐT thâu tóm… Để giúp dư luận rõ hơn về những vấn đề này, ĐTCK đã phỏng vấn ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT của Sacombank.
Mua 100 triệu cổ phiếu quỹ, vì sao?
Thưa ông, bắt đầu từ ngày 16/11 vừa qua, Sacombank đã đăng ký mua vào 100 triệu cổ phiếu quỹ. Thông tin này đang gây nên nhiều đồn đoán. Vậy lý do thực chất là gì?
Theo đánh giá của HĐQT Sacombank, ở mức giá thấp hơn "2 chấm", cổ phiếu STB đang rẻ hơn giá trị thực. Sacombank mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá cổ phiếu, ổn định tâm lý NĐT. Phương thức giao dịch qua khớp lệnh trực tiếp trên sàn và giao dịch thỏa thuận. Trong hai ngày vừa qua, Sacombank đã mua vào gần 2,5 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, việc đăng ký mua vào gần 10% khối lượng cổ phiếu lưu hành trong vỏn vẹn một tháng khiến thị trường rất hoài nghi về tính khả thi?
Chúng ta đều biết thủ tục xin phép tốn khá nhiều thời gian. Không lẽ Sacombank đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ 2 - 3% vốn điều lệ, rồi ngay sau đó lại đăng ký tiếp tục mua vào? Việc đăng ký mua vào số lượng lớn như vậy dự phòng sẵn sàng đến cả trường hợp phát sinh các giao dịch thỏa thuận. Ngoài ra, theo đề nghị đã được chấp thuận, khối lượng giao dịch mỗi ngày được 5% tổng khối lượng đăng ký và mỗi ngày được vượt quá 10% ngày liền trước. Chúng tôi cam kết, trong khả năng của mình, Sacombank sẽ nỗ lực thực hiện mua vào đúng tiến độ.
Về nguồn lực tài chính, Sacombank có thể thực hiện đến đâu?
Tính đến cuối tháng 10, thặng dư vốn của Sacombank là 1.671 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lũy kế 10 tháng đầu năm là 2.377 tỷ đồng, tương đương 88% kế hoạch năm. Về khả năng tài chính, Sacombank đủ tiềm lực để mua hết số cổ phiếu đã đăng ký.
Có tin đồn rằng Sacombank đăng ký mua cổ phiếu quỹ lần này nhằm hợp thức hóa số cổ phiếu mà Dragon Capital đã thoái vốn cho một số cá nhân vào tháng 8 vừa qua. Khi ấy, Sacombank đang tiến hành tăng vốn theo lộ trình nên không thể thực hiện. Ông bình luận gì về thông tin trên?
Như thông tin công bố, người mua khi đó là ông Chang Hen Jui, chồng vị Phó chủ tịch HĐQT thứ nhất hiện nay của Sacombank. Ông Chang đã mua tổng cộng hơn 30,6 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 3,34% vốn điều lệ của Ngân hàng. Theo quy định, giao dịch của ông Chang Hen Jui (nếu bán)nằm trong diện phải công bố thông tin, vì là người thân của thành viên HĐQT. Đến nay, ông Chang chưa hề công bố thông tin bán ra, nên về mặt logic, NĐT quan tâm cũng tự tìm được câu trả lời.
Vừa qua, Sacombank chào bán 156 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá cho các cổ đông. Số cổ phiếu mới chưa niêm yết thì ngân hàng lại dự định bỏ ra gần 1.400 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Các hành động "buôn ngược" này có mâu thuẫn với nhau?
Chúng ta nên tách bạch hai việc. Trước hết, câu chuyện Sacombank mua cổ phiếu quỹ, tôi đã nói ở trên. Còn việc Sacombank tăng vốn nằm trong chiến lược, lộ trình đã được ĐHCĐ phê duyệt. Cụ thể, theo chiến lược giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, các năm tới, năm nào Sacombank cũng xin phép tăng vốn khoảng 15 - 20%...
Việc Sacombank công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ tại một thời điểm đã được cân nhắc kỹ nên không ảnh hưởng kế hoạch tăng vốn vào năm tới. Cần nhắc lại là năm 2008, chúng tôi cũng mua vào cổ phiếu quỹ và thu được thặng dư gần 200 tỷ đồng trong 6 tháng sau đó. Là lãnh đạo DN, chúng tôi hiểu được giá trị thật sự của cổ phiếu STB.
Sacombank không dọn đường cho ANZ thoái vốn
Ngân hàng ANZ là cổ đông chiến lược, đang sở hữu 10% số cổ phần tại Sacombank. Bởi sự trùng hợp này, động thái mua cổ phiếu quỹ của Sacombank còn khiến thị trường đồn đoán rằng, ANZ đang tìm cách thoái vốn khỏi Ngân hàng. Ông bình luận gì về thông tin trên?
Ngân hàng ANZ có mối quan hệ hợp tác chiến lược với Sacombank từ năm 2005 và hỗ trợ cho chúng tôi trong nhiều lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, quản lý rủi ro, dịch vụ ngân hàng bán lẻ… Cách đây 2 năm, ANZ đã được phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam; vì thế, là một NĐT tài chính chuyên nghiệp, đến một thời điểm nào đó, Ngân hàng ANZ thoái vốn khỏi Sacombank cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thực tế, vào tháng 3/2010, chủ đề này cũng từng được quan tâm. Việc Sacombank đăng ký mua cổ phiếu quỹ nhằm mục đích chính là bình ổn giá cổ phiếu, chứ không phải là động thái dọn đường giúp ANZ thoái vốn.
Chúng tôi cũng nghe được thông tin rằng, một NĐT tổ chức nội địa đã đạt được thỏa thuận với đối tác để chuyển nhượng lô lớn cổ phiếu STB vào tuần trước. HĐQT Sacombank có theo sát các diễn biến này không?
Các NĐT tài chính chuyên nghiệp có các kỳ vọng khác nhau về lợi nhuận và họ cũng chịu những áp lực về chu kỳ đầu tư và thoái vốn. Chẳng hạn, IFC đầu tư chiến lược vào Sacombank từ năm 2003. Khi ký kết văn bản hợp tác chiến lược, IFC nêu rõ lộ trình thoái vốn khi Sacombank lên sàn. Tương tự, hồi tháng 8 vừa qua, Dragon Capital thoái toàn bộ khoản vốn đã đầu tư vào Sacombank từ năm 2002 với mục đích tái cơ cấu danh mục.
Sacombank có nhiều cổ đông tổ chức và sự ra đi của một vài NĐT lớn, theo chúng tôi, là hiện tượng bình thường. Nếu có các NĐT mới quan tâm đến cổ phiếu STB tại thời điểm hiện nay, chúng tôi hoan nghênh và coi đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh TTCK đi xuống.
Về "nghi án" thâu tóm
Nhưng thưa ông, trên thị trường có tin đồn rằng có một nhóm NĐT bên ngoài chi phối tới 30% cổ phiếu STB và nhận được sự ủng hộ của một lượng 10% sở hữu khác?
Chúng tôi vừa chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức vào ngày 12/8/2011. Tại thời điểm đó, Sacombank có 71.000 cổ đông. Về cơ cấu cổ đông, không có thay đổi bất thường. Hiện tại, các cổ đông sáng lập, thành viên HĐQT Sacombank và người có liên quan đã nắm giữ trên 30% số cổ phần tại Ngân hàng. Vì vậy, không có chuyện có nhóm NĐT nào bên ngoài nắm giữ và chi phối được trên 30% số cổ phần tại Sacombank.
Vậy ông cảm thấy thế nào nếu có các NĐT quan tâm đến các giao dịch lô lớn cổ phiếu STB để nâng tỷ lệ sở hữu ở thời điểm hiện nay?
Điều này phụ thuộc vào mục đích của họ. Với bối cảnh TTCK suy thoái dài hạn như hiện nay, tôi cho rằng, đây là thời điểm rất tốt để các NĐT lớn chọn lựa một danh mục đầu tư tốt cho dài hạn. Chúng tôi hoan nghênh các nhân tố mới, những người có thiện chí thúc đẩy sự phát triển của Sacombank theo định hướng chiến lược mà chúng tôi đã vạch ra cho kế hoạch 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020.
Nhưng nếu các nhân tố mới tạo ra sự xáo trộn và bất ổn, đi chệch đường lối chiến lược hoạch định dài hạn của Sacombank, hay tiến tới để chi phối và thay nhân sự cấp cao trong HĐQT, thì tôi khẳng định là không có cơ sở để xảy ra.
Thực tế, một số cuộc thôn tính tại TTCK Việt Nam thời gian qua theo hình thức phủ quyết. Một nhóm cổ đông chỉ chi phối 35% số cổ phần đe dọa phủ quyết tất cả các tờ trình trong ĐHCĐ để gây áp lực với ban điều hành. Liệu Sacombank có đối diện áp lực này?
Hoạt động của các ngân hàng niêm yết được điều chỉnh bởi 3 luật (Luật các TCTD, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán), vì thế rất minh bạch, rõ ràng. Hoạt động của mỗi ngân hàng không chỉ trong phạm vi riêng lẻ mà còn ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính quốc gia, nên được các cơ quan pháp luật giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, hoạt động của HĐQT Sacombank 20 năm nay rất chuyên nghiệp và minh bạch, nên chắc chắn các cổ đông sẽ ủng hộ tín nhiệm những người có năng lực vì trách nhiệm chung.
Nguyễn Hồng - Giang Thanh thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|