Thứ Tư, 12/10/2011 11:23

Xả vàng, giá vẫn tăng

Thêm 2 ngân hàng được bán vàng can thiệp thị trường nhưng giá vàng trong nước hôm qua (11/10) đã tăng mạnh tới hơn 400.000 đồng/lượng. Khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới lại được kéo lên hơn 1 triệu đồng/lượng bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng giải pháp "xả hàng kéo giá".

Sẽ phải nhập vàng?

Với việc tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới trên 1 triệu đồng/lượng. Mức cao nhất trong phiên hôm qua là 1,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau khi cung ứng cả chục tấn vàng ra thị trường, giá vàng trong nước vẫn duy trì chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức cao như nói trên và xu hướng này đang được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Một lượng vàng lớn được tung ra thị trường nhưng hiệu quả không có. Các đơn vị tham gia cũng chưa có cơ hội để mua lại vàng trong nước với giá thấp để duy trì nguồn vàng bình ổn. Câu hỏi đặt ra là, điều gì xảy ra nếu giá vàng trên thế giới vẫn tiếp tục tăng và sức mua trong nước vẫn cao như hiện nay?

Câu trả lời đã có. Đó là tiếp tục đẩy mạnh bán vàng ra. Minh chứng cụ thể là NHNN bổ sung thêm 2 đơn vị được phép bán vàng ra thị trường, thể hiện quyết tâm xả vàng kéo giá đến cùng. Đến lúc đó, chúng ta sẽ buộc phải cho nhập khẩu lượng vàng mà các đơn vị này đã mua trên tài khoản. Đồng nghĩa với việc, một khoản ngoại tệ rất lớn sẽ được xuất đi. Trong bối cảnh cầu ngoại tệ gia tăng trong dịp cuối năm, khả năng xuất ngoại tệ, nhập vàng sẽ áp lực mạnh lên tỷ giá.

Không cần chờ lâu, hôm qua, tỷ giá trên thị trường đã tăng khá mạnh. Tỷ giá tăng, một phần do NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhưng không thể loại trừ tác động từ việc những NHTM được phép bán vàng huy động gom ngoại tệ để ký quỹ vàng tài khoản.

Hai cuộc cạnh tranh mới

Cuộc cạnh tranh đầu tiên là cạnh tranh lãi suất huy động vàng. Ngay sau khi NHNN cho phép một số đơn vị bán vàng ra thị trường, nhiều NHTM đã chính thức lao vào cuộc đua huy động lãi suất huy động vàng.

Từ mức 0,5% - 1%/năm, lãi suất huy động vàng ở nhiều NH đã được đẩy lên mức 1,5%; 2%. Điều này nghe có vẻ nghịch lý vì trừ 7 NHTM được NHNN cho phép bán vàng, các NH còn lại không được phép bán ra, họ tăng lãi suất huy động vàng vì lý do gì?

Nhìn lại diễn biến thị trường có thể thấy, việc đẩy mạnh huy động vàng của các NH là để "đón gió" cơ hội kiếm lời khủng. Bởi mới chỉ có 6 tấn vàng bán ra nhóm "5+1" đã lãi trên 200 tỉ đồng (như Thanh Niên ngày 10.10 đã có bài phân tích). Hôm qua, tiếp tục thêm 2 NH được đưa vào danh sách này. Đương nhiên, tất cả các NH còn lại trong hệ thống đều có quyền hy vọng cũng như sẽ tìm mọi cách được tham gia vào danh sách bình ổn giá vàng để kiếm lời lớn như nhóm đang thực hiện. Vì vậy, họ đẩy mạnh lãi suất huy động vàng, chờ thời cơ cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, sau cuộc đua lãi suất tiền đồng, lãi suất USD mà NHNN đã phải áp trần để dẹp loạn, cuộc đua lãi suất huy động vàng đã được khởi động và rất có thể sẽ dẫn đến cao trào. Một trần lãi suất cho vàng là điều có thể dự báo nếu chúng ta không tính ngay từ lúc này.

Cuộc cạnh tranh thứ 2 là để được đưa vào danh sách các đơn vị được phép bán vàng ra thị trường trong hệ thống NH. Bởi ngoài chuyện được lời khủng như đã phân tích thì với các NH yếu thanh khoản, việc được phép bán vàng còn giúp họ có thêm một khoản tiền lớn để bổ sung nguồn vốn đang cạn kiệt. Cụ thể, huy động vàng, được bán vàng ra để có tiền đồng (VND), ngoài dùng một phần mua USD ký quỹ nước ngoài để mua vàng tài khoản, phần lớn còn lại là VND. Có nghĩa là huy động vàng có thể biến thành VND thay vì khó khăn khi huy động VND với lãi suất trần như hiện nay. Trong khi không hề có một tiêu chí, điều kiện nào trong việc lựa chọn các NHTM được phép bán vàng ra thị trường. Hoàn toàn có thể khẳng định, sẽ có một cuộc chạy đua để được tham gia vào danh sách này trong hệ thống NHTM.

Bán vàng bình ổn nhưng phải có chênh lệch dương. Các NHTM sẽ không bán vàng ra nếu không có chênh lệch dương. Còn với mức lợi nhuận lớn từ việc bán vàng bình ổn như hiện nay, dư luận hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về việc bắt tay nhau duy trì mức chênh lệch cao để kiếm lời của các đơn vị được tham gia bán vàng bình ổn. Điều này cho thấy giá vàng trong nước khó có thể về sát với giá thế giới. Như vậy NHNN đã đặt mình vào vị thế yếu trong việc cung ứng ngoại tệ để nhập khẩu vàng sau này.

Nguyên Hằng

thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá vàng nhích nhẹ 100.000 đồng (12/10/2011)

>   Vàng giảm gần 10 USD xuống 1,661 USD/oz, bạc tăng nhẹ (12/10/2011)

>   Cần thêm biện pháp trị giá vàng (11/10/2011)

>   Sáng 11/10, giá vàng tăng trở lại, USD đi lên (11/10/2011)

>   Vàng vượt 1,670 USD/oz khi USD sụt giá (11/10/2011)

>   Vietstock khai giảng khóa đào tạo về Đầu tư Vàng (02/11/2011)

>   Giá vàng chững lại đầu tuần, đứng quanh 43,4 triệu đồng (10/10/2011)

>   Bán 8 tấn vàng trong ba ngày (10/10/2011)

>   Đơn vị được bán vàng lãi lớn (10/10/2011)

>   Mối nguy với nhà đầu tư thứ cấp vàng (10/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật