Woori CBV gặp khó với người lao động
Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa cho biết, cơ quan này đang tiến hành các bước theo quy trình để cưỡng chế, buộc CTCK Woori CBV thực hiện nộp phạt và có các biện pháp khắc phục theo kết quả thanh tra.
Trong khi đó, người lao động tiếp tục có đơn tố cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề nghị cơ quan này xem xét giải quyết để họ có thể sớm lấy lại các tài sản liên quan.
Sự việc bắt đầu khi một số nhân viên đã từng làm việc tại Woori CBV gửi đơn tố cáo tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc công ty này không trả lại bằng đại học bản gốc và tiền đặt cọc sau khi họ nghỉ việc. Theo phản ánh của người lao động, việc này khiến họ khó khăn khi tìm kiếm công việc mới, việc làm hiện tại chưa đúng với năng lực, bảo hiểm xã hội không được đóng.
Sau khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra tại CTCK Woori CBV với nhiều sai phạm. Theo đó, DN này bị phạt 7,5 triệu đồng vì không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định; bị phạt 11,2 triệu đồng do không đóng bảo hiểm xã hội cho 8 lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bị phạt 22,5 triệu đồng vì bắt người lao động đặt cọc tiền không tuân theo quy định của pháp luật. Tổng số tiền phạt của Woori CBV là 41,2 triệu đồng. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội yêu cầu Woori CBV phải tổ chức khám sức khỏe, điều trị, lập hồ sơ sức khỏe cho người lao động; truy nộp bảo hiểm xã hội cho số lao động (theo quy định là được đóng bảo hiểm nhưng Công ty đã không đóng) trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt; trả lại bằng đại học (bản chính) và số tiền đặt cọc cho người lao động cùng với số lãi suất của số tiền đặt cọc đó (lãi suất được tính theo lãi suất không kỳ hạn mà NHNN công bố tại thời điểm nhận tiền đặt cọc).
Thế nhưng, hiện Woori CBV vẫn chưa thực hiện nộp phạt và các biện pháp khắc phục theo kết luận thanh tra. Phía Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, cơ quan này đang tiến hành các thủ tục để cưỡng chế. Một thanh tra của Sở cho biết, quan điểm của Sở là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Việc Woori CBV giữ bằng đại học bản gốc, giữ tiền đặt cọc là trái với Luật Lao động. Nếu không có bằng đại học, người lao động chẳng khác gì lao động phổ thông.
Trước quan điểm dứt khoát đứng về phía người lao động của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, phía Woori CBV lại đưa ra những lý lẽ hoàn toàn ngược lại. Woori CBV cho biết, Công ty đã có các cuộc tiếp xúc với người lao động, nhưng không giải quyết được mâu thuẫn; nhiều lao động không giải quyết dứt điểm công việc với Công ty, không chịu bồi thường thiệt hại gây nên trong quá trình tác nghiệp… Do đó, Woori CBV đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để giải quyết. Đơn cử như trường hợp người lao động Lê Đăng Ngọc. Theo Woori CBV, việc anh Ngọc làm mất thư của nhân viên trong Công ty gây thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng (theo ước tính của nhân viên này), nhưng anh Ngọc vẫn không chịu mức bồi thường thấp hơn số thiệt hại (bằng 1/5). Còn trường hợp chị Nguyễn Thị Dư, ngày 3/9, đã có buổi làm việc với Woori CBV và được Công ty đề nghị hoàn tất thủ tục bàn giao công việc thì mới được hoàn trả bằng đại học gốc, khoản tiền đặt cọc, nhưng chị Dự không hoàn tất thủ tục bàn giao công việc, không chịu trách nhiệm với các số liệu đã thực hiện trong thời gian làm việc.
Trước việc Woori CBV không thực thi kiến nghị thanh tra của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, ngày 21/10, một số người lao động tiếp tục gửi đơn tố cáo tới UBCK, đề nghị cơ quan này xem xét giải quyết để họ có thể sớm lấy lại các tài sản liên quan. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn tiến vụ việc.
Nguyên Thành - Bùi Trang
Đầu tư chứng khoán
|