Chủ Nhật, 09/10/2011 23:02

Trái cây “bí” đầu ra

Dù trúng mùa nhưng nhiều nhà vườn ở các tỉnh ĐBSCL đang điêu đứng vì giá trái cây rớt thê thảm, giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Không chỉ cây lúa, con cá mà trái cây ở ĐBSCL cũng cùng chung cảnh “trúng mùa, rớt giá” khi vào mùa thu hoạch rộ. Tập quán trồng cây theo phong trào, thiếu quy hoạch khiến nhiều loại trái cây đang rớt giá thê thảm.

Lao đao theo giá trái cây

Trong tháng 9 vừa qua, nông dân trồng chôm chôm tại Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Tiền Giang… “khóc dở, chết dở” vì chôm chôm giảm giá mạnh. Năm nay, chôm chôm trúng mùa nhưng hầu hết nhà vườn đều lỗ nặng do giá bán thấp hơn chi phí đầu tư. Giá chôm chôm Java tại vườn chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg, thấp hơn 3-4 lần so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Anh Nguyễn Châu Khánh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) thở dài: “Trồng 2 công nhưng thu hoạch bán chỉ được 12 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư hết 15 triệu đồng”. Theo anh Khánh, trước thời điểm mùng 5 tháng 5 (âm lịch), giá chôm chôm rất cao, trên dưới 18.000 đồng/kg nhưng đến thời điểm này giá lại xuống dốc không phanh.

Còn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, giá chôm chôm rớt xuống tận “đáy”. Diện tích trồng chôm chôm tại huyện khoảng 2.400 ha. Năm nay, hầu hết nông dân trúng mùa, đạt năng suất từ 25-30 tấn/ha nhưng không được giá cao như mong đợi: chôm chôm Java chỉ khoảng 1.500-1.700 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất từ 3.000-5.000 đồng/kg. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: “Với giá thấp như thế này, nhiều nông dân lỗ nặng. Chôm chôm thường được xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng năm nay, 2 thị trường này không ăn hàng, tiêu thụ nội địa lại ít nên dội chợ”.

Trái bưởi cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Ông Huỳnh Văn Nhì, trưởng ấp Mỹ Thạnh B (xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long), than thở: “Toàn ấp có 98 ha trồng chôm chôm và bưởi. Năm nay, bà con không chỉ khốn đốn do giá chôm chôm quá thấp mà cả giá bưởi cũng thê thảm. Hiện giá bưởi mua xô chỉ còn 3.500 đồng/kg, trong khi tháng trước mức giá còn được 4.500 đồng/kg”. Nhiều nông dân trồng bưởi cho rằng trong những tháng cuối năm sẽ đụng hàng với bưởi Trung Quốc nên giá bưởi trong nước sẽ còn sụt giảm.

Mặt hàng chủ lực cũng ế

Dọc theo các tuyến đường nội ô TP Cần Thơ như: Cách Mạng Tháng Tám, 30-4, Ba Tháng Hai… nhiều loại trái cây được đổ bán với giá rất “bèo”. Phía dưới chân cầu Hưng Lợi (đường Ba Tháng Hai) trong mấy ngày gần đây mọc lên một khu bán trái cây ven đường tự phát, đa số là thanh long, chôm chôm, ổi, nho… Chị Lê Thị Tươi, người bán trái cây, cho biết: “Mỗi ngày bán khoảng 300 kg trái cây gồm nhiều loại, mỗi kg kiếm lời từ 1.000-2.000 đồng. Trong đó, rẻ nhất là thanh long, chỉ 3.000 đồng/kg, chôm chôm 7.000 đồng/kg…”.

Trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, thanh long cũng được bày bán cặp mặt lộ với giá từ 3.000-4.500 đồng/kg. Người trồng thanh long lại đang điêu đứng vì giá bán chưa bù được với chi phí đầu vào. Anh Đoàn Văn Bảy (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) ngao ngán: Nhà tôi trồng được một ít trái thanh long ra đây bán với giá 10.000 đồng/3 kg. Còn thương lái thu mua thanh long tại vườn chỉ với giá 2.000-3.000 đồng/kg (loại 0,5 kg/trái), 1.000-1.500 đồng/kg (loại 300 g/trái), trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, thanh long có giá 6.000-7.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn chỉ đủ trả cho công thu hoạch thanh long, còn lỗ nặng khoảng 30 triệu đồng/ha.

Giải thích hiện tượng trái thanh long vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng hiện nay giá trong nước lại quá thấp, TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN-PTNT), cho rằng: Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch rộ nhiều loại trái cây, trong khi đó, thanh long lại quá nhiều nên dẫn đến dội chợ. Do đó, phải trồng thanh long rải vụ, chia ra nhiều thời điểm xuất khẩu mới mong giá ổn định lâu dài”.

Bán lá, thu tiền tươi

Thời gian gần đây, tại ĐBSCL, nhiều hộ trồng chôm chôm, nhãn, cam sành, xoài… đã chọn cách bán lá, thu tiền tươi do thiếu vốn chăm sóc. Ông Bùi Thanh Liêm cho biết: Cách làm này là thương lái hợp đồng với chủ vườn để được tự khai thác mảnh vườn từ 1-2 năm. Nhiều thương lái khi được khai thác vườn đã dùng nhiều hóa chất kích thích cây ra trái nhanh, nhiều để bán. Vì vậy sau khi hết hợp đồng, cây chết dần, nhà vườn phải tốn công chăm sóc hoặc trồng lại. Tình trạng này đã xảy ra trên nhiều vườn xoài ở Tiền Giang, Đồng Tháp, cam sành ở Hậu Giang…

 Ca Linh

Người lao động

Các tin tức khác

>   Sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng lên 10 triệu tấn (09/10/2011)

>   Giá đường sẽ hạ xuống 26 xu Mỹ/lb (09/10/2011)

>   Lúa gạo tăng cao nhất 3 năm, thương lái săn tìm (09/10/2011)

>   Ồ ạt khai thác caosu non vì sức ép nợ ngân hàng (09/10/2011)

>   ASEAN+3 lập quỹ dự trữ gạo khẩn cấp (08/10/2011)

>   Giá cà phê mới đầu mùa đã quay như chong chóng (08/10/2011)

>   Morgan Stanley: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể giảm do kế hoạch dự trữ (07/10/2011)

>   Doanh nghiệp Indonesia mua cà phê Việt Nam sớm (07/10/2011)

>   Bác bỏ tin Indonesia nhập thêm 700.000 tấn gạo của VN (07/10/2011)

>   Indonesia nhập khẩu 100.000 tấn gạo của Thái Lan (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật