Tháng 10 có trở thành "hiện tượng" của CK Mỹ 25 năm qua?
Sau khi tăng mạnh vào phiên 27/10 nhờ thỏa thuận quan trọng của lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài dai dẳng suốt hai năm qua ở khu vực Eurozone, cùng các số liệu khả quan về nền kinh tế Mỹ, các nhà đầu tư trên Phố Uôn bắt đầu chuyển hướng sự quan tâm trở lại vào tình hình trong nước trong tuần tới.
Phiên cuối tuần ngày 28/10 chứng kiến thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp mặc dù giao dịch khá bấp bênh - việc đã trở nên bình thường trong nhiều tháng gần đây do những bất ổn của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone gây nên.
Cũng như các nhà đầu tư trên toàn thế giới, giới đầu tư Phố Wall đã "thở phào nhẹ nhõm" và hứng khởi tột cùng sau khi các nhà lãnh đạo EU sau nhiều giờ đồng hồ ròng rã bàn thảo cam go đã đi đến một thỏa thuận được mong đợi từ lâu về kế hoạch giải cứu Hy Lạp nói riêng và cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone nói chung, trong đó có kế hoạch tái cấu trúc các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính toàn khu vực.
Các cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, Ailen và Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đồng tiền chung châu Âu euro cũng như khối 17 quốc gia Eurozone, và có nguy cơ đẩy các nước phát triển rơi trở lại vào suy thoái.
Mặc dù chưa có chi tiết nào được đưa ra quanh việc phải hành động cụ thể như thế nào để thực hiện thỏa thuận vừa đạt được, đặc biệt là về vấn đề yêu cầu các nhà đầu tư tư nhân chịu 50% khoản lỗ trong giá trị khoản nợ ước tính 350 tỷ euro (490 triệu USD) của Hy Lạp, song tất cả các thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán, vẫn hoan hỉ trước triển vọng bình ổn của EU.
Chuyên gia phân tích Marc Pado tại Cantor Fitzgerald nhận định: "chúng ta cần châu Âu thoát ra khỏi vũng lầy của cuộc khủng hoảng nợ, của những khó khăn hàng ngày, những xung đột còn tồn tại và chừng nào họ còn chưa đạt được một kế hoạch thống nhất thì chừng đó mọi việc còn chưa được giải quyết".
Ngay sau khi EU đạt được thỏa thuận được cho là "bước đột phá quan trọng" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone, cùng với số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,5% trong quý III - mức tăng mạnh nhất trong nhiều quý qua, Phố Uôn đã bật mạnh khoảng 3% trong phiên 27/10. Và trong phiên cuối tuần 28/10, tuy đà tăng đã phần nào chậm lại, chủ yếu do các nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sau 5 phiên tăng liên tiếp, song chốt lại tuần qua, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm.
Dow Jones Industrial Average tăng 3,58% lên chốt tuần ở 12.231,11 điểm. Đây cũng là tuần đi lên thứ 5 liên tiếp của chỉ số này và đưa chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ quay trở lại các mức đỉnh cao kể từ ngày 28/7/2011. Nếu chốt phiên đầu tuần tới 31/10 - phiên cuối cùng của tháng 10 này, mà Dow Jones vẫn duy trì được mức tăng 12% của tháng 10 tính đến nay, thì tháng 10/2011 sẽ là tháng Dow Jones có mức tăng phần trăm tháng mạnh nhất trong 25 năm qua, kể từ tháng 1/1987. Và tháng 10 năm nay "sẽ đi vào lịch sử chứng khoán Mỹ như một hiện tượng", nhà phân tích Jon Ogg thuộc 24/7WallSt.com bình luận.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến thêm được 3,78% trong cả tuần, lên 2.737,15 điểm. Còn S&P 500 tăng thêm 3,78% lên chốt tuần ở mức 1.285,08 điểm.
Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ có một loạt sự kiện và số liệu để đo lường và thẩm định về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, trong đó có cuộc họp về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng báo cáo về thị trường việc làm tháng 10 của Mỹ (công bố vào cuối tuần 4/11). FED dự kiến sẽ công bố về lãi suất vào ngày 2/11.
Mặc dù Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của FED được dự kiến sẽ không công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới trong phiên họp vào tuần tới, song các nhà phân tích và đầu tư vẫn kỳ vọng FED sẽ có các hành động vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng yếu ớt cũng như tình trạng thất nghiệp cao.
Vào cuối tuần tới (4/11), Bộ Lao Động Mỹ sẽ công bố các báo cáo về số người thất nghiệp và số việc làm mới được tạo ra trong tháng 10. Tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ - đứng ở mức 9,1% trong 3 tháng trở lại đây - đang là trở ngại lớn trong nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đường ray tăng trưởng ổn định sau hơn hai năm kể từ khi cuộc suy thoái nghiêm trọng chính thức chấm dứt.
Phần lớn các nhà phân tích đều kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 của Mỹ sẽ không thay đổi, song lượng việc làm mới có thể giảm nhẹ xuống còn 88.000, so với mức 103.000 của tháng 9.
Ngoài ra, trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ còn đón nhận các chỉ số kinh tế quan trọng khác như chỉ số ISM về chế tạo và dịch vụ (công bố ngày 1/11 và 3/11), doanh số bán xe ô tô tháng 11 (công bố ngày 1/11) và đơn đặt hàng công nghiệp (công bố ngày 3/11).
Vietnam +
|