Mua bán, sáp nhập: Quả ngọt không dễ hái
Các số liệu thông kê cho thấy, có tới 70% thương vụ M&A không tạo ra các giá trị gia tăng cho các cổ đông và thường mất 2 - 3 năm, một thương vụ M&A mới hứa hẹn cho trái ngọt.
|
Vinacafé là một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam |
Trong một khóa đào tạo ngắn về hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) vừa diễn ra đầu tuần này do Avalue tổ chức, lãnh đạo của CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) bất ngờ có mặt. Độ "hot" của thương vụ Masan Consumer (MSF) - VCF khiến họ trở thành các học viên được chú ý nhất. "Tham dự để hiểu sâu hơn về các vấn đề phát sinh trong quá trình tái cấu trúc DN sau hoạt động M&A", ông Lê Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc VCF giải thích với một số học viên.
VCF - MSF đi tìm tiếng nói chung
Trước đó vài ngày, VCF vừa có cuộc làm việc chính thức với MSF nhằm đưa ra ý kiến chính thức về việc đối tác chào mua công khai cổ phần VCF. Bất chấp độ "nóng" của sự kiện, rất ít thông tin về cuộc gặp VCF - Masan Consumer được tiết lộ. Trong thông báo sau đó gửi đến các cổ đông, Ban lãnh đạo VCF chỉ nêu kết luận ngắn gọn đồng ý với đề nghị chào mua cổ phần của Masan Consumer.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, cuộc gặp gỡ VCF - Masan Consumer xoay quanh ba nội dung chính. Thứ nhất, phía VCF tìm hiểu động cơ và mục đích của việc Masan Consumer chào mua 50,11% số cổ phần tại VCF. Phía Masan Consumer cho biết, họ ưa thích đặc biệt với ngành hàng của VCF. Thứ hai, phía VCF nêu câu hỏi, nếu chào mua thành công, trở thành cổ đông lớn, Masan Consumer có thể đóng góp được gì tới sự phát triển của VCF sắp tới? Bên mua cho biết, sẽ hỗ trợ, hợp tác với VCF trong việc phát triển một số sản phẩm mới, trước hết là cà phê rang xay. Nhân sự là nội dung thứ ba được phía VCF đề cập. Về mối bận tâm này, phía Masan Consumer cho biết, các vị trí lãnh đạo tại VCF trước mắt sẽ không có xáo trộn và quyền lợi khác của người lao động vẫn được đảm bảo. Nhưng trong ĐHCĐ bất thường sắp tới, đại diện Masan Consumer sẽ có ghế HĐQT VCF.
Sau các thông tin hậu trường, điểm thú vị của thương vụ còn đến từ diễn biến giá cổ phiếu VCF trên sàn. Kể từ khi quyết định chào mua công khai được công bố, chưa bao giờ giá cổ phiếu VCF rơi xuống mức giá dự kiến mua của Masan Consumer. Thực tế này nảy sinh ra dấu hỏi về khả năng thành công của bên mua, một phần do thời gian chào mua dự kiến quá ngắn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, Masan Consumer sẽ đạt được mục đích hoặc chí ít tiệm cận với con số sở hữu 50,11% vốn điều lệ của VCF sau ngày 11/10 tới đây. Vì giao dịch mua VCF của Masan Consumer là chào mua công khai, nên theo quy định, giao dịch này không nhất thiết phải thực hiện qua sàn.
Hợp tác hay rình rập thôn tính?
Bên cạnh sự có mặt của lãnh đạo của VCF, khóa đào tạo của Avalue còn có sự hiển diện của nhiều lãnh đạo DN tên tuổi khác: Đạm Phú Mỹ (DPM), Thế giới Di động, Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Dệt may Thành Công (TCM)… Điều này cho thấy nhu cầu và sự quan tâm rất thật đối với một lĩnh vực tương đối mới mẻ tại TTCK Việt Nam .
Thực tế, hoạt động M&A ở TTCK Việt Nam như một dòng chảy ngấm ngầm, chỉ chờ thời điểm chín muồi để bùng lên. M&A đang được nhìn nhận như hoạt động hiệu quả nhằm mục tiêu tái cơ cấu, đặc biệt sau giai đoạn khủng hoảng. Trên TTCK, một loạt thương vụ đã diễn ra theo hướng này như CTCP Mirae Fiber (KMF) sáp nhập vào CTCP Mirae, nhóm công ty họ Kinh Đô (KDC) thực hiện sáp nhập, 3 công ty con của CTCP FPT sáp nhập vào công ty mẹ.
Bên cạnh động thái này, trào lưu "mua bán công ty" hình thành ngày càng rõ nét khi nhiều "ông lớn" tìm kiếm động lực tăng trưởng mới qua việc mua lại một phần các công ty cùng ngành. Thương vụ tiêu biểu có thể kể đến việc Thủy sản Hùng Vương mua lại cổ phần của Agifish và Faquimex, nhóm cổ đông Bình Thiên An thâu tóm Descon (DCC), trước đó là Beton 6 và Vinafco. Với các công ty vốn hóa nhỏ có tài sản ngầm, ở đâu đó hoạt động thâu tóm tài sản rẻ diễn ra lúc mờ lúc tỏ, đánh dấu bằng sự chuyển giao quyền lực mạnh mẽ, thay tướng ồn ào giữa các nhóm cổ đông như Fideco (FDC), Vimexco (VMG), Tissco (THG). Giá chứng khoán giảm sâu, cơ hội xuất hiện ngày càng nhiều khi giá trị vốn hóa nhóm công ty mục tiêu trở nên hấp dẫn hơn.
Dù mới xuất hiện nhưng trào lưu "thâu tóm công ty" tại TTCK Việt Nam đang hình thành hai xu hướng rõ nét. Xu hướng thứ nhất là sự bắt tay, hợp tác như mối quan hệ Thủy sản Hùng Vương (HVG) - Agifish (AGF), Masan Consumer - VCF. Ở thái cực đối lập là hành động rình rập thôn tính, sau đó dẫn tới các cuộc lật đổ, thay tướng bất ngờ như tại DCC, VMG, THG...
Hai xu hướng trên mới diễn ra gần đây nhưng bước đầu cho thấy kết quả rất khác nhau. Trong khi HVG và Agifish AGF được hưởng lợi ích gia tăng đáng kể từ sự hợp tác thân thiện, thì một số cuộc lật đổ ồn ào trở thành thảm họa thực sự với cổ đông nhỏ. Chẳng hạn, mới đây, cổ phiếu DCC nhận quyết định cảnh cáo toàn thị trường và phải tạm ngừng giao dịch vì vi phạm một loạt quy định về công bố thông tin bắt buộc. Không chỉ chịu chung số phận này, VMG còn chịu vướng mắc về mặt pháp lý với một nhóm cổ đông lớn và chờ phán quyết của Tòa án.
Các số liệu thông kê cho thấy, có tới 70% thương vụ M&A không tạo ra các giá trị gia tăng cho các cổ đông và thường mất 2 - 3 năm, một thương vụ M&A mới hứa hẹn cho trái ngọt. Một loạt thương vụ rình rập thôn tính thời gian qua không tạo các giá trị gia tăng đáng kể có thể mới chỉ là bước lùi chiến thuật trong quá trình thanh lọc, nhưng không loại trừ khả năng là sự thất bại xét trên phương diện thực tế, xuất từ tập quán và văn hóa hành xử riêng của người Á Đông.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|