Thứ Sáu, 07/10/2011 10:42

Masan chào mua VCF theo phương án hai

Chỉ còn vài ngày nữa là đến 11/10/2011, thời hạn kết thúc việc chào mua công khai 50,11% vốn điều lệ VCF của Masan Consumer. Đầu tuần này, những thông tin công bố cho thấy, Masan sẽ chào mua VCF theo kịch bản "đã có sự chuẩn bị mua thâu tóm từ rất lâu".

Mua theo kịch bản hai

Vào thời điểm Masan Consumer công bố chào mua công khai VCF, công ty này chưa chính thức sở hữu CP nào của VCF, nên trong bài "Đủ dư địa cho Masan chào mua Vinacafe Biên Hòa", ĐTCK dự kiến có 2 kịch bản chào mua được đặt ra. Thứ nhất là Masan Consumer mua toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) tại VCF, tương đương hơn 50%, bao gồm cả 3,445 triệu CP VCF mà Vinacafe đã bán thỏa thuận trước đó và 9.914.375 CP, tương đương 37% vốn điều lệ VCF còn lại. Tuy nhiên, Vinacafe đã tuyên bố không có chủ trương thoái vốn tiếp tại VCF, giữ sở hữu tỷ lệ 37% tại VCF nên phương án chào mua sẽ diễn ra theo kịch bản hai.

Kịch bản hai là Masan đã có sự chuẩn bị trước cho thương vụ mua VCF. Thông qua bên thứ ba, Masan mua lại toàn bộ CP của VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding, tương đương hơn 20% vốn điều lệ của VCF. Trước khi VCF niêm yết ngày 28/1/2011, các tổ chức đầu tư này đã bán toàn bộ cổ phần của công ty này. Ngoài Vinacafe, tại VCF, chỉ còn hai cổ đông lớn là ông Trần Quang Lộc và Quỹ đầu tư Beta sở hữu tương ứng là 7,7% và 8,64% cổ phần VCF.

Đầu tuần qua, Quỹ đầu tư Beta và ông Lộc đã công bố bán CP VCF cho Masan Consumer. Như vậy, tính cả số 3,445 triệu CP VCF (tương đương 13,26% vốn điều lệ) mà Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã thoái vốn trước đó, có thể đã được bên môi giới gom cho Masan, thì số CP VCF mà Masan Consumer có thể mua được cũng tương đương 50% vốn điều lệ VCF. Phần nhỏ còn lại, Masan có thể mua gom trên sàn. Nếu đúng kịch bản này thì việc chào mua VCF của Masan coi như sắp thành công.

Còn nhớ, giai đoạn 2006-2007, Masan đã sở hữu 7,7% cổ phần của VCF và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Masan có "chân" trong HĐQT của VCF. Khi đó, Masan muốn tăng tỷ lệ nắm giữ ở VCF lên 20% nhưng không thành vì giá CP VCF bị đẩy lên quá cao, có thời điểm lên đến 200.000 đồng/CP. Sau đó, Masan đã chuyển nhượng toàn bộ CP cho ông Lộc nắm giữ và ông Quang rút khỏi HĐQT VCF. Tưởng chừng Masan không còn quan tâm đến VCF. Nhưng đến ĐHCĐ 2010 của VCF, các cổ đông tổ chức và ông Lộc đã đề cử ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt làm thành viên HĐQT của VCF. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Bản Việt và Masan đã được thiết lập vững chắc từ khi Bản Việt là công ty tư vấn niêm yết và phát hành cho Masan.

Nếu Masan Consumer công bố chào mua thành công VCF trong vài ngày tới thì có thể khẳng định, thương vụ này đã được ấp ủ suốt 5 năm qua.

VCF đứng nhìn và hy vọng

Câu chuyện ở TTCK Việt Nam là khi một bên ra thông báo chào mua công khai, điều đó có nghĩa là mọi sự đã rồi và vấn đề chỉ còn là hợp thức hóa quyền sở hữu mà thôi. Chưa nói đến bên mua Masan và nhà tư vấn Bản Việt đều hiểu quá rõ về VCF và Masan có đủ tiền cho thương vụ này. VCF không còn lựa chọn nào khác là tuyên bố "chấp thuận" chào mua công khai của Masan Consumer, sau một buổi gặp mặt giữa hai bên. Cổ đông lớn Vinacafe thì tuyên bố không bán tiếp phần vốn và vận động cán bộ công nhân viên nắm giữ CP không bán ra.

Theo thông tin ĐTCK có được, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan và một vài lãnh đạo quản lý của Masan Consumer đã tham dự cuộc gặp với HĐQT của VCF để trình bày về mục đích chào mua VCF. Thông tin tại cuộc họp này cũng không ngoài những nội dung chung là Masan đam mê ngành kinh doanh café và muốn hỗ trợ phát triển thị trường để VCF tăng trưởng tốt hơn.

Trên thị trường vẫn còn một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ về khả năng một công ty đã kinh doanh, phát triển tốt dòng hàng thực phẩm như nước chấm, mỳ ăn liền, liệu có khả năng kinh doanh tốt ngành hàng café? Thực tế cho thấy, Vinamilk đã phải bán nhà máy café và cổ phần hóa nhà máy bia để tập trung cho ngành kinh doanh cốt lõi là sữa.

Dù mục đích sau cùng của việc Masan mua VCF là gì thì VCF cũng sẽ có thêm động lực để phát triển sau thương vụ ấn tượng này.

Thu Hương

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   BaoViet Bank tăng vốn điều lệ lên 3,150 tỷ đồng đúng lộ trình (06/10/2011)

>   VPL: 14/10 chốt quyền lấy ý kiến sáp nhập VIC (06/10/2011)

>   VIC: 14/10 chốt quyền lấy ý kiến sáp nhập với VPL (06/10/2011)

>   Ma trận vốn liên kết và ủy thác (06/10/2011)

>   SVI đăng ký phát hành 2.05  triệu cổ phiếu thưởng (06/10/2011)

>   Vneco4 bị phạt 200 triệu đồng do chào bán chứng khoán sai luật (05/10/2011)

>   TCL thu gần 35.6 tỷ đồng từ việc phát hành thêm (05/10/2011)

>   THV: Quyết tăng vốn dù cổ phiếu giá “bèo” (04/10/2011)

>   SHP: Phát hành 8.3 triệu cổ phiếu tỷ lệ 100:10.78 (04/10/2011)

>   SVI, THV được phát hành hơn 46 triệu cổ phiếu (04/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật