Mạnh hơn từ những thương vụ
Làn sóng mua bán và sáp nhập DN (M&A) từ nước ngoài tăng mạnh ở nhiều lĩnh vực trong năm 2011.
Cụ thể như mới đây Diageo - DN sở hữu các thương hiệu rượu Johnnie Walker, Smirnoff, Bailey… “gom” 6 triệu cổ phần (30%) vốn của Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) với giá 213.600 đồng/cổ phần. Giấy Sài Gòn phát hành 38% cổ phần cho hai đối tác Nhật, Quỹ đầu tư Nhật mua 25% cổ phần của Nutifood. Hay mới đây nhất là vụ Vietcombank (HOSE: VCB) phát hành 15% cổ phiếu của Ngân hàng Mizuho (Nhật)…
Nhận định về làn sóng này, ThS Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Win-Win, cho biết nguyên nhân thu hút M&A tại Việt Nam là do thời điểm kinh tế khó khăn, mức định giá cổ phần DN thấp hơn và nước ta là thị trường tiềm năng. Ngoài ra, do DN nước ta đang có nhu cầu thực sự về M&A và lợi ích từ M&A mang lại. Lợi ích thứ hai là đạt được hiệu quả dựa vào DN quy mô lớn cũng giúp giảm thiểu chi phí, tạo ưu thế đàm phán. DN Việt Nam sẽ được trang bị công nghệ mới, hiện đại tăng năng lực sản xuất. M&A đối với DN nước ngoài là nhằm mở rộng thị trường mới, tăng trưởng doanh thu và thu nhập, mở rộng các kênh marketing và hệ thống phân phối, đây sẽ là lợi ích DN nước ta có được. Bên cạnh đó, vị thế của DN mới sau khi sáp nhập sẽ tăng lên trong mắt cộng đồng đầu tư: DN lớn hơn có lợi thế hơn và có khả năng tăng vốn dễ dàng hơn một DN nhỏ.
Ông Đỗ Thanh Năm cho biết thêm, một lợi ích mà cũng là áp lực cho DN Việt Nam nữa là giảm nhân viên làm việc kém hiệu quả. Khi hai hệ thống sáp nhập lại sẽ làm giảm nhiều công việc gián tiếp, ví dụ các công việc văn phòng, tài chính kế toán hay marketing… Việc giảm thiểu vị trí công việc cũng đồng thời với đòi hỏi tăng năng suất lao động. DN Việt Nam sẽ được tiếp xúc, học hỏi cách quản lý DN khoa học, hiệu quả từ DN nước ngoài.
Theo ông Đỗ Thanh Năm, khi hai công ty sáp nhập dễ nhìn thấy khả năng đạt được lợi thế quy mô nhưng đôi khi nó lại có hiệu ứng ngược lại. Trong nhiều trường hợp, một cộng một lại nhỏ hơn hai. Do đó, việc phân tích chính xác mức độ cộng hưởng trước khi tiến hành những thương vụ M&A rất quan trọng. Khá nhiều nhà quản lý DN đã cố tình vẽ ra bức tranh cộng hưởng để tiến hành các vụ M&A nhằm trục lợi từ việc định giá DN. DN Việt Nam ngoài các yếu tố trên còn phải lựa chọn DN mục tiêu có thể thực hiện mục tiêu lâu dài là nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới và hiện đại hóa. Lựa chọn chiến lược và thời điểm để tiến hành mua lại rất quan trọng vì nó quyết định sự thành công và giá mua. Hiện nay có mấy vụ M&A cố tình quảng bá lên thành những “vụ của năm” nhưng thực chất giá trị trong đó rất nhỏ nhằm “đánh lừa” nhà đầu tư và người tiêu dùng mà thôi.
Quang Huy
Pháp luật TPHCM
|