Làm gì trước chính sách mua lúa giá cao của Thái Lan?
Việt Nam cần giải quyết bài toán về lựa chọn chiến lược xuất khẩu gạo trước sự chuyển động của Thái Lan.
Chính sách mua lúa giá cao của Chính phủ Thái Lan đang đe dọa đến sự phát triển của ngành xuất khẩu gạo của nước này. Dự kiến thời gian áp dụng chính sách mới từ đầu tháng 10-2011 đến tháng 2-2012. Việc nâng giá lúa gạo trong nước sẽ đẩy giá gạo Thái Lan tăng mạnh trên trường quốc tế, và làm cho năng lực cạnh tranh của gạo Thái Lan trở nên suy yếu. Mặc dù là nhà cung cấp gạo lớn nhất thế giới nhưng Thái Lan không thể một mình quyết định được thị trường. Một nhà kinh tế của Viện Lúa quốc tế (IRRI) có trụ sở ở Philippines cho rằng thị trường gạo toàn cầu là thị trường của người mua chứ không phải của người bán. Điều này cũng hàm ý rằng gạo mặc dù là lương thực thiết yếu nhưng không như thị trường dầu lửa, nơi các nước xuất khẩu lớn có thể làm mưa làm gió được. Khi giá của Thái Lan bị đẩy lên cao, khách hàng sẽ bỏ đi tìm kiếm các nguồn cung mới.
Vấn đề là những khách hàng bỏ Thái Lan sẽ đi về đâu? Đó có thể là Việt Nam và cũng có thể là Ấn Độ - quốc gia đang trở lại rất ấn tượng vì chào giá gạo rất rẻ - hoặc Pakistan, Mỹ và vài nước Nam Mỹ. Đây chính là một thời điểm thuận lợi để Việt Nam nắm lấy cơ hội. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các bộ ngành cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khai triển một chương trình hành động để nâng cao vị thế hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Từ trước đến nay Việt Nam chưa có một chiến lược định hình kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược an ninh lương thực nhưng chỉ chú trọng mặt cung và hướng tới đảm bảo cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ của quốc gia chứ chưa có tính đến triển vọng xuất khẩu. Bộ Công Thương có các đề án xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm, nhưng các yếu tố về thị trường quốc tế, đối thủ cạnh tranh, năng lực của doanh nghiệp ngành lúa gạo lại chưa được xem xét một cách đầy đủ. Và như vậy, việc thiếu các chương trình phát triển chuyên biệt cho lĩnh vực xuất khẩu gạo đã dẫn đến việc Việt Nam thiếu các kế hoạch đầu tư phát triển xuất khẩu gạo.
Các câu hỏi kiểu như vị trí xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay ở đâu và tương lai ra sao? Việt Nam sẽ cạnh tranh với Thái Lan thế nào? Gạo Việt Nam sẽ tập trung vào phân khúc thị trường nào? Việt Nam cần làm gì để cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo?... đã trở nên cấp thiết với ngành kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trong nhiều năm nay, và ở thời điểm hiện tại càng trở nên cấp thiết. Bởi không chỉ có ngành gạo Thái Lan đang lún vào sự trì trệ hay sự quyết tâm xuất khẩu gạo của Campuchia mà còn có cả những thay đổi của Philippines trong cơ chế nhập khẩu gạo cùng sự nổi lên của thị trường nhập khẩu Trung Quốc đầy tiềm năng.
Một điểm đáng chú ý nữa là mới đây Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Kittiratt Na-Ranong tuyên bố nước này sẵn sàng từ bỏ vị trí cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuyên bố này cũng có thể là một sự cực chẳng đã khi phải “đâm lao” thực hiện chính sách vốn là một cam kết nhằm “mua lá phiếu ủng hộ từ nông dân” của đảng Pheu Thái. Trong bối cảnh đó, Việt Nam dường như được nhìn nhận như là ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vậy NẾU Thái Lan sẵn sàng hoặc PHẢI từ bỏ vị thế là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thì Việt Nam cần chuẩn bị gì và cần làm những gì để đứng ở vị trí này? Người đứng đầu có thể ảnh hưởng đến cuộc chơi theo hướng có lợi nhất cho mình nhưng nếu không đủ tầm cũng sẽ lãnh nhiều rủi ro hơn. Dường như Việt Nam cũng chưa có nhiều sự chuẩn bị cho những câu hỏi như vậy.
Đó là câu chuyện vĩ mô, còn doanh nghiệp thì sao?
Mặc dù chưa hết năm 2011, nhưng năm nay là một năm rất khó khăn của ngành xuất khẩu gạo khi các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn do sự trồi sụt của giá nguyên liệu, lãi suất vốn vay cao, hay nỗi lo đầu tư kho bãi và xin giấy phép xuất khẩu theo Nghị định 109. Thực tế, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, một phải co hẹp sản xuất, một số khác thì đang trên bờ vực phá sản.
Có thực mới vực được đạo, trước khi nói chuyện chiến lược xa xôi thì phải đẩy mạnh kết quả kinh doanh của ngày hôm nay trước đã. Các nhà điều hành đang hàng ngày phải đối mặt với các câu hỏi như khi nào, bao lâu, giá bao nhiêu cho việc mua nguyên liệu, tạm trữ, xuất bán gạo. Ngập đầu trong các công việc sự vụ như vậy thì còn đâu thời gian nghĩ đến chuyện chiến lược. Nhưng, nói gì thì nói, một doanh nghiệp có tầm nhìn và định hướng bài bản sẽ có nhiều khả năng phát triển. Và việc hoạch định một chiến lược mới trong bối cảnh như hiện nay sẽ có thể tạo nên đột phá cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong tương lai.
Phạm Quang Diệu
tbktsg
|