Giá xăng lại sắp giảm mạnh?
Trong vài ngày trở lại đây giá xăng trên thị trường thế giới đã liên tục được điều chỉnh giảm, khiến nhiều người tiêu dùng đang hy vọng về một đợt giảm giá mặt hàng này.
Giá xăng trên thị trường trong những ngày vừa qua đã liên tục diễn ra theo xu hướng đi xuống. Tính đến ngày 10/10, giá cơ sở của mặt hàng này tại thị trường Singapore giảm xuống chỉ còn 119,78 USD/thùng. Trong khi đó, giá các loại dầu diezen, dầu hỏa lại đồng loạt tăng.
Với xu hướng giảm này và mức giá đang được niêm yết như hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã kỳ vọng giá xăng có thể điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất có thể, để giảm gánh nặng chi tiêu trong bối cảnh mọi hàng hóa đều tăng cao.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong thời gian này giá xăng khó có thể giảm do đang là thời điểm kiểm tra tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối.
Trước đó, các mặt hàng dầu đã được điều chỉnh giảm theo xu hướng đi xuống của thế giới. Cụ thể, giá bán lẻ các loại diezen giảm 400 đồng/lít; dầu hoả dân dụng giảm 300 đồng/lít.
Cùng với xăng dầu, giá các mặt hàng thực phẩm cũng là vấn đề được khá nhiều người tiêu dùng quan tâm, bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày.
Bộ Công Thương cho biết từ nay đến cuối năm, thị trường hàng hóa có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó đáng chú ý là áp lực lạm phát, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt, giá cả các hàng hóa còn nhiều biến động do ảnh hưởng các yếu tố như thời tiết, dịch bệnh và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.
Cụ thể, trong vài ngày trở lại đây, giá rau, củ, quả tại thị trường Hà Nội đã liên tục được điều chỉnh tăng mạnh do tác động của mưa gió kéo dài, khiến nguồn cung bị sụt giảm. Hiện giá các mặt hàng này đã tăng thêm khoảng 20 – 40% so với cách đây nữa tháng.
Dự báo, nếu tình hình thời tiết trong thời gian tới còn bất lợi mưa nhiều, giá các loại rau xanh sẽ còn tăng do nguồn cung cạn kiệt.
Trong khi đó, đối với mặt hàng lương thực, do chịu tác động của thị trường thế giới và tính mùa vụ của sản xuất nông nghiệp nên thị trường lúa gạo trong nước cũng sẽ bị biến động.
Một mặt hàng cũng được dự báo tăng trong những tháng cuối năm đó là đường. Nguyên nhân do đây là thời gian các doanh nghiệp gom mua vật liệu để chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.
Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, mặc dù giá thịt lợn đang có biến động mạnh, nhưng nguồn cung từ nay đến cuối năm sẽ vẫn được đảm bảo.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến cuối năm, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ vào khoảng 175.000 tấn thịt lợn xẻ và 55.000 tấn thịt gia cầm, các loại thịt khác còn vào khoảng 13.000 tấn. Thêm lượng thịt gia cầm nhập khẩu, hoàn toàn có đủ để cung ứng cho thị trường, không bị khan hiếm.
Nhận định về nguồn cung thịt lợn trong thời gian vừa qua, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, phát triển chăn nuôi cần có cái nhìn dài hơi, cần đi sâu phân tích từng thời điểm, giai đoạn gặp khó khăn của ngành; phải tìm hiểu xem vì sao chăn nuôi trang trại, nông hộ có xu hướng đi xuống để tìm ra giải pháp phát triển bền vững. Nếu không giải quyết dứt điểm các vấn đề này, sản xuất sẽ đình đốn, không phát triển, người chăn nuôi thậm chí phải thu hẹp sản xuất, người tiêu dùng càng thêm thiệt thòi.
Ngoài những mặt hàng trên, thép xây dựng cũng được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tăng trở lại, sau một thời gian dài “ngủ đông”.
Hiện giá bán thép tại nhà máy ở thị trường trường miền Bắc, đang bán phổ miến ở mức 16,51-16,55 triệu đồng/tấn đối (chưa bao gồm VAT); còn đối với miền Nam là 16,32-17,14 triệu đồng/tấn.
Đối với phân bón, mặc dù chưa bước vào vụ Đông Xuân và nguồn cung được khẳng định không thiếu, nhưng do tác động từ thị trường thế giới cùng với chi phí sản xuất, vận chuyển và tính mùa vụ của nông nghiệp nên giá phân bón trong nước đã tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ.
Yến Nhi
vnmedia
|