Đầu cơ vàng nằm ở đâu?
Vì sao nhu cầu mua vàng bắt đầu chững lại khi thông tin các ngân hàng có thể được chuyển một phần vàng huy động thành tiền và được mở tài khoản vàng ở nước ngoài loang ra? Bởi khi đó thị trường vàng trong nước sẽ liên thông gần như hoàn toàn với thị trường quốc tế và nguồn cung vàng sẽ không còn là một ốc đảo với lối ra vào hẹp duy nhất là hạn chế nhập khẩu vàng vật chất.
Giống như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, thông thường người ta đổ xô đi mua vàng khi thấy giá lên và khả năng sẽ còn lên. Cho dù không phải với mục đích đầu tư, mà chỉ là bảo toàn đồng tiền có được, nhiều người sẽ lưỡng lự khi mua vàng nếu nhận thấy khả năng giá vàng biến động khó lường trong tương lai.
Đầu cơ vàng ở Việt Nam thời gian qua đã được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là sự gia tăng mạnh mẽ, kéo dài của giá vàng quốc tế. Thứ hai là một thị trường nội địa bị ngăn sông cấm chợ, chia năm xẻ bảy với các quy định riêng rẽ và mang tính chạy từ thái cực này qua thái cực khác. Thứ ba là nhu cầu bảo toàn vốn của người dân khi lãi suất tiết kiệm giảm về 14%/năm trong khi các kênh đầu tư truyền thống đang không thuận lợi.
Tận dụng bối cảnh đó, giới đầu cơ đã tạo ra một quy luật bất thành văn nhằm nuôi dưỡng nhu cầu mua vàng. Đó là duy trì giá vàng trong nước ở mức cao bất chấp sự lên xuống của giá quốc tế. Ngay cả khi giá quốc tế giảm mạnh, giá vàng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. Từ đây, tạo tâm lý giá vàng khó giảm và trong trường hợp có giảm, cũng chỉ giảm chút ít. Nó có tác dụng kích thích người đang sở hữu vàng tiếp tục nắm giữ, không bán ra. Còn đối với người chưa có vàng, nó giục giã người ta mua. Nếu giá vàng nội cũng nhảy lên tụt xuống với mức hàng chục đô la Mỹ/ounce/ngày như giá vàng ngoại, hẳn nhiều người sẽ tạm dừng ý định mua vàng để quan sát nhằm tránh rủi ro.
Chìa khóa của đầu cơ vàng là giá vàng. Nhưng giá ấy do ai quyết định? Không phải ngẫu nhiên mà các trung tâm giao dịch vàng lớn đều nhìn nhau, thận trọng niêm yết giá mua giá bán và bao giờ cũng đưa ra một mức giá gần bằng nhau. Chênh lệch, nếu có, chỉ 3.000-5.000 đồng/lượng - một mức rất không đáng kể. Các tiệm vàng mua bán lẻ đều trông vào giá niêm yết của SJC, còn SJC lấy giá giao dịch từ đâu? Hay tự họ đưa ra giá?
SJC là doanh nghiệp nhà nước, là nơi duy nhất có xí nghiệp chế tác vàng miếng, và là một trong những nguồn cung vàng lớn cho thị trường. Giá vàng được SJC niêm yết hàng ngày, theo như doanh nghiệp này cho biết, căn cứ vào giá thế giới và cung cầu thị trường nội địa. Giá thế giới thì dễ rồi, chỉ cần vào mạng Internet là biết giá vàng quốc tế từng giây, từng phút. Còn cung cầu thị trường trong nước được xác định trên số lượng vàng mua bán của ngày hôm trước tại những đầu mối lớn.
Nguyên tắc kinh doanh của những công ty vàng là luôn cân bằng trạng thái vàng họ sở hữu, mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. Họ để trạng thái âm, tức bán ra nhiều hơn mua vào, nếu nhận thấy có điều kiện mua vào để bù đắp phần thiếu hụt trong những ngày kế tiếp với mức giá thấp hơn giá đã bán. Tuy nhiên do giá vàng quốc tế phập phù, mọi dự đoán đều có thể không như thực tế, nên ít công ty để trạng thái âm.
Ngay cả trong trường hợp được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, việc để trạng thái âm ở mức ngang với số lượng vàng được cấp phép nhập khẩu cũng không hoàn toàn loại trừ rủi ro. Giá vàng nhập thấp hơn giá đã bán trong nước thì các đầu mối nhập có lời, nhưng chẳng may giá thế giới vọt lên thì doanh nghiệp đã bán vàng trước đó vẫn lỗ như thường.
Giá vàng niêm yết đầu ngày của SJC và một số ngân hàng, theo quan sát của chúng tôi, luôn có khoảng cách chênh lệch với giá quốc tế. Sau đó giá được điều chỉnh liên tục, có khi hàng chục lần/ngày. Vấn đề là ở chỗ không có một cơ quan quản lý nào kiểm tra, kiểm soát xem liệu giá niêm yết của SJC, ngân hàng và các đầu mối giao dịch vàng lớn đã ở mức hợp lý so với giá quốc tế và cung cầu thị trường.
Mục tiêu hàng đầu của SJC và các doanh nghiệp vàng là lợi nhuận, chứ không phải làm nhiệm vụ ổn định thị trường. Vì thế quan niệm cho rằng doanh nghiệp nhà nước như SJC phải gánh vác trách nhiệm ổn định thị trường là thiếu thực tế.
Sự điều tiết và kiểm soát thị trường vàng, nhìn từ góc độ này, đang bị buông lỏng. Nhớ lại năm 1991-1992 mỗi chi nhánh NHNN địa phương có một công ty kinh doanh vàng bạc đá quý. Sau đó các công ty này được giải thể và thế vào đó là tổng công ty vàng bạc đá quý do NHNN quản lý. Thị trường vàng mở ra, tư nhân được tham gia mua bán chính thức.
Mở cửa thị trường vàng là một chủ trương đúng. Tuy nhiên mở như thế nào, ở mức độ nào, mới là cốt lõi vấn đề. Quản lý vàng phải như quản lý ngoại tệ. Một khi xác định được rõ ràng như vậy thì mới xác định được vai trò của Nhà nước đến đâu trên thị trường vàng!
Đối với thị trường vàng hiện nay, Nhà nước mà cụ thể là NHNN, phải thực thi hai nhiệm vụ cùng lúc: kiểm soát, ổn định giá vàng (ổn định hiểu theo nghĩa giá trong nước ngang bằng giá quốc tế) và tìm biện pháp thu hút nguồn vàng trong dân đưa vào sử dụng phát triển kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, giải pháp tối ưu có lẽ là thành lập công ty kinh doanh vàng trực thuộc NHNN hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Với vai trò người mua bán vàng cuối cùng trên thị trường giống như ngoại tệ, công ty kinh doanh vàng có chức năng xuất nhập khẩu, điều hòa thanh khoản thị trường, mở tài khoản vàng nước ngoài để trực tiếp giao dịch. Vàng có thể dễ dàng chuyển đổi thành ngoại tệ và ngược lại trên thị trường thế giới, nên việc thu hút được nguồn vàng trong dân sẽ có tác động tích cực đến dự trữ ngoại hối quốc gia. Và quan trọng hơn, ổn định được giá vàng sẽ giúp ổn định tỷ giá và giá trị đồng nội tệ.
Thành Nam
tbktsg
|