Chuộng căn hộ chung cư cũ
Dù căn hộ chung cư cũ hấp dẫn người dân nhưng không thu hút doanh nghiệp do đầu tư xây dựng lại không có nhiều lợi nhuận.
Trái với xu thế giao dịch “đóng băng” và xuống giá của thị trường nhà đất Hà Nội nói chung, thị trường nhà chung cư cũ ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng vẫn giữ giá cao chót vót và giao dịch mạnh.
“Hở” ra là hết
Trong khi giá chung cư mới và nhà liền kề, biệt thự ở Hà Nội đang ế ẩm và xuống giá mạnh, thậm chí có nơi nhà đầu tư còn bán dưới giá chủ dự án bán ra để thu hồi vốn trả ngân hàng thì thị trường nhà chung cư ở 4 quận nội thành nói trên lại giữ giá ở mức cao. Trong khi chất lượng các căn hộ này hầu hết đã xuống cấp, không gian sống chật hẹp, chỗ để xe nhỏ và thường chỉ để được xe máy, xe đạp và đã bị cơi nới, sửa chữa, chắp vá.
Mới đây, một căn hộ chung cư cũ có diện tích 42 m2, ở tầng 5 (trong đó, sổ đỏ là 34 m2, còn 8 m2 là cơi nới) trên phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm vừa được giao dịch với giá 2,2 tỉ đồng. Như vậy, với mức giá bán này thì 1 m2 chung cư cũ này là trên 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Vượng, người vừa dốc túi mua căn hộ, cho hay nhà có chật, giá đắt thật nhưng thuận tiện và phù hợp cho cuộc sống hằng ngày của gia đình. Trong khi một căn hộ khác có diện tích tương tự và nằm kế bên được chủ giao với mức giá 2,6 tỉ đồng.
Còn căn hộ tại khu tập thể gần 40 năm tuổi ở Phương Mai, quận Đống Đa có tổng diện tích 65 m2 gồm cả cơi nới cũng được giao với giá 3,5 tỉ đồng. Hàng loạt căn hộ chung cư ở các phố Lý Nam Đế, Hàng Vôi, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Hàng Bún, Phạm Hồng Thái, Ngô Tất Tố, Nguyễn Trường Tộ… có tuổi đời từ trên 20 đến gần 50 năm cũng đều được giao với giá xấp xỉ 50 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi tới 60 triệu đồng/m2. Trong khi các đô thị mới ở phía ngoài như Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công, Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Đông… giá chỉ từ 25 - 35 triệu đồng/m2, ngay cả Trung Hòa Nhân Chính, khu được xem là hàng “hot”, giá hiện đã giảm còn 40 triệu đồng/m2.
Phù hợp nhu cầu người dân
Sở dĩ giá chung cư cũ ở khu vực nội đô đắt như vậy vì vẫn có số đông người dân có tâm lý ngại ở các khu đô thị mới, xa trung tâm, không thuận tiện việc đi làm, con cái đi học, thiếu cơ sở hạ tầng như y tế, chợ búa, siêu thị, khu mua sắm, trung tâm giải trí và hay tắc đường, úng ngập. “Người trong phố ở chật chội đến mấy vẫn chịu vì họ thường ngại chuyển ra nơi xa có diện tích rộng hơn nhưng khác biệt về thói quen sống từ đi chợ đến ăn sáng; mua sắm đồ trong phố thường ngon và tốt hơn. Còn để mua nhà đất ở nội đô lại quá đắt nên chung cư cũ là sự lựa chọn”, một người mua nhà chung cư cũ cho biết như vậy.
Theo phân tích của giới kinh doanh nhà đất, thị trường chung cư cũ nội thành chưa khi nào có xu hướng giảm giá và được không ít người dân dư tiền thu gom bán kiếm lời hoặc để giữ tiền không phải là xu hướng đầu tư mới mà đã thành truyền thống của thị trường nhà đất Hà Nội. Do vậy, nhiều người dân có tiền mặt đã nhắm tới khả năng sinh lời của loại chung cư cũ này nên sẵn sàng thu gom các căn hộ được chủ giao bán với giá chấp nhận được.
Hấp dẫn người dân là vậy nhưng hầu hết chung cư cũ lại không hấp dẫn được các doanh nghiệp vì nếu bỏ tiền ra coi như doanh nghiệp lãnh đủ vì bị khống chế chiều cao và hệ số sử dụng đất. Chỉ một số khu nằm ở cuối 4 quận nội thành nói trên hoặc đặc biệt có không gian rộng như khu Thành Công, Giảng Võ, Nam Cao… mới hấp dẫn các chủ đầu tư lớn.
Ngọc Hạ
Người lao động
|