Bán khống tăng mạnh nhất từ năm 2006
(Vietstock) - Hoạt động bán khống trên toàn thế giới tăng mạnh nhất trong 5 năm trong giai đoạn từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9. Đây là dấu hiệu cho thấy mức định giá thấp nhất từ năm 2009 không thể ngăn chặn được tình trạng thua lỗ sau khi 11 ngàn tỷ USD bốc hơi khỏi các thị trường chứng khoán.
Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu Data Explorers tại London, tỷ trọng cổ phiếu vay mượn trong tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên toàn thị trường tăng từ 9.5% trong tháng 7 lên 11.6% trong tháng 9, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2006.
Các giao dịch sinh lời khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm đã tăng lên mức cao 4 năm trong khi số cổ phiếu bán khống tại Mỹ đang đứng ở mức cao nhất kể từ năm 2009. Tỷ lệ này trên sàn New York là khoảng 4.1%, cao hơn so với mức 3.5% vào cuối tháng 7. Số liệu của Bloomberg cho thấy tỷ trọng cổ phiếu bị bán khống trong S&P 500 là 3.19%.
Data Explorers cho biết cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trong chỉ số Dow Jones là Alcoa, với số lượng cổ phiếu vay mượn chiếm 4.4% trong tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Trong số các công ty niêm yết trên sàn New York, cổ phiếu của Pfizer và General Electric bị bán khống nhiều nhất trong tháng qua.
Tại châu Âu, tỷ trọng cổ phiếu bị bán khống trong tổng số cổ phiếu đang lưu hành tăng lên 2.8%, cao hơn mức 2.6% trong đầu tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 6. Ngày 11/08, các nhà điều hành tại Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ đã cấm hoạt động bán khống đối với 66 tổ chức tài chính sau khi chỉ số Euro Stoxx Ngân hàng lao dốc 33% trong năm nay.
Sự giảm tốc của nền kinh tế đã khiến hoạt động bán khống gia tăng sau khi chỉ số chứng khoán của 37/45 quốc gia lao dốc 20%, tức bước vào thị trường giá xuống.
Những người lạc quan cho rằng đà điều chỉnh đã đi quá xa khi định giá của chỉ số MSCI Thế giới chỉ bằng một nửa của mức trung bình 16 năm, chỉ cao hơn mức cách đây 3 năm sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers. Theo số liệu của Bloomberg, mức thiệt hại trong tháng 5 cao hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Hiện MSCI Thế giới giao dịch với P/E là 11.8 lần, thấp hơn mức 11.9 lần trong 5 tháng sau vụ sụp đổ của Lehman. Số liệu của Bloomberg cho thấy P/E bình quân kể từ năm 1995 đến nay của chỉ số này là 21.
Phạm Thị Phước (Theo Bloomberg)
|