Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar đón làn sóng đầu tư du lịch
Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar sẽ trở thành những điểm đến nổi tiếng; sẽ có làn sóng đầu tư vào hạ tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... trong thời gian tới.
|
Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội nghị - |
Đó là những nhận định ban đầu của nhiều đại biểu tham dự hội nghị quốc tế đầu tư du lịch bốn quốc gia, với sự tham gia của bộ trưởng du lịch bốn nước.
Thu hút gần 300 đại biểu là các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư... đến từ bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch VN), báo Tuổi Trẻ , Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức ngày 13-9 tại TP.HCM
Khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế 2011
Tối 13-9, Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần 7 (ITE HCMC 2011) khai mạc. Từ hôm nay 14-9, hội chợ sẽ mở cửa tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC, Q.7, TP.HCM). Ban tổ chức cho biết có 205 gian hàng tham gia chính thức gồm các cơ quan, tổ chức du lịch nước ngoài: Campuchia, Lào, Myanmar, Hàn Quốc, Ấn Độ... và hơn 22 cơ quan xúc tiến thương mại các địa phương trong nước.
Trước đó, tối 12-9, tại khách sạn InterContinental, ban tổ chức ITE đã tổ chức trao các “Giải thưởng du lịch bốn nước”: công ty du lịch quốc tế tốt nhất trong năm, khách sạn, nhà hàng tốt nhất trong năm và giải thưởng bài báo du lịch hay nhất năm cho phóng viên Lê Nam báo Tuổi Trẻ . |
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhận định hội nghị sẽ là tiền đề tốt để du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar đón nhận làn sóng đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong thời gian tới. Các đại biểu đến từ bốn quốc gia cho rằng chương trình kết nối điểm đến chung sẽ làm tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng du lịch của cả bốn quốc gia.
Ông Lê Khắc Hiệp, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), cho rằng bốn quốc gia trong liên kết có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, có nhiều thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử, di sản văn hóa... vì vậy tổ chức một tour đi được cả bốn nước sẽ thành công. Đây là điểm nhấn để thu hút khách đến khu vực trong thời gian tới. Khai thác lợi thế này, vừa qua Vingroup đầu tư vào du lịch qua thương hiệu Vinpearl (VPL) với chuỗi các dòng sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng và lưu trú với hai dòng thương hiệu là Vinpearl Luxury và Vinpearl Resort tại Nha Trang, Đà Nẵng.
Ông Hiệp cho biết sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào ngành du lịch. “Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng hoạt động ra Hội An, Phú Quốc, Đà Lạt... Vinpearland sẽ được đầu tư lớn hơn, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, mở rộng những hoạt động hiện có để kéo dài thêm ít nhất một ngày lưu trú khi khách đến Nha Trang”, ông Hiệp nói.
Tương tự, ông Trần Hùng Việt, tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng cho liên kết một điểm đến chung. Saigontourist đã đón đầu mối liên kết “Bốn quốc gia - một điểm đến” bằng việc in, phát hành ấn phẩm trên 100 trang về du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar đến hơn 200 hãng lữ hành trong nước và nước ngoài. Trước khi phát hành ấn phẩm này, Saigontourist đã khảo sát, chuẩn bị tour xuyên bốn nước chu đáo. Đây là các bước chuẩn bị cho hoạt động của Saigontourist trong năm 2012.
Ông Việt cho biết Saigontourist đã tính đến việc đầu tư sang Lào và Campuchia, trước mắt sẽ phát triển lữ hành, sau đó là nhà hàng, khách sạn. Trong nước, từ nay đến năm 2015, trung bình mỗi năm khoản đầu tư mới ước 1.000 tỉ đồng. “Một visa đi bốn nước”
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, du khách, vấn đề đặt ra cho bốn quốc gia trong liên kết “Bốn quốc gia - một điểm đến” là phải có sự thay đổi về mặt chính sách, cùng với sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ sẽ tích cực đưa những thông tin về chính sách đến nhà đầu tư nhanh và chính xác nhất.
Theo ông Vương Đình Lam, giám đốc phát triển hàng hải, Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (ĐH Quốc gia Hà Nội), Việt Nam chưa có cảng du lịch, chưa có tàu du lịch, chưa có tuyến hàng hải trên biển nối các vùng miền và liên kết với các nước trong khu vực, chưa có nhà đầu tư tham gia dự án cảng du lịch... Do đó, Chính phủ cần ưu tiên cho phát triển cảng hành khách. Ông Kevin Wallace, chủ tịch Công ty quản lý khách sạn, resort Centura, cho rằng việc liên kết bốn quốc gia thành một điểm đến là một sáng kiến rất hay. Vấn đề còn lại là cơ sở hạ tầng cần được đầu tư hơn nữa.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách đang chuyển dần sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó du lịch các nước ASEAN giữ vai trò quan trọng, hiện chiếm 36% lượng khách và 38% du lịch toàn khu vực.
Trưởng ban tiếp thị và sản phẩm Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) Nguyễn Thượng Hoàng Hải cho biết VNA đã có một nghiên cứu cho thấy cứ bốn khách đi kết hợp điểm đến thì có ba khách đi kết hợp với điểm đến Lào, Campuchia, Myanmar. Xu hướng này vẫn tiếp tục tăng. Theo ông Hải, năm 2005 VNA có bốn đường bay đến Phnom Penh, Siem Reap (Campuchia) và Vientiane (Lào) tần suất 59 chuyến/tuần nay đã tăng lên 106 chuyến/tuần với 12 đường bay cho sáu điểm đến ở Campuchia, Lào, Myanmar. “Để điểm đến thật sự hấp dẫn khách du lịch, các nhà đầu tư, chính phủ bốn nước cần nghiên cứu nới lỏng chính sách cấp thị thực nhập cảnh đặc biệt với các nước từ thị trường nguồn. Một trong những giải pháp hiệu quả là thực hiện cấp visa chung “một quốc gia đi bốn nước” theo mô hình các nước châu Âu trong cộng đồng Schengen”, ông Hải đề xuất.
Mời gọi đầu tư vào du lịch ĐBSCL
Trong phần hai của Hội nghị quốc tế đầu tư du lịch, chiều 13-9, hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của trên 100 đại biểu là lãnh đạo các địa phương, nhà đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí... Ban chỉ đạo diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Cà Mau 2011 cho biết đây là cơ hội để mời gọi nhà đầu tư tham gia lĩnh vực du lịch của đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội thảo, có 88 dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, hạ tầng giao thông được trưng bày, giới thiệu đến các nhà đầu tư. Tổng vốn kêu gọi khoảng 19.230 tỉ đồng. |
Lê Nam - Bạch Hoàn
Tuổi Trẻ
|