Thứ Năm, 08/09/2011 16:29

Tạm ngừng khai thác khoáng sản: Quyết định đúng, nhưng hơi muộn

Một trong những thông tin đáng chú ý từ phiên họp thường kỳ tháng 8-2011 của Chính phủ là yêu cầu tạm ngưng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong bối cảnh hoạt động khai thác khoáng sản đã phát triển quá tầm kiểm soát và ngày càng lộ rõ nhiều bất cập, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và môi trường, thì đây là một quyết định đúng.

Tàu vận chuyển than khai thác ở tỉnh Quảng Ninh. 

Tuy nhiên, nó được đưa ra hơi muộn màng, khi mà hầu hết mỏ khoáng sản đã có chủ, họ là các doanh nghiệp và không loại trừ khả năng có phần của cả một số cán bộ địa phương.

Theo Thanh tra Chính phủ, các địa phương đã cấp đến 3.882 giấy phép khai thác khoáng sản và 121 giấy phép thăm dò. Nếu cộng thêm số giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, thì tổng số giấy phép khai thác đã lên đến 4.100 và số giấy phép thăm dò là 203. Đây là số liệu thống kê được đến giữa tháng 9-2009, nên chắc chắn nó đã lạc hậu. Điều đáng nói là cả nước chỉ có khoảng 5.000 điểm mỏ khoáng sản, nên có thể dễ dàng nhận ra yêu cầu tạm ngừng cấp giấy phép mới của Thủ tướng sẽ chỉ có tác dụng hạn chế.

Khai thác tài nguyên từ lâu nay được xem như nguồn lợi béo bở và theo điều tra của Viện Tư vấn phát triển, hoạt động này bùng phát mạnh kể từ năm 2005. Việc cấp phép không theo quy hoạch, vượt quy hoạch là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương. Thậm chí không ít địa phương còn cố tình lách luật bằng cách chẻ những mỏ lớn ra thành những mỏ nhỏ để khỏi phải ra xin phép trung ương. Ngoài ra, cũng không loại trừ hoạt động cấp giấy phép, khai thác khoáng sản còn bị các nhóm lợi ích thao túng.

Kết quả điều tra của Viện Tư vấn phát triển còn phát hiện nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực, không có hồ sơ thiết kế mỏ, không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc chỉ làm chiếu lệ theo thủ tục… nhưng vẫn được cấp phép.

Trong số hơn 2.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang hoạt động, trên 90% là những công ty có quy mô vừa và nhỏ. Hầu hết trong số này không đủ khả năng đầu tư thiết bị và công nghệ thích hợp để khai thác hiệu quả. Điều đáng nói là cơ quan quản lý nhà nước đã biết rất rõ bất cập này, nhưng lại không có hành động kịp thời để khắc phục.

Cách nay gần năm năm, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã triển khai một đề án nghiên cứu về vấn đề này. Kết quả thẩm định năng lực của các tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã phát hiện tình trạng do không có đủ năng lực về trang thiết bị, công nghệ, nhân lực… một số tổ chức, cá nhân sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã thuê các đơn vị khác khai thác và chỉ quan tâm kiểm tra, giám sát khối lượng sản phẩm. Các đơn vị được thuê chỉ tập trung khai thác những chỗ dễ khai thác, quặng giàu, thuận tiện cho việc vận chuyển, làm thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Một vài số liệu điều tra đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thu hồi ở các mỏ vàng chỉ đạt 30-40%, nghĩa là thất thoát đến 60-70%. Tương tự, mức thất thoát trong khai thác than hầm lò đến 40-60%, quặng apatit 26-33% và tỷ lệ thất thoát bình quân ở các mỏ kim loại 10-30%. Một tỷ lệ lãng phí khổng lồ.

Không chỉ lãng phí tài nguyên, hoạt động khai thác khoáng sản phát triển vô tội vạ còn gây ra những tác hại nghiêm trọng về môi trường. Hàng ngàn héc ta rừng bị tàn phá; các con sông, con suối ở đầu nguồn bị ô nhiễm nặng nề và ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như hoạt động canh tác ở tại chỗ và vùng hạ du. “Kết quả thanh tra, kiểm tra hồ sơ cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản và khai thác nước cho thấy các thủ tục về bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác thường được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định xem nhẹ, có nội dung sơ sài, hình thức, không phản ánh được đầy đủ những tác động của các dự án khai thác đến môi trường, cũng như không đề ra được các biện pháp hợp lý và hiệu quả để khắc phục môi trường.

Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả là các dự án khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đặc biệt là các dự án khai thác các loại khoáng sản độc hại, các dự án có vị trí tại đầu nguồn sông, suối”. Nội dung trên là báo cáo của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường. Nó là bằng chứng cho thấy việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản bị các địa phương buông lỏng như thế nào và hậu quả mà báo cáo này ghi nhận được là điều tất yếu.

Yêu cầu tạm ngừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ là để chấn chỉnh. Nếu sự chấn chỉnh này hướng đến các trường hợp đã được cấp phép, thì dù có hơi muộn, nhưng nó vẫn có thể mang lại hiệu quả tích cực. Từ kết quả các cuộc điều tra, nghiên cứu về thực tế của hoạt động này trong những năm qua, có thể dễ dàng nhận ra những điểm quan trọng cần được tập trung chấn chỉnh.

Trước hết là tình trạng cấp giấy phép thăm dò, khai thác vô tội vạ và sự buông lỏng quản lý của các địa phương. Đồng thời, việc quy hoạch, điều tra cơ bản về chủng loại và phân bố tài nguyên khoáng sản chưa được làm đến nơi đến chốn, quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản chung của cả nước, cũng như quy hoạch về khai thác và chế biến ở cấp chuyên ngành chưa có, trong khi đây lại là những cơ sở không thể thiếu để thực hiện chức năng quản lý.

Vấn đề tiếp theo liên quan đến năng lực thẩm định kém cỏi của các cơ quan cấp phép hoặc vì lý do không minh bạch nào đó, nên những doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính, thiếu thiết bị kỹ thuật và cán bộ có trình độ chuyên môn về địa chất, khai thác mỏ, nhưng vẫn nhận được giấy phép khai thác dẫn đến tình trạng mua đi bán lại mỏ hoặc làm lãng phí tài nguyên, phá hoại môi trường. Cuối cùng là các giấy phép đã được cấp hầu hết chỉ nhằm khai thác để xuất khẩu tài nguyên dưới dạng thô.

Việt Nam là nước nghèo tài nguyên, nhưng chúng ta lại đang phung phí. Quyết định của Bộ Tài chính, nâng thuế suất thuế xuất khẩu một loạt khoáng sản kể từ ngày 11-9-2011, nhằm hạn chế xuất khẩu, là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Tốt nhất là nên ngừng xuất khẩu tất cả các loại khoáng sản mà Việt Nam không có nhiều, cả dưới dạng thô, sơ chế hoặc đã chế biến thành dạng thỏi... Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay.

Tấn Đức

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Dầu lên mức cao nhất trong 5 tuần gần 90 USD/thùng (08/09/2011)

>   Shell có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam (08/09/2011)

>   USD tăng, dầu giảm theo chứng khoán Mỹ (07/09/2011)

>   Dầu hạ mạnh xuống dưới 84 USD/thùng (06/09/2011)

>   Giá than tăng cao đẩy giá đạm urê tăng thêm 15% (05/09/2011)

>   Kuwait và Arập Xêút nâng sản lượng khai thác dầu (05/09/2011)

>   Thu phí bảo trì đường bộ qua đầu xe và giá xăng? (04/09/2011)

>   Giá xăng A92 nhập giảm 2,34% (03/09/2011)

>   Dầu sụt gần 3% xuống 86.45 USD/thùng (03/09/2011)

>   Lĩnh vực sản xuất cải thiện đẩy dầu tăng giá (02/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật