Sức mua yếu, lo cho nền kinh tế
Một chỉ số ít được dư luận quan tâm trong thời gian qua, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế. Đó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Chỉ số này tuy vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, song mức tăng đã sụt giảm mạnh trong 8 tháng qua, khiến chúng ta không khỏi lo ngại.
Nếu như tháng 1, tháng 2 (thời điểm có hai dịp Tết), sau khi trừ yếu tố giá cả, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giữ mức tăng khá (tương ứng 8,9% và 10,2%), thì liên tiếp các tháng sau đó, mức tăng đã giảm dần đều, xuống còn 8,7% trong tháng 3, rồi 7,7%, 6,4%, 5,7%, 4,6% trong các tháng tiếp theo và hiện tại, sau 8 tháng, chỉ còn tăng 3,9%. Đây là mức tăng rất thấp, thấp hơn cả mức tăng của cùng kỳ năm 2008 - thời điểm nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.
Trước hết, cần nhắc lại rằng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội không chỉ phản ánh thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, mà còn là một trong ba đầu ra quan trọng (tích luỹ - đầu tư, tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu), thậm chí còn là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số này thể hiện sức mua của người dân giảm, mà sức mua giảm thì sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao, trong các cuộc trao đổi với doanh nghiệp, họ đều khẳng định, nỗi lo lớn nhất hiện tại chính là sức cầu của nền kinh tế.
Sức mua sụt giảm là một trong những lý do quan trọng nhất ảnh hưởng tới hàng tồn kho. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/8/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 17,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất giường, tủ, bàn ghế (tăng 87,5%); đồ uống không cồn (tăng 65,8%); bia và mạch nha (tăng 58,6%); giày dép (tăng 45,6%); trang phục (trừ quần áo da lông thú - tăng 41,6%); mô tô - xe máy (tăng 39,9%)…
Và như một hệ lụy tất yếu, sức mua giảm, tồn kho lớn, thì sản xuất cũng bị đình trệ. Tuy chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm nay vẫn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, song tốc độ tăng đã giảm dần và cũng đã có những thừa nhận từ các cơ quan chức năng rằng, tháng 8 vừa rồi, sản xuất công nghiệp rất khó khăn. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới và điều đó có nghĩa rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Năm 2008, khi câu chuyện này xảy ra, dư luận nhắc nhiều đến quyền lực mềm của người tiêu dùng và vì thế, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được thực hiện. Nên chăng, cần tiếp tục thúc đẩy cuộc vận động này, để “giải cứu” cho hàng Việt và doanh nghiệp Việt?
Nguyên Đức
đầu tư
|