Quy hoạch sử dụng đất 2001 - 2010: Lãng phí
Tại hội thảo lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 27.9, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001 - 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm không ít người tham dự giật mình.
Hóa ra lâu nay, bức tranh quy hoạch quản lý sử dụng đất của Việt Nam đang bị cơ chế thị trường làm cho méo mó. Vì vậy mới có tình trạng giữ đất làm khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf rồi bỏ hoang, sử dụng sai mục đích..., gây lãng phí lớn tài nguyên của quốc gia.
Tất cả đều... vượt (!)
Vượt ở đây không phải là sử dụng đất vượt công suất, mà là giao đất vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép, chủ yếu diễn ra với các loại đất xây dựng KCN, khu kinh tế, sân golf và khu nghỉ dưỡng. GS Đặng Hùng Võ cho biết, từ khi bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư (năm 1991) đến cuối tháng 12.2010, cả nước đã thành lập 261 KCN, chiếm 71.394ha đất nhưng tỉ lệ lấp đầy chưa đạt 50%, trong đó 173 KCN đã đi vào hoạt động và 88 KCN đang xây dựng. Ngoài các KCN, còn có rất nhiều cụm công nghiệp do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Đến cuối 2009, cả nước đã có 918 cụm công nghiệp đã được thành lập và hoạt động, sử dụng 40.000ha đất, đã đưa 7.500ha vào sử dụng với tỉ lệ lấp đầy 26,4%.
Điều đáng nói, theo GS Đặng Hùng Võ, là bên cạnh việc tỉ lệ lấp đầy đạt thấp của các KCN, thì trên thực tế, rất nhiều địa phương đã giao nhiều đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho các DN đã làm cho các KCN thừa diện tích. Chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 44.000ha vào năm 2010, các địa phương đã giao tới 93.000ha, vượt 211,36%.
Việc sử dụng đất phát triển đô thị, đất ở tại đô thị cũng được các địa phương giao vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Theo GS Đặng Hùng Võ, Quốc hội đã duyệt chỉ tiêu đất ở tại đô thị vào năm 2010 là 111.000ha, nhưng các địa phương đã giao tới 134.000ha, vượt 120,72%. Hiện nay, trên địa bàn cả nước đang triển khai hơn 2.500 dự án nhà ở và KĐT mới. Lượng nhà ở mỗi năm tăng lên từ 20 tới 25 triệu mét vuông. Điều đáng buồn là, theo ông Lê Quốc Dung – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, thì do bị cơ chế thị trường làm méo mó nên đất ở, đất đô thị thì tràn lan, nhưng đất dành cho hạ tầng, phúc lợi công cộng và đặc biệt là đất ở cho tầng lớp bình dân, người lao động thì lại quá hạn chế.
Tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, đáng báo động nhất vẫn là tình trạng lãng phí trong sử dụng đất làm sân golf. Trong số hàng chục dự án sân golf trên cả nước, chỉ có 13 chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ và đúng quy hoạch, còn 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục chậm tiến độ hoặc sai quy định. Trong khi chỉ tiêu đất sản xuất kinh doanh theo chỉ tiêu Quốc hội cho phép chỉ là 44.000ha thì kết quả giao đất là lên đến hơn gấp đôi!
Cơ chế thị trường thao túng?
Theo đánh giá của Bộ TNMT, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên kể trên là “do một số địa phương nôn nóng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nên đã phát triển quy hoạch không phù hợp với hạ tầng”. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Dung, vấn đề không hẳn như vậy. Công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất của ta hiện nay chưa được dựa trên một chiến lược cơ bản, nặng tập hợp theo nhu cầu nên chất lượng quy hoạch thấp.
Bên cạnh đó, theo GS Đặng Hùng Võ, việc hưởng lợi từ việc giữ đất được giao đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, sân golf nhưng lại sử dụng dần vào mục đích khác đã khiến quy hoạch trở nên méo mó. Các chủ đầu tư có xu hướng xin đất rồi để đó xoay xở sau nên mặc dù chưa có thành phố bỏ hoang nhưng đã xuất hiện nhiều khu đất hoang, tạo nên những bức tranh nham nhở giữa lòng đô thị.
Theo ông Lê Quốc Dung, chỉ tiêu đất đô thị, đất ở tại đô thị là chỉ tiêu rất quan trọng trong quá trình đô thị hóa hiện nay, cần chống lại sự tác động, bóp méo của cơ chế thị trường. Phải khắc phục ngay tình trạng chưa có quy hoạch đô thị mà đã cấp phép các dự án. Đây là vấn đề thực tiễn cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt. “Tôi cho rằng để kiểm soát và giám sát quá trình đô thị hóa được đúng hướng, Quốc hội cần quyết định chỉ tiêu đất đô thị và đất ở đô thị ngay trong thời gian tới” - ông Dung nói.
Với các KCN, để tránh được tình trạng cấp phép tràn lan, sử dụng đất kém hiệu quả, ông Lê Quốc Dung cho rằng, cần có chế tài đủ mạnh để thúc đẩy các dự án nhanh đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí như hiện nay.
Song Minh
lao động
|