Quản lý giá vàng: Vẫn cần một liều thuốc mạnh
Giá vàng trong nước liên tục nhảy múa theo thị trường thế giới đã không còn là "hiện tượng" với những ai quan tâm đến hàng hóa đặc biệt này. Thế nhưng, có một điều lạ là dù điều chỉnh tăng hay giảm theo giá thế giới, vàng trong nước vẫn luôn "bỏ xa" giá thế giới, với khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn!
Đỉnh điểm, ngày 26/9, dù đã điều chỉnh gần 20 lần bảng giá và với biên độ mạnh, nhưng vàng trong nước vẫn bỏ xa vàng thế giới một cách bất hợp lý, có thời điểm lên tới 5 triệu đồng/lượng.
Có hay không hiện tượng đầu cơ?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng phát biểu, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên chứng tỏ có hiện tượng đầu cơ, làm giá. Như vậy, trong suốt thời gian qua, lúc nào giá vàng trong nước cũng "đắt" hơn giá vàng thế giới từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, thậm chí lên tới 5 triệu đồng/lượng (26/9).
Tuần trước, thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho nhập thêm vàng để hỗ trợ bình ổn thị trường lại thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. Tuy nhiên, khác với lần trước đó, phương thuốc cho nhập này đã không phát huy được tác dụng “cắt cơn sốt” của giá vàng, thậm chí khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn.
Thế nhưng, đại diện của Công ty vàng DOJI cho biết, dù giá chênh lệch cao như vậy nhưng lượng khách đến mua vẫn là chủ yếu, còn lượng bán ra hầu như rất ít. "Chính nghich lý này đã khiến công ty phải rất vất vả mới có thể lo được nguồn cung cho khách hàng," đại diện DOJI nói.
Trong khi đó, vị đại diện này cũng "giải thích" lý do mà giá trong nước "vênh" lên quá cao so với thế giới là do tại một số thời điểm, lượng vàng nhập vẫn chưa về để cân đối nguồn hàng trong nước.
Đại diện của Bảo Tín Minh Châu thì cho rằng giá vàng của các công ty bán lẻ đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, Sacombank, Agribank...và "các doanh nghiệp này niêm yết mức giá nào thì chúng tôi phải mua bán ở mức giá đó," vị này nhấn mạnh.
Một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực vàng phân tích: Giá gia công một lượng vàng 9999 vào khoảng 30.000 đồng, cộng với các chi phí nhập khẩu, bảo hiểm thì chi phí để cho ra một lượng vàng thành phẩm sẽ chỉ rơi vào khoảng dưới 200.000 đồng/lượng… Hiện tại, do được “chuộng” nên vàng miếng lưu thông trên thị trường tự do chủ yếu là thương hiệu SJC. Doanh nghiệp này đã làm hết công suất nhưng cũng chỉ có thể đáp ứng cho thị trường khoảng 500 lượng/ngày.
Cũng theo chuyên gia này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vàng bị “vênh” quá cao trong mấy ngày vừa qua là do hai yếu tố. Thứ nhất, giá vàng thế giới “giật” liên tục, diễn biến quá nhanh trong một ngày (tính theo giờ) khiến giá trong nước cũng phải “chạy” theo… Thứ hai là do lượng cầu tăng đột biến, chủ yếu do yếu tố tâm lý của người dân trước diễn biến giá vàng thế giới đã khiến họ đổ xô đi mua vàng. Không những thế, nguồn cũng cũng bị hạn chế, có thời điểm khan hiếm vì nhu cầu vàng của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cũng tăng lên. Trong khi, vàng nhập khẩu phải 10 ngày mới về tới Việt Nam.
Những yếu tố này đã làm cho giá vàng trong nước tuy bị “đội” lên rất nhiều, mà vẫn không đủ nguồn cung.
“Việt Nam là nước nhập khẩu vàng. Vì thế giá trong nước hoàn toàn liên thông với giá thế giới. Bất kỳ một biến động nào của vàng cũng sẽ ngay lập tức tác động trực tiếp đến giá trong nước,” vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lại khẳng định, giá vàng biến động thất thường như trong những ngày qua không hề có yếu tố đầu cơ. “Giá biến động như vậy thì giới đầu cơ không dám nhẩy vào vì rủi ro quá lớn. Dù giá xuống thấp hay lên cao, nhưng biến động nhanh và thất thường như thế thì không phải là ‘cơ hội’ để họ gom hay xả hàng…,” chuyên gia này cho hay.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khi được hỏi đã tỏ ra không đồng tình với hai quan điểm trên. Họ cho rằng, nếu lấy mốc ngày 28/9, nhiều doanh nghiệp niêm yết là 44,2 triệu đồng (mua vào) và 44,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn trên thị trường quốc tế, giá có dấu hiệu nhích lên vào phiên châu Âu, có thời điểm gần chạm 1.680 USD mỗi ounce. Song đến phiên châu Á, vàng giao ngay đang giảm xuống vùng 1.635 USD. Tính quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng và cộng các khoản phí vận chuyển, gia công… giá quốc tế tương đương với khoảng 42,5 triệu đồng mỗi lượng, như vậy giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới tới 2 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư này khẳng định, như vậy ở đây rõ ràng là có sự đầu cơ làm giá, không có lý do gì khi cộng tất cả các khoản chi phí ngoài cùng lắm là lên đến 1 triệu đồng mỗi lượng mà trong suốt mấy tuần qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1,5 đến 4 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư này phân tích, các doanh nghiệp thường nắm đằng chuôi, khi nào giá vàng tăng mạnh, người đi bán nhiều hơn người mua thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng lại tìm cách hạn chế mua vào, giá mua thấp hơn giá thế giới. Và những khi giá vàng thế giới giảm mạnh, thì họ làm ngược lại. Thậm chí khi thấy khách hàng đến mua đông, cửa hàng còn đóng cửa không giao dịch cả mua và bán, điển hình là vào lúc 15h15 ngày 26/9, một cửa hàng của Bảo tín Minh Châu đã tạm ngừng giao dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn nới rộng khoảng cách mua và bán lên tới cả triệu đồng mỗi lượng, người mua thường là bị thiệt thòi nhiều hơn.
Cần liều thuốc mạnh
Trên thực tế sự bất ổn lâu nay của giá vàng trong nước vẫn được coi là một đề tài nóng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản quản lý nào đủ mạnh để điều chỉnh thị trường này.
Ông tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng: Chúng ta đang thực hiện một chính sách tập trung hoạt động kinh doanh vàng vào một đầu mối. Bước đầu một số doanh nghiệp phải dồn vàng nhập khẩu cho một tổ chức sản xuất vàng trong nước gia công vàng theo chuẩn. Khiến cho thời điểm từ khi nhập khẩu vàng đến khi đưa ra thị trường nó bị độ trễ về thời gian. Và trong thời gian đó các nhà đầu cơ, rồi các tin đồn thất thiệt, cũng như tâm lý mua bán của đám đông gia tăng khiến cho vàng trở nên bị cao so với thực tế.
Để thị trường vàng sớm đi vào ổn định, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, vàng là một loại tiền tệ đặc biệt. Do vậy, chúng ta cần có một đầu mối thống nhất, quản lý vàng giống như quản lý tiền tệ. Bên cạnh đó, phải tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, giải quyết được vấn đề liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới thì mới chấm dứt được những hiện tượng tiêu cực trên thị trường vàng như hiện nay.
Còn theo Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể dùng quyền của mình để kiểm tra, kiểm soát, thậm chí ra lệnh cho các doanh nghiệp không được phép vi phạm; xử lý bằng cách thu hẹp phạm vi kinh doanh, hoặc rút giấy phép kinh doanh của họ để đưa thị trường trở về đúng quỹ đạo, không để các doanh nghiệp “qua mặt” như hiện nay. Đây cũng là một cuộc rà soát hết sức quan trọng. Căn cứ vào kết quả kiểm ra, kiểm soát này, Ngân hàng Nhà nước sẽ chọn ra được những doanh nghiệp thích hợp đủ năng lực và điều kiện để đóng vai trò điều tiết thị trường theo Thông tư 22.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Chín, chiều 26/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, thận trọng để không xảy ra mất mát tài chính một cách không cần thiết cho những hoạt động mua bán hoặc những động thái mang tính chất trục lợi, đầu cơ của giới kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước đang xem xét có những giải pháp phù hợp, trong đó có việc cho nhập khẩu vàng để cân bằng giá vàng trong nước và thế giới.
Ông Tiến cũng cho biết, hiện nay Bộ Tư pháp đã thẩm định xong Nghị định mới về Quản lý thị trường vàng. Căn cứ vào ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ có đánh giá và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan cấp phép sản xuất vàng miếng và cho phép các doanh nghiệp được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Chỉ một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng mới được phép từ Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua bán vàng miếng. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ một số điều kiện theo quy định tại Nghị định này./.
Quảng - Thúy
Vietnam+
|