Nghi án “chìm xuồng” vụ thất thoát vốn tại Airserco?
Cổ đông CTCP Cung ứng dịch vụ Hàng không ( Airserco) “tố” bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó giám đốc công ty- lập các phương án kinh doanh và ký các hợp đồng khống để rút gần 25 tỷ đồng từ ngân hàng chiếm dụng phục vụ cho mục đích cá nhân. Cơ quan chức năng đã “vào cuộc” điều tra vụ việc này nhưng 3 năm nay vẫn chưa đưa ra kết luận.
Biên bản xác minh của Cục cảnh sát kinh tế lập ngày 18.3.2011 cho thấy từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2009, bà Nguyễn Thị Hồng Vân- PGĐ công ty Airserco và Nguyễn Thị Ngọc Anh- TGĐ công ty Việt Trung Hà Anh đã ký 07 hợp đồng mua bán nông sản ( ngô và sắn khô), sử dụng pháp nhân công ty Airserco để lập 07 bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng do đích thân bà Vân ký gửi ngân hàng xin vay vốn.
Căn cứ 07 bộ hồ sơ này các ngân hàng đã duyệt cho công ty Airserco vay gần 45,5 tỷ đồng.
Việc ký kết hợp đồng của bà Vân không thông qua Hội đồng Quản trị công ty. Các cổ đông công ty này nghi ngờ bà Vân sử dụng các hợp đồng khống để rút tiền chứ không phải kinh doanh sắn và ngô như hồ sơ vay vốn. Sự thực thủ kho của công ty là bà Hàn Thị Tùng đã khai với cơ quan công an khi cơ quan công an tới điều tra vụ việc này rằng bà chưa từng nhìn thấy kg sắn lát nào trong kho.
Sự việc vỡ lở khi hai “đối tác” của bà Vân là công ty Việt Trung Hà Anh bị cơ quan công an điều tra việc trốn thuế và công ty nông sản Vạn Lộc ( ở Tuyên Quang) bị điều tra hành vi lừa dảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Thời điểm này ( năm 2009), công ty Việt Trung Hà Anh còn nợ công ty Airserco hơn 24 tỷ đồng.
Đến nay công ty Việt Trung Hà Anh không có khả năng trả số nợ này mặc cho công ty Airserco nhiều lần đòi nợ cũng như đề nghị cơ quan công an có biện pháp thu hồi số nợ nói trên.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân sau đó đã bị cách chức Phó giám đốc và bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT. Đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất đối với các hợp đồng mà bà đã ký với Việt Trung Hà Anh.
Thất thoát số vốn lớn, cổ đông của Airserco vô cùng bức xúc đã yêu cầu Ban giám đốc đề nghị cơ quan pháp luật can thiệp.
Ông Nguyễn Văn Đâu- giám đốc Airserco đã có văn bản đề nghị Cục A17 Bộ Công an “vào cuộc”.
Thế nhưng, lạ là từ cuối năm 2009 tới nay, hết A17 đến C46 vào điều tra song chưa có cơ quan nào có kết luận về những sai phạm nghiêm trọng tại Airserco.
Trong khi đó đã quá thời hạn phải trả khoản nợ hơn 24 tỷ đồng cho các ngân hàng. Công ty Airserco đang đứng trước nguy cơ phá sản vì mất khả năng thanh toán các khoản nợ, hoạt động kinh doanh cũng bị đình trệ do có nợ xấu, các ngân hàng đều từ chối cho công ty vay vốn.
Ông Nguyễn Văn Đâu đã nhiều lần gửi văn bản tới cơ quan công an để “hỏi” cũng như đề nghị sớm có kết luận để có căn cứ làm rõ trách nhiệm của cán bộ công ty cũng như cán bộ ngân hàng có liên quan trong vụ việc giải ngân cho vay vốn nói trên.
Cổ đông của công ty cũng đã hơn một lần đề nghị truy tố những cá nhân sai phạm ra trước pháp luật, có biện pháp cưỡng chễ thu hồi tài sản cho Nhà nước và các cá nhân là cổ đông góp vốn vào công ty. Thế nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng kéo dài của cơ quan điều tra.
Dư luận đang đặt dấu hỏi liệu có phải vụ việc đã bị cho “chìm xuồng”?
Báo Pháp luật Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco),chuyển đổi từ công ty Nhà nước sang cổ phần hóa từ năm 2007 với gần 53% cổ phần của Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines). Vốn điều lệ chỉ 28 tỷ đồng song năm 2009, Airserco lỗ 10 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2010, lỗ 5 tỷ đồng. Tổng số nợ khó đòi của Airserco đến hết năm 2009 là 29 tỷ đồng ( đều do bà Vân gây ra). Mới đây, Vietnam Airlines đã có văn bản yêu cầu Airserco xây dựng kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ việc bán Trường Cao đẳng nghề Dịch vụ hàng không trên nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên thanh toán công nợ là ngân sách Nhà nước, người lao động, khách hàng và ưu tiên trả toàn bộ tiền gốc, lãi đối với khoản vay nội bộ dự án hàng xuất khẩu cho Vietnam Airlines. |
Sơn Minh
Pháp Luật Việt Nam
|