MBB sẽ mở đường cho cổ phiếu ngân hàng lên sàn?
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đã thông báo thực hiện chốt danh sách cổ đông đăng ký lưu ký chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào 17h ngày 9/9 tới, sau nhiều lần trì hoãn lên sàn do diễn biến thị trường bất lợi.
Động thái này được kỳ vọng mở đường cho một loạt cổ phiếu ngân hàng khác "nối đuôi" lên sàn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn án binh bất động.
Điểm lại lời "hứa" của các ngân hàng
Mặc dù đã xây dựng kế hoạch và từng thông qua ĐHCĐ trong kỳ họp thường niên năm 2010, song kết thúc năm qua, không ít nhà băng lỡ hẹn niêm yết. Năm 2011, câu chuyện lặp lại khi nhiều nhà băng lại "hứa quyết tâm" lên sàn.
Tại Ngân hàng Đông Á (DongABank), trong 2 năm qua, ở các cuộc họp ĐHCĐ thường niên, kế hoạch niêm yết cổ phiếu được nhiều cổ đông kiến nghị và đã thông qua. Tại ĐHCĐ thường niên ngày 12/3/2011, một lần nữa, kế hoạch niêm yết cổ phiếu được HĐQT Ngân hàng đưa ra xin ý kiến cổ đông. Theo đó, DongABank dự kiến quý IV/2011 thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Tuy vậy, Ban quản trị của DongABank nhấn mạnh rằng, kế hoạch là thế, nhưng việc niêm yết vẫn phụ thuộc vào sự chuyển biến của thị trường và sẽ lên sàn vào thời điểm thích hợp nhất.
Tại Ngân hàng Techcombank, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE đã được đưa vào trong chiến lược hoạt động từ năm 2009. Thế nhưng, do diễn biến thị trường chưa thực sự phù hợp nên việc niêm yết cổ phiếu của Techcombank đã bị chậm lại. Ngày 23/4/2011, ĐHCĐ thường niên 2011 của Techcombank đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng cho năm 2011, trong đó có kế hoạch niêm yết trên TTCK.
Dù được HOSE chấp nhận kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 10/2009, nhưng đến ngày 13/7/2010, WesternBank (WEB) phải xin hủy kế hoạch niêm yết với lý do đợi hoàn tất việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng thông báo, sẽ nộp lại hồ sơ và hoàn tất các thủ tục để được niêm yết trên HOSE ngay sau khi hoàn tất tăng vốn lên 3.000 tỷ (chậm nhất tháng 12/2010). Thế nhưng, đến nay, khi vốn điều lệ của WEB đã cán đích 3.000 tỷ đồng, việc niêm yết vẫn chìm vào quên lãng. Đại diện ngân hàng này cho rằng, với diễn biến kinh tế hiện nay, năm 2011 chưa phải là lúc thuận lợi để niêm yết.
Một số ngân hàng khác có kế hoạch niêm yết đã được thông qua như Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Ngân hàng Liên Việt (LPB), Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank), Ngân hàng An Bình (ABBank), Ngân hàng Mỹ Xuyên (MXBank)... đến nay vẫn bỏ ngỏ ngày dự định lên sàn.
Thời điểm vẫn chưa thuận lợi
Khi được hỏi về kế hoạch niêm yết cổ phiếu, đại diện các ngân hàng đều có chung câu trả lời rằng, dù đã lên kế hoạch, nhưng do thị trường chưa thuận lợi, nên việc này vẫn chưa được thực thi. Theo các ngân hàng, niêm yết sẽ giúp cho cổ phiếu có tính thanh khoản, tăng thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường, tạo kênh huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính. Do vậy, ngân hàng cần chọn thời điểm thích hợp nhất để lên sàn, tránh làm loãng giá, cũng như làm giảm giá cổ phiếu, đảm bảo được quyền lợi cho các cổ đông.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc niêm yết cổ phiếu sẽ buộc các ngân hàng phải công bố thông tin chi tiết, thường xuyên hơn, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý, một điều khá nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay. Hiện 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX có 8 ngân hàng niêm yết cổ phiếu gồm STB, ACB, SHB, VCB, CTG, EIB, NVB và HBB. Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng gần đây nhất lên niêm yết là HBB chào sàn với giá dưới mệnh giá (9.600 đồng/CP) và hiện giảm còn 7.900 đồng/CP (so với đầu năm thì giảm 31,9%).
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, những khó khăn của nền kinh tế sẽ tác động nhiều đến hoạt động của các ngân hàng, do đó cổ phiếu ngân hàng khó có thể tăng trưởng mạnh, chưa kể nhiều nhà đầu tư tỏ ra "ngán ngẩm" vì trót ôm cổ phiếu ngân hàng từ trước đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến các kế hoạch niêm yết dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay chưa chắc khả thi.
Quang Sơn
đầu tư chứng khoán
|