Lãi suất giảm, tín dụng vẫn khó tăng
Sau gần 1 tháng thực hiện Chỉ thị 02 của NHNN về trần lãi suất huy động 14%/năm và giảm lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm, tín dụng ở các NHTM tăng trưởng khá chậm. Tại cuộc họp mới đây với Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), nhiều NHTM thừa nhận lãi suất giảm nhưng khó tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
“Biến tấu” trần lãi suất
Theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ những ngày qua, VNBA cho rằng về cơ bản các NHTM đã thực hiện tốt trần lãi suất 14%/năm nhưng đường cong lãi suất huy động đã bị nắn ngược, chỉ có lãi suất kỳ hạn 12 -36 tháng dưới 14%/năm, còn từ kỳ hạn 1 ngày đến 9 tháng đều 14%/năm.
Điều này đã làm mất cân đối lớn giữa kỳ hạn huy động và cho vay, bởi trung bình kỳ hạn tiền gửi ngày càng ngắn nhưng tỷ lệ cho vay trung dài hạn của các NHTM vẫn cao. Đặc biệt, hiện vẫn còn nhiều NHTM ủy thác đầu tư và mua trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn dài rất lớn, đang gây áp lực lên thanh khoản. Nếu tình trạng này tiếp diễn việc duy trì trật tự lãi suất theo Chỉ thị 02 của NHNN sẽ rất khó.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng vẫn có NHTM còn thỏa thuận lãi suất huy động vượt trần, nhưng đã “biến tấu” nên NHNN khó phát hiện được chứng cử để xử lý. Cụ thể, một số NHTM đã trả khoản chênh lệch lãi suất bằng tiền mặt cho khách hàng quen không cần ký nhận hay hợp đồng “hợp thức hóa” nào. Khoản này được đưa vào “chi phí tiếp khách trong ngày”.
Chưa kể, gần đây hàng loạt NHTM đưa ra các chương trình khuyến mại tặng quà bằng hiện vật cho khách hàng tiền gửi ngoài lãi suất 14%/năm. Các chương trình này đều núp bóng nhân dịp lễ hoặc kỷ niệm thành lập đơn vị. Điều này cho thấy trần lãi suất huy động khó có chuyện tuân thủ tuyệt đối cả với NH nhỏ và lớn.
Trước việc các NHTM đua nhau huy động kỳ hạn 1 ngày lãi suất 14%/năm, có ý kiến cho rằng đây là hình thức vượt rào lãi suất và NHNN cần sớm có chế tài hạn chế các NHTM áp dụng phương thức huy động này. Tuy nhiên, tại cuộc họp nhiều NHTM lý giải theo nguyên tắc khi đến hạn thanh toán mà khách hàng chưa tất toán tài khoản tiền gửi, NH phải lấy lãi nhập gốc cho kỳ hạn tiếp theo, vì vậy tính cộng dồn cho tiền gửi kỳ hạn 1 ngày nếu vượt 14%/năm là chuyện bình thường.
Hơn nữa, nếu cấm huy động lãi suất kỳ 1 ngày, 1 tuần các NHTM sẽ gặp khó khăn trong thanh khoản. Nhiều NHTM cho biết hàng ngàn tỷ đồng vốn huy động đang bị rút ra, không chỉ chảy từ NHTM lớn sang NHTM nhỏ mà đã bắt đầu chuyển dịch vào thị trường vàng, ngoại tệ và chứng khoán. Một lãnh đạo VPBank cho biết do NH thừa hàng ngàn tỷ đồng tiền dự trữ bắt buộc nên việc sụt giảm nguồn vốn huy động lại giúp hiệu suất sinh lời trên vốn huy động của NH cao hơn.
Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài NHTM sẽ thiệt hại nặng. Trong khi huy động VNĐ ở các NHTM có xu hướng sụt giảm, huy động bằng vàng lại có xu hướng tăng. Lãnh đạo HDBank, ACB… đều thừa nhận huy động vàng có xu hướng tăng. Đó là lý do vì sao các NHTM bắt đầu tăng lãi suất huy động vàng để hút vốn vàng, vừa đảm bảo thanh khoản vừa có thể tăng tổng tài sản.
Cửa khó tín dụng
Theo lãnh đạo một NHTM cổ phần, việc lách trần lãi suất tái diễn lâu nay do tính thanh khoản của hệ thống vẫn chưa ổn định. Vì thế NHNN đã lựa chọn một số NH để bơm vốn trực tiếp hỗ trợ thanh khoản, nhất là những NH nhỏ thị phần huy động thấp.
Ngoài ra, NHNN cũng thực hiện những động thái bơm hút tiền khá mạnh trên thị trường mở nhằm tạo thanh khoản cho các NH. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này, dù lãi suất có giảm, tín dụng cũng khó tăng trưởng nhanh, xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 20% của năm nay xuống 15-17%. Trong khi nhiều NHTM đã cạn “room” 20% trước đó, NHTM còn “room” lại đang khó khăn về nguồn vốn để cho vay. Nay việc kéo giảm chỉ tiêu này xuống, dù thừa vốn, các NHTM cũng sẽ phải hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank, cho biết tổng dư nợ của ABBank đến nay bằng đúng số dư cuối năm ngoái, tức chưa tăng so với năm ngoái. Nếu như trước đây cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng là 2 sản phẩm tín dụng chính của ABBank, thì năm nay chỉ ưu tiên cho khách hàng sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay khoảng 18,3%/năm.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng thừa nhận NH phải chọn lọc khách hàng và việc có giảm lãi suất cho vay nữa hay không còn tùy thuộc vào nguồn vốn huy động, đặc biệt do lạm phát còn cao việc giảm lãi suất một cách cơ học không phải dễ. Nhiều NHTM nhỏ khác cũng thừa nhận khó đẩy tín dụng ngoài lý do khó khăn thanh khoản, còn vì quy định cào bằng tăng trưởng tín dụng cả với NHTM lớn và nhỏ hiện nay.
Vì vậy, dù huy động có giảm so với trước đây nhưng các NHTM vẫn chưa sử dụng hết nguồn vốn huy động để cho vay. Theo số liệu của NHNN, đến ngày 12-9-2011 tốc độ tăng của nguồn vốn là 10,72%, tốc độ tăng của tín dụng 8,63%.
Một lãnh đạo của Techcombank cho biết tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động của NH chỉ đạt 44%. 6 tháng đầu năm nay, vốn huy động của HDBank đạt 39.923 tỷ đồng, nhưng nếu cho vay đúng “room” không quá 20%, NH cũng chỉ dùng hết khoảng 14.000 tỷ đồng… Chính vì vậy, nhiều NHTM kiến nghị NHNN không nên cào bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho cả hệ thống, mà nên tùy vào nguồn vốn, tỷ lệ nợ xấu và sức khỏe của từng NHTM.
THANH NHƯ
Sài Gòn Đầu tư Tài Chính
|