Đường đi của vàng từ mỏ tới thị trường
2011 có thể là năm tăng giá thứ 11 liên tục của vàng thế giới, khi giới đầu tư toàn cầu lo ngại những bất ổn kinh tế vĩ mô đã và đang ồ ạt chuyển vốn sang thị trường kim loại quý này.
Trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, vàng chịu áp lực giảm giá một phần do hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư, nhưng được cho là ít có khả năng giảm dưới 1.800 USD/oz trong ngắn hạn.
Hãng tin CNBC điểm lại những mốc chính của vàng trên chặng đường đi từ các mỏ khai thác tới thị trường tài chính và tiêu dùng.
Phần lớn vàng trên thế giới được sản xuất tại một số ít quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ, Australia, Nga, Canada, Peru và Indonesia.
Sản phẩm của các mỏ vàng là vàng thô, chứa khoảng 80% vàng nguyên chất. Sau đó, các thanh vàng thô này được gửi tới nhà máy tinh luyện để luyện thành các loại vàng khác nhau về hình dạng bên ngoài và độ tinh khiết.
Có lẽ loại vàng thỏi được sản xuất rộng rãi nhất là London Good Delivery. Theo các quy định do Hiệp hội Vàng London (LBMA), những thanh vàng loại này - được coi là “bản vị vàng” của thế giới vàng - phải chứa ít nhất 99,5% vàng nguyên chất, có trọng lượng từ 350 - 430 ounce (phần lớn là loại 400 ounce). Trên mỗi thỏi London Good Delivery đều có số serie của thỏi vàng, chỉ số về độ tinh khiết và con dấu của nhà tinh luyện.
Ai có thể sản xuất vàng thỏi London Good Delivery?
Chỉ những nhà tinh luyện vàng được LBMA cấp chứng chỉ mới được sản xuất vàng thỏi London Good Delivery. Những nhà tinh luyện này phải có cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn, đồng thời chịu giám sát chặt chẽ từ LBMA đối với hoạt động tinh luyện. Luôn luôn có những loại vàng thỏi chỉ được sản xuất dành riêng cho mục đích cất giữ và tích trữ của các ngân hàng vàng.
Cho tới chặng này, quyền sở hữu số vàng thỏi có thể thuộc về công ty khai mỏ (trong một số trường hợp, một ngân hàng vàng có thể là đối tượng cấp vốn cho hoạt động khai mỏ). Một khi vàng đã được tinh luyện, quyền sở hữu thường được chuyển giao sang cho ngân hàng vàng.
Vai trò của ngân hàng vàng (bullion bank)
Các ngân hàng vàng giữ vị trí trung gian trong thế giới của vàng. Các nhà khai mỏ khai thác ra vàng, nhưng có thể không đúng vào lúc mà người tiêu dùng muốn mua vàng. Bởi thế, các ngân hàng giữ một dạng vai trò trung tâm thanh toán: khi các nhà sản xuất muốn bán vàng, họ có thể bán cho các ngân hàng; và khi người tiêu dùng muốn mua vàng, họ có thể mua từ các ngân hàng.
Ở một phương diện nào đó, một ngân hàng vàng làm nhiều việc mà một nhà băng truyền thống làm. Họ cung cấp dịch vụ cho toàn bộ ngành công nghiệp bán sỉ vàng, bao gồm các nhà khai mỏ lớn, những hãng chế tác nữ trang và công nghiệp, ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư lớn như các quỹ tín thác (ETF). Họ cung cấp số lượng lớn vàng bán buôn cho những thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ…
Chẳng hạn, các ngân hàng vàng có thể cung cấp tài chính và dịch vụ giao hàng vàng vật chất. Ví dụ, nếu một công ty Ấn Độ muốn sản xuất một sản phẩm bằng vàng ở một quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Thụy Sỹ, ngân hàng vàng có thể chuyển vàng tới những địa chỉ đó cho họ.
Ngoài ra, ngân hàng vàng còn cung cấp nhiều nghiệp vụ giao dịch khác nhau như nghiệp vụ giao ngay, tương lai, quyền chọn, tích trữ…
Giá vàng được thiết lập như thế nào?
Giá vàng được quyết định bởi tương quan giữa nguồn cung và nhu cầu. Thị trường vàng thì không phải chỉ có một mà có nhiều, trong đó phải kể tới những thị trường quan trọng nhất là:
- Thị trường vàng OTC (over-the-counter) lớn nhất, nơi giá giao ngay của vàng được quyết định, là London. Tuy nhiên, cũng có các thị trường vàng OTC ở New York, Dubai và thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn giao dịch vàng diễn ra trên thị trường OTC tại các bàn giao dịch khắp toàn cầu.
Các bàn giao dịch này làm nhiệm vụ giao dịch vàng thay cho khách hàng của họ, bao gồm các nhà khai mỏ, các ngân hàng trung ương, ETF, các hãng chế tác, các nhà sản xuất công nghiệp…. Đôi khi các bàn giao dịch cũng có nghiệp vụ tự doanh. Một số khách hàng cũng muốn vay hoặc cho vay vàng vật chất.
- Thị trường vàng giao sau lớn nhất là Mỹ.
- Thị trường vàng giá cố định ở London (London fix). Đây là thị trường cung cấp mức giá tiêu chuẩn cho vàng. Mục đích của việc này là tạo ra một mức giá tiêu chuẩn có thể áp dụng cho giao dịch.
Thị trường vàng giá cố định ở London hoạt động như sau: Mỗi ngày có hai lần thiết lập giá cố định, một vào 10h30 sáng, và một lần vào 3h chiều. Thị trường này thực chất là một công ty, có tên là London Gold Fixing Limited, bao gồm 5 thành viên là các ngân hàng HSBC, Deutsche Bank, Barclay’s, Societe Generale, và ScotiaMocatta.
Thị trường này do một chủ tịch đứng đầu, và mỗi một thành viên tham gia thiết lập giá cố định lại có một đường dây nối tới các nhà giao dịch khác. Mô hình này có dạng một kim tự tháp: Vị chủ tịch đưa ra một mức giá, 5 thành viên chuyển thông tin này tới các khách hàng của họ, khách hàng lại chuyển tin tới các đối tượng quan tâm khác.
Chẳng hạn, một khách hàng có thể nói với một thành viên thiết lập giá cố định là “Tôi muốn mua 10 thỏi vàng ở mức giá này, nhưng tôi sẽ không mua 10 thỏi vàng ở mức giá kia; hoặc tôi muốn bán 10 hoặc 20 thỏi vàng ở mức giá kia…”. Bởi vậy, ở mỗi điểm của quá trình thiết lập giá, cho tới khi vị chủ tịch công bố mức giá cố định, tất cả các khách hàng trên kim tự tháp đều có cơ hội thực hiện giao dịch.
Cuối cùng, từng thành viên tham gia cố định giá công bố mức giá mà họ quan tâm với tư cách một người bán, hoặc người mua, hoặc tuyên bố không có mối quan tâm mua bán nào. Khi các thành viên này đạt được một điểm cân bằng giữa bên mua và bên bán, vị chủ tịch sẽ đề nghị mỗi thành viên công bố số lượng thỏi vàng mà họ muốn bán hoặc mua dựa trên mối quan tâm mua-bán của khách hàng của các thành viên này, và sau đó vị chủ tịch sẽ công bố mức giá cố định.
Vì sao phải có giá vàng cố định?
Giá vàng cố định tạo một mức chuẩn có thể giao dịch cho thị trường vàng. Trong trường hợp vàng là một phần trong danh mục đầu tư, nhà đầu tư cần có một mức chuẩn để xác định giá trị của danh mục. Giá cố định là mức mà bên bán và bên mua gặp nhau ở một thời điểm cụ thể trong ngày, và vì đây là mức giá mở, minh bạch và có thể giao dịch nên được coi là một mức chuẩn rất đáng tin cậy.
Vậy tại sao lại có rất nhiều mức giá vàng khác nhau trên thế giới? Lý do nằm ở chỗ, có nhiều nhà nhà đầu tư, thường hoạt động ở các bàn giao dịch, thực hiện mua vàng ở một nơi và bán lại ở một nơi khác để tìm kiếm lợi nhuận.
Vàng đến tay người tiêu dùng như thế nào?
Mặc dù phần lớn nguồn cung vàng trên thế giới nằm trong két sắt của các nhà đầu tư lớn như các ETF hoặc các ngân hàng trung ương, khoảng một nửa số vàng trên thế giới được chế tác thành nữ trang.
Lấy Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - làm ví dụ. Các nhà bán sỉ vàng ở Ấn Độ thường là ngân hàng. Các nhà băng này có mối quan hệ mật thiết với các ngân hàng vàng. Khi một nhà băng của Ấn Độ muốn mua 2 tấn vàng thỏi loại 1 kg, độ tinh khiết 99,5%, ngân hàng vàng nếu có khả năng đáp ứng sẽ chuyển số vàng này cho bên mua, thường là theo đường hàng không.
Nếu không có khả năng đáp ứng ngay yêu cầu như trên, nhưng lại có vàng thỏi kích cỡ và mức độ tinh khiết khác, ngân hàng vàng có thể chuyển số vàng họ có đến một nhà tinh luyện để luyện thành vàng theo tiêu chuẩn kỹ thuật mà khách hàng yêu cầu, rồi chuyển tới cho khách hàng này.
Bên mua sau đó sẽ chuyển vàng tới cho một nhà sản xuất vàng nữ trang lớn, thường là theo thỏa thuận ký gửi.
Phần lớn vàng sử dụng cho chế tác nữ trang là vàng đi thuê. Các hãng chế tác nữ trang mượn vàng để tránh những rủi ro mà biến động giá có thể gây ra cho họ. Họ trả một mức phí để mượn vàng và quyền sở hữu số vàng đó vẫn thuộc về ngân hàng. Quyền sở hữu vàng được chuyển giao khi thành phẩm nữ trang được hoàn tất.
An Huy
TBKTVN
|