Dịch chuyển tài sản ở PVF: Chuyển hướng thành ngân hàng thương mại?
Bốn năm trước khi tập đoàn Morgan Stanley (Mỹ) mua 10% cổ phần của Tổng công ty tài chính Dầu khí (HOSE: PVF) với giá gần 70.000 đồng/cổ phiếu, một trong những điều kiện mà họ đưa ra là PVF được giữ lại toàn bộ số tiền trong vòng ba năm để đầu tư. Sau ba năm, số tiền đó được chuyển sang ủy thác đầu tư kỳ hạn dưới 12 tháng.
Bây giờ một tập đoàn tài chính quốc tế tên tuổi khác của Nhật Bản (đang đầu tư vào ngân hàng ở Việt Nam) đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng mua 10% cổ phần của PVF. Morgan Stanley với tư cách cổ đông lớn, tham dự hầu hết các cuộc đàm phán của Tổng công ty với đối tác mới. PVF, như vậy, sẽ có hai cổ đông chiến lược ngoại và cuộc tìm vốn nước ngoài chưa kết thúc, vì theo lộ trình đến năm 2013 vốn Nhà nước tại đây sẽ giảm xuống mức 20%.
Đòi được gần 1.000 tỉ đồng nợ của Vinashin
Khi một số công ty con của Vinashin được chuyển về cho tập đoàn Dầu khí quản lý vào năm ngoái, PVF có lẽ là người “hồi hộp” nhất. Vào cuối năm 2009 Vinashin nợ PVF hàng ngàn tỉ đồng. Đây là số tiền Tổng công ty đã cấp cho một số công ty trực thuộc Vinashin. Thật bất ngờ trong báo cáo tài chính quí 4-2010, ở trang 16, PVF công bố đã thu hồi được 800 tỉ đồng nợ gốc và lãi từ Vinashin. Không nhiều người để ý đến dòng công bố đó vì đây chỉ là báo cáo tài chính quí và chưa soát xét.
Kế đó trong báo cáo thường niên năm 2010, trang 47, cho thấy đến 31-12-2010 tổng dư nợ mà PVF đã cấp cho Vinashin tụt xuống còn 1.299 tỉ đồng. Báo cáo hợp nhất sáu tháng đầu năm 2011 đã soát xét ở trang 3 ghi nhận đến 30-6-2011 tổng dư nợ của Vinashin còn 1.129 tỉ đồng. PVF rõ ràng đã “đòi” thêm được 170 tỉ đồng nợ nữa. Trong vòng chưa đầy năm, PVF thu hồi được 970 tỉ đồng nợ quá hạn của Vinashin. Có lẽ không nhiều những chủ nợ trong nước của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy làm được điều này. Ông Nguyễn Đình Lâm, chủ tịch hội đồng quản trị PVF xác nhận số nợ đã đòi được và cho biết Tổng công ty sẽ cố gắng giải quyết hết số nợ còn lại trong năm nay.
Nợ còn lại của Vinashin đối với PVF và những chủ nợ khác sẽ được xử lý ra sao vẫn còn là điều chưa được công khai. Thông tin từ các nguồn có thẩm quyền cho biết nợ của Vinashin có tài sản đảm bảo có thể được xử lý theo khả năng chủ nợ được nhận 25% (tổng dư nợ) bằng trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra Nhà nước có khả năng sẽ có cơ chế hỗ trợ 30% tổng nợ trong thời hạn 1-3 năm. Phần nợ còn lại có thể cho khoanh, giãn. Cơ chế hỗ trợ là để các chủ nợ có thể kinh doanh tài sản thế chấp, xử lý rủi ro do chính sách mang lại. Đối tác nước ngoài chuẩn bị mua cổ phần của PVF chắc chắn hiểu rõ vấn đề này và đây có thể là một trong những lý do thúc đẩy họ trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty.
Chuyển vốn từ đầu tư sang thương mại
Chuyển động đáng ghi nhận hàng đầu ở PVF là dịch chuyển tài sản từ đầu tư sang thương mại. Nói một cách khác là đưa đồng vốn từ chỗ nằm bất động và có thể tụt giảm giá trị theo biến động thị trường trong các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu thành vốn có thể kinh doanh liên ngân hàng, cho vay ngắn hạn sinh lời ngay. PVF vẫn giữ một phần mô hình ngân hàng đầu tư, nhưng không phải tự đi đầu tư mà là cung cấp dịch vụ đầu tư như bảo lãnh phát hành trái phiếu, thu xếp các khoản vốn, tư vấn mua bán sáp nhập M & A…Năm 2008 doanh số dịch vụ tư vấn của Tổng công ty chỉ có 7,3 tỉ đồng, nhưng đã tăng lên 70 tỉ đồng năm 2010 và có khả năng đạt 100 tỉ đồng năm nay.
Về đầu tư, từ hai năm nay Tổng công ty hầu như không mua thêm cổ phiếu nào, kể cả các doanh nghiệp niêm yết và OTC. PVF lựa chọn những thời điểm thị trường thuận lợi để thoái vốn. Trong giai đoạn từ 2009 đến tháng 6-2011, PVF đã giảm/quay vòng khoảng 10.000 tỉ đồng danh mục đầu tư, chuyển sang hoạt động tín dụng. Năm nay, tính từ đầu năm đến nay, Tổng công ty đã bán số tài sản trị giá 3.600 tỉ đồng. Một số khoản đầu tư sau khi thanh lý đã được hoàn nhập dự phòng rủi ro do giá thoái tốt hơn giá thời điểm trích lập dự phòng.
Trong báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2011 có soát xét, ở trang 4, so với cuối năm ngoái, riêng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán giảm 918 tỉ đồng, chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn giảm 100 tỉ đồng, những khoản đầu tư dài hạn khác giảm 472 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy xu hướng tăng cường huy động vốn, đặc biệt từ các doanh nghiệp trong PetroVietnam và bên ngoài; giảm tài trợ tín dụng thương mại và dùng vốn để kinh doanh ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng cũng như kinh doanh vốn với các ngân hàng của PVF có dấu hiệu tăng mạnh. Ở trang 7, trong những thay đổi về công nợ hoạt động, tiền gửi của khách hàng từ 1.739 tỉ đồng đã tăng lên 7.037 tỉ đồng.
Một trong những lợi thế của PVF là nhận vốn ủy thác của tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên. Nguồn vốn này hiện có 9.087 tỉ đồng dành hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất.
Còn quá sớm để khẳng định sự chuyển dịch tài sản và dòng vốn là bước chuẩn bị để PVF chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty tài chính sang ngân hàng thương mại. PVF vẫn cần thêm thời gian để thanh lọc những tài sản đầu tư và thử nghiệm mạnh hơn trong lĩnh vực huy động vốn cũng như phát triển tín dụng, kinh doanh tiền tệ.
Hải Lý
sài gòn tiếp thị
|